/ 600
758

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 199

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 19.11.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội _HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 238, hàng sau cùng. Tiếp theo bên dưới là nguyện thứ năm, “thân không sai biệt”, chúng ta đọc đoạn nguyên văn này.

“Đoan chánh tịnh khiết, tất đồng nhất loại, nhược hình mạo sai biệt, hữu hảo xú giả, bất thủ chánh giác”. Nguyện văn của nguyện này chính là “nguyện thân không sai biệt”. “Nguyện rằng: Chúng sanh trong nước, dung mạo hình sắc, đều đoan chánh tịnh khiết, tất cả đều giống nhau. Nếu có sai biệt và tốt xấu, tức không thành Phật”. Đây là ý nghĩa của nguyện văn này. Chúng ta chưa học hết 48 nguyện, ở đây mới là nguyện thứ năm. Từ trong năm nguyện này, chúng ta có thể lãnh hội một cách sâu sắc, thế giới Cực Lạc là đúng với sự thật, trong cõi nước Chư Phật tìm không thấy nơi thứ hai, đây là thật.

Quý vị xem trong nguyện thứ nhất, quả là từ bi đến cực điểm, thế giới Cực Lạc không có chúng sanh của địa ngục ngạ quỷ. Nguyện thứ hai nói rằng, từ ba ác đạo vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, vĩnh viễn không còn đọa vào ba đường ác. Chúng sanh ác đạo khi lâm mạng chung, một niệm mười niệm đều có thể vãng sanh, xem ra chúng ta có sự nghi ngờ. Đời này chúng ta học Phật suốt mấy mươi năm, nhưng không chắc chắn được vãng sanh.

Vì sao chúng sanh đọa lạc vào trong đường ác, nghe được một câu A Di Đà Phật là có thể vãng sanh? Vấn đề này, chân tướng sự thật này chúng ta không thể không biết. Trong ác đạo, phàm là người vãng sanh, chắc chắn trong đời quá khứ, đời đời kiếp kiếp đều là người niệm Phật, thiện căn sâu dày, cũng dõng mãnh tinh tấn, vì sao đọa vào đường ác? Khi lâm mạng chung nhất niệm sai lầm, điều này chúng ta có thể lý giải. Hoặc là tình chấp quá sâu, hoặc là tập khí phiền não, nhất niệm bất giác sinh khởi vô minh, do vậy mà bị đọa lạc vào tam đồ.

Nhân đọa lạc tam đồ, không ngoài ba chữ tham sân si. Lúc lâm chung tâm tham khởi lên, không buông bỏ được. Tâm sân nhuế sinh khởi, có những người có lỗi với quý vị, người hàm oan quý vị, ghi hận trong lòng, khi lâm mạng chung nghĩ đến những điều này. Hoặc là ngu si, khi lâm mạng chung mê hoặc, điều này cũng rất nhiều. Bây giờ gọi là bệnh đãng trí của người già, bệnh đãng trí của người già chính là hôn mê, là ngu si, nguyên nhân này khiến họ đọa vào ba đường ác.

Bồ Tát Địa Tạng, Chư Phật Như Lai, những chúng sanh này có cảm, họ có thể không ứng ư? Bất luận ở địa ngục, ở ngạ quỷ hay là súc sanh, Phật Bồ Tát đều ứng, có cảm liền có ứng. Lúc này thấy được Phật, nghe được Phật pháp, họ nhất niệm giác liền vãng sanh, chính là đạo lý này. Công phu tu hành của những người này, tuyệt đối không thua kém chúng ta. Nếu không phải thiện căn sâu dày, làm gì có chuyện đơn giản như vậy? Cõi người, cõi trời gặp được Phật pháp còn không dễ vãng sanh, huống gì là ba đường ác!

Chúng ta có thể lãnh hội, lý giải từ những điểm này là có thể đoạn nghi sanh tín, cũng có thể sanh khởi tâm cung kính đối với chúng sanh tạo ác. Điều này rất quan trọng, không được ghét bỏ họ, biết đâu tương lai họ vãng sanh thành Phật trước chúng ta. Thậm chí chúng ta thấy một con sâu, một con kiến, đừng thấy hiện tại chúng là một động vật nhỏ, thấp bé trong đường súc sanh, biết đâu tương lai chúng thành Phật trước ta, ta còn phải nhờ họ đến độ. Đây đều là lời thật lòng, là điều rất có thể xảy ra.

Chư vị Bồ Tát tuyệt đối không dám coi thường một chúng sanh, thành Phật càng không ngoại lệ, thành Phật là tâm bình đẳng. Trong nguyện này chúng ta thấy được điều này, Phật bình đẳng đối với tất cả chúng sanh. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “tất cả chúng sanh vốn là Phật”, ngài đâu có phân biệt? Ai cung kính đối với chúng sanh nhất? Thành Phật, khi thành Phật thì tánh đức viên mãn trong tự tánh hiển lộ ra. Bốn chữ thành kính khiêm hòa này hiển lộ ra một cách viên mãn đầy đủ. Như Lai quả địa mới viên mãn, Đẳng giác Bồ Tát và Diệu Giác vị còn kém một bậc, đến Diệu giác mới cứu cánh viên mãn. Do đó chúng ta có thể nghĩ đến, chúng ta tu học vì sao khó như vậy? Vì không bình đẳng. Trên đề kinh này nói là thanh tịnh bình đẳng giác, tâm chúng ta không thanh tịnh, không bình đẳng, cho nên là mê mà không giác, như vậy sẽ rất khó.

/ 600