/ 600
744

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 200

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 20.11.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội _HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 240, hàng thứ tư từ dưới đếm lên. “Thân thông của Phật Bồ Tát và nhị thừa có nhiều loại khác nhau”, hôm qua chúng ta học đến đây.

Đoạn này là tỳ kheo Pháp Tạng kiến tạo nên thế giới Cực Lạc, nói với chúng ta cư dân ở thế giới đó, trí tuệ, đức năng, tướng hảo của họ vô cùng thù thắng. Nguyện này đặc biệt giới thiệu một loại trong đức năng, cũng tức là bản năng sáu căn của chúng ta, nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý. Hiện nay trong xã hội này, thường gọi là công năng đặc dị. Có công năng đặc dị, tôi cũng từng thấy, như những gì trong kinh này nói thì không thể sánh được. Loại công năng đặc dị này, thậm chí đến sơ quả tiểu thừa đều không bằng, nhưng nó sẽ mất đi.

Trước đây khi tôi còn ở Mỹ, gặp chính phủ Trung quốc, hình như phái mười mấy thanh niên, tôi thấy chắc khoảng hai mươi hơn hai mươi. Họ có công năng đặc dị, đặc biệt gọi là đôi mắt X quang, họ có thể nhìn xuyên suốt nội tạng trong thân thể con người. Tôi ở Los Angeles, có một đồng học mời họ xem, họ chỉ ra phổi của cô ta từng bị bệnh lao. Nhưng bây giờ đã vôi hóa, đã thành sẹo, chỉ ra vị trí của nó, khiến cô ta rất kinh ngạc. Bí mật này, khi kết hôn đến chồng cô ta cũng không biết. Không ai biết, xưa nay cũng chưa từng nói với ai, chứng tỏ là thật không phải giả. Chúng tôi từng hỏi họ, năng lực này của quý vị từ đâu đến? Là sanh ra đã có, họ sanh ra đã có năng lực này. Có người có thiên nhãn, có thể nghe được nhiều âm thanh khác nhau nói với họ, truyền lời với họ, điều này cũng không phải là giả. Thiên nhĩ thông và thiên nhãn thông tôi từng thấy không ít. Tôi hỏi họ, năng lực này của quý vị có bị mất chăng? Họ nói có. Vì sao mất? Tuổi tác lớn dần, biết quá nhiều điều, năng lực này từ từ bị thoái hóa, đại khái đến hơn ba bốn mươi tuổi là không còn. Điều này tương ưng với trong kinh Phật nói, chúng ta có thể lý giải. Trên thực tế bản năng này mỗi người đều có, bản năng chúng ta lớn bao nhiêu? Như trong kinh Đức Phật nói, thiên nhãn của chúng ta có thể nhìn thấy khắp biến pháp giới hư không giới, có thể nhìn thấy thế giới vĩ quan. Có thể thấy được lượng tử, nghĩa là tiểu quang tử, có thể thấy được. Bây giờ vì sao không thể? Năng lực này đi đâu rồi? Năng lực vẫn còn, không mất đi. Phải biết rằng nó không bị mất đi, mà là có chướng ngại. Chướng ngại gì? Là phiền não, tập khí, trong kinh Đức Phật gọi là vô minh phiền não. Vô minh phiền não là khởi tâm động niệm, trần sa phiền não là phân biệt, kiến tư phiền não là chấp trước. Quý vị có ba loại phiền não này, năng lực đó sẽ mất đi, nhưng không phải hoàn toàn mất đi. Hiện nay mắt chúng ta có thể thấy, tai cũng có thể nghe, chỉ là năng lực này rất yếu. Cách một trang giấy mắt không nhìn thấy được, khoảng cách xa một chút tai nghe không rõ ràng, không như bản năng có năng lượng lớn. Chúng ta hiểu được đạo lý này, cho nên không hề cảm thấy ly kỳ.

Đức Phật dạy chúng ta tu hành, như thế nào gọi là tu hành? Tu là tu sửa, hành là hành vi, hành vi của chúng ta có sai lầm, chúng ta sửa đổi nó lại, đây gọi là tu hành. Ví dụ như vừa mới nói, tất cả mọi người đều có ba loại phiền não khác nhau, mỗi một loại là vô lượng vô biên vô số, không đếm hết được những phiền não tập khí này. Nếu có thể buông bỏ tất cả tập khí phiền não này, khôi phục tâm thanh tịnh. Quý vị xem đề kinh của chúng ta, đó chính là tiêu chuẩn của việc tu hành. Thứ nhất là được tâm thanh tịnh, cao hơn nữa là được tâm bình đẳng, lên cao hơn nữa được tâm đại giác, nghĩa là chánh giác. Chánh giác là Phật, không phân biệt là Bồ Tát, không chấp trước tức là A la hán, người người đều có thể chứng được. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói, tất cả chúng sanh vốn là Phật, quý vị vốn giống như Đức Phật, có năng lực lớn như thế. Do vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng được, một câu nói của Phật đã nói lên tất cả.

Nếu chúng ta buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước, thì trí tuệ, đức năng, tướng hảo của chúng ta sẽ giống như Phật vậy, không có gì khác. Ngài thành Phật, chúng ta cũng thành Phật. Từ mặt lý mà nói, phàm phu thành Phật chỉ trong một niệm. Một niệm giác lập tức thành Phật, một niệm mê liền biến thành phàm phu. Đạo lý này kinh điển đại thừa nói rất rõ ràng, chúng ta không thể không biết. Phải thừa nhận tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai, chúng ta cũng có, mỗi người đều có, không có ai không có. Học Phật là phải khẳng định lý niệm này, mục tiêu của học Phật là khôi phục trí tuệ đức tướng của chúng ta.

/ 600