/ 600
701

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 202

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 22.11.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội _HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 244, bắt đầu xem từ câu sau cùng hàng thứ ba.

“Hội Sớ lại nói: nhục nhãn mê muội, không nhìn thấy được bên ngoài một trang giấy, nhưng duyên trước mắt, tư duy từ đó. Không thấy khổ báo trong địa ngục, siêng tu nhưng không dõng mãnh. Không thấy niềm vui vi diệu ở Tịnh độ, nên mong cầu nhưng ý niệm không mãnh liệt”.

Hôm qua chúng ta học đến đây, mấy câu này trong Hội Sớ. Vì sao nguyện niệm Phật của chúng ta không thể kiên định, lòng tin không chân thật, nguyện lực không khẩn thiết. Đối với vô số ý niệm bất thiện, hành vi bất thiện vẫn không khắc phục được, nguyên nhân do đâu? Chính là vì chúng ta không có thiên nhãn.

Nếu như có thiên nhãn thông, thật sự nhìn thấy địa ngục, như ở trước nói về A la hán. A la hán có thiên nhãn, thấy bản thân mình trong đời quá khứ chịu khổ trong địa ngục, trong lòng vẫn còn sợ hãi, không phải toát hồ hôi lạnh, mà là chảy máu và mồ hôi. Nỗi sợ hãi đó giống như đang ở trước mắt. Chúng sanh không có thiên nhãn nên không biết, không biết nỗi khổ hãi đọa vào ba đường ác trong đời quá khứ, cũng không biết sự thù thắng của thế giới tây phương Cực Lạc. Cho nên ngày ngày nói đoạn ác tu thiện, kết quả đều là hữu danh vô thực. Mong cầu thế giới tây phương Cực Lạc, nhưng tâm nguyện lại không khẩn thiết.

Có vãng sanh Tịnh độ chăng? Có thật, cũng không phải nói vãng sanh không có điều kiện. Pháp môn này là con đường dễ đi. So sánh cả tám vạn bốn ngàn pháp môn, pháp môn này dễ tu, nhưng không dễ như chúng ta tưởng tượng. Trong kinh luận, chư vị cao tăng tổ sư xưa nay dạy chúng ta, cần phải tuân thủ giáo huấn trong kinh điển, kinh điển là nguyên tắc chỉ đạo cao nhất, không thể không nương vào kinh điển. Trong kinh điển nói, vãng sanh Tịnh độ phải đầy đủ ba điều kiện, đó là tín nguyện hạnh, đầy đủ ba điều kiện này tức có thể vãng sanh, không ở thời gian dài hay ngắn. Chân thật, nguyện thiết, nhất hướng chuyên niệm, trong Kinh Vô Lượng Thọ nói như thế, chúng ta có làm được chăng?

Trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục và Vãng Sanh Truyện, chúng ta thấy pháp sư Doanh Kha thời nhà Tống, đó là một tấm gương rất hay. Trong truyện ký ghi chép rất rõ ràng, sư là một tỳ kheo phá giới, tuy đã xuất gia những vẫn chưa đoạn được tập khí ác. Vậy tại sao sư có thể vãng sanh? Tuy không có thiên nhãn, sư tin sâu nhân quả, tự biết mình làm rất nhiều điều sai trái, theo như trong kinh nói thì nhất định đọa địa ngục. Nghĩ đến nỗi khổ trong địa ngục, sư vô cùng sợ hãi. Hay nói cách khác, nếu sư không vãng sanh thì chắc chắn đọa địa ngục. Sư tin chắc như vậy, không phải người khác nói cho nghe, đây chính là thiện căn của sư. Quý vị thấy trong Kinh Di Đà nói: “không thể thiếu thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh về nước này”, sư đầy đủ thiện căn này. Sư thỉnh giáo các vị đồng tu, đồng tu đưa sư xem cuốn Vãng Sanh Truyện. Sau khi đọc xong, mỗi khi đọc xong một người đều rơi nước mắt, cảm động vô cùng. Đọc xong tự mình đóng cửa phòng, hạ quyết tâm, nhất định cầu Phật A Di Đà đến, đã cảm ứng. Chúng ta có quyết tâm này chăng? Có quyết tâm là có cảm ứng. Pháp sư Doanh Kha có thể cầu được, mỗi người chúng ta đều có thể cầu được. Sư niệm suốt ba ngày ba đêm, không ngủ không nghỉ. Nghị lực đó, quyết tâm đó, ba ngày ba đêm cảm ứng Phật A Di Đà đến. Đệ tử Phật môn, không bỏ một ai, câu này là thật không phải giả, tâm chân thành sẽ có cảm ứng. Khi Đức Phật Di Đà đến nói với sư, ngươi còn 10 năm thọ mạng. Đức Phật an ủi, mười năm này ngươi cố gắng nỗ lực, lúc thọ mạng đến Phật sẽ đến tiếp dẫn. Sư cũng rất thông minh thỉnh cầu với Phật, con không cần mười năm thọ mạng này, con muốn vãng sanh ngay lúc này, vì sao vậy? Vì bản thân căn tánh xấu rất nặng, không chịu được sự mê hoặc bên ngoài, sư biết rất rõ về bản thân mình. Tài sắc danh thực thùy bên ngoài vừa mê hoặc, sư lại phạm giới, lại làm việc xấu, chính mình không khống chế được. Sư cầu Phật từ bi, lập tức đưa mình đi. Đức Phật Di Đà quả là từ bi vô lượng, cũng lấy trường hợp này làm gương cho mọi người, nên nói ba ngày sau ta đến tiếp dẫn ngươi. Ba ngày sau sư thật sự vãng sanh, không hề sanh bệnh, yêu cầu đại chúng trong tự viện niệm Phật tiễn sư, đối với những gì sư nói, mọi người bán tín bán nghi. Cũng may thời gian ba ngày rất ngắn, để xem ông nói thật hay giả. Mọi người niệm Phật giúp sư, niệm chưa đến một khắc, sư nói với mọi người, Phật A Di Đà đã đến đưa tôi đi, và sư đi thật.

/ 600