/ 600
670

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

淨土大經解演義

Tập 198

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Minh Tiến

Giảo chánh & nhuận văn: Huệ Trang, Đức Phong và Như Hòa

 

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ hai trăm ba mươi lăm, hàng thứ bảy đếm từ dưới lên:

“Đại Trí Ðộ Luận Bát Thập Ngũ viết” (quyển thứ tám mươi lăm trong Đại Trí Độ Luận có nói). Đại Trí Độ Luận gồm có một trăm quyển, “bát thập ngũ” nghĩa là quyển thứ tám mươi lăm, trong đó có một đoạn như sau: “Duy Phật nhất nhân trí huệ vi A-Nậu-Đa-La Tam-Miệu Tam-Bồ-Đề” (chỉ có trí huệ Phật gọi là A-Nậu-Đa-La Tam-Miệu Tam-Bồ-Đề). Trong phần trước, chúng ta đã học: Câu kinh văn này là hy vọng của người học Phật; mục tiêu cuối cùng, mục tiêu cao nhất, chính là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Câu nói của Đại Luận (Đại Trí Độ Luận) rất hay, “duy Phật nhất nhân trí huệ vi A-Nậu-Đa-La Tam-Miệu Tam-Bồ-Đề” (chỉ có Phật mới chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác), chữ “nhất nhân” chỉ địa vị ấy (quả vị Phật). Quả vị do Bồ Tát chứng đắc, ngay cả quả vị của Đẳng Giác Bồ Tát, được gọi là Chánh Đẳng Chánh Giác, không thêm hai chữ Vô Thượng. Chữ Vô Thượng chỉ được thêm vào khi đã thành Phật. Thật ra, đó đều là trí huệ Bát Nhã vốn có sẵn trong tự tánh của mỗi chúng sanh, trí huệ Bát Nhã chính là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nay trí huệ của chúng ta biến thành phiền não, do đó, trong kinh thường nói “phiền não tức Bồ Đề”, đây là sự thật. Khi giác ngộ, sẽ là trí huệ Bát Nhã sẵn có trong tự tánh. Khi mê trí huệ ấy biến chất, biến thành phiền não. Vì lẽ đó, phiền não vô lượng vô biên, mà trí huệ cũng vô lượng vô biên. Đức Phật thấy chúng ta mê mất tự tánh, hết sức đáng thương. Đức Phật cùng các Bồ Tát, đặc biệt là Pháp Thân Bồ Tát, Pháp Thân Bồ Tát cũng đã thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nói thông thường thì các Ngài đều có cùng một đẳng cấp, cùng một địa vị, đều lấy tâm đại bi làm gốc, dùng thiện xảo phương tiện để giúp đỡ hết thảy chúng sanh phá mê, khai ngộ, lìa khổ, được vui. Nói thật ra, hoàn cảnh cư trú của chúng ta còn thù thắng hơn thế giới Cực Lạc! Thường Tịch Quang Tịnh Độ là quê cũ của chúng ta, là cội rễ của chúng ta. Mục tiêu cuối cùng của sự học Phật là trở về cõi Thường Tịch Quang, chứng đắc quả vị Diệu Giác. Quả Diệu Giác chính là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Nguyện này thù thắng khôn sánh! Chúng ta xem tiếp: “Ác đạo chúng sanh thiện căn vi nhược, phục đa túc nghiệp, mông Phật nguyện lực gia bị, nhiếp thọ vãng sanh. Sanh bỉ độ dĩ, tất linh thành Phật. Thử thật A Di Đà Như Lai từ bi chí cực chi vô thượng thánh nguyện” (chúng sanh trong ác đạo thiện căn kém cỏi, lại lắm túc nghiệp, được nhờ nguyện lực của Phật gia bị, nhiếp thọ vãng sanh, sanh sang cõi kia rồi thảy đều thành Phật. Ðây thật là thánh nguyện vô thượng từ bi đến cùng cực của Di Ðà Như Lai). Câu này có nghĩa là gì? Chúng sanh trong địa ngục có thể thành Phật hay không? Có thể. Vì sao? Chúng ta có thể nói là trong A Lại Da Thức của hết thảy chúng sanh đều có đầy đủ chủng tử (hạt giống) của mười pháp giới. Chủng tử là nhân, khi gặp duyên, nó sẽ dấy lên hiện hành. Nếu hạt giống Phật trong A Lại Da Thức của các chúng sanh trong địa ngục gặp duyên của Phật, đương nhiên họ sẽ thành Phật, lại còn chỉ trong một niệm! Đây là điều chúng ta có thể tin tưởng, có thể chấp nhận. Vấn đề là họ có thể gặp duyên hay không? Khi gặp được duyên họ có thể tiếp nhận hay không? Then chốt là ở chỗ này. Tại sao chúng sanh trong địa ngục chịu khổ nhiều như vậy? Tội địa ngục đã hết, vẫn phải sanh trong các cõi ngạ quỷ, súc sanh? Đó là vì trong địa ngục, tuy Địa Tạng Bồ Tát giáo hóa trong đó, ngoài Địa Tạng Bồ Tát ra, còn có rất nhiều Phật, Bồ Tát [giáo hóa chúng sanh nơi đó], chúng sanh có cảm, Phật, Bồ Tát liền ứng, vấn đề quan trọng ở đây là túc nghiệp của họ. Nếu thiện căn của họ kém cỏi, dù có gặp duyên của Phật, họ vẫn bỏ lỡ, vấn đề ở chỗ này!

Những chuyện giống như vậy chúng ta cũng đã từng trải qua. Hãy suy nghĩ về chính mình, đời này đã gặp Phật pháp, hãy nên nghĩ tới những người trong địa ngục cũng giống như chúng ta. Chúng tôi từ nhỏ đã có duyên gặp Phật pháp. Lúc ấy, còn ở dưới quê, những phụ nữ mê tín trong làng quê thường đến chùa miếu để thắp hương cầu bình an, cầu gia hộ; lúc nhỏ chúng tôi cũng theo cha mẹ đến chùa miếu cúng bái. Sau này, lớn lên đi học, hấp thụ giáo dục trong nhà trường, biết đó là tôn giáo, là mê tín. Sau khi học mấy năm trong trường, chúng tôi chẳng tin tưởng chuyện [cúng kiếng] nữa, chẳng còn tiếp xúc nữa, đó là gì? Bị túc nghiệp ảnh hưởng, thiện căn yếu kém, có ý nghĩa ấy.

/ 600