Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
淨土大經解演義
Tập 197
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 05.04.2010
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Minh Tiến
Giảo chánh & nhuận văn: Huệ Trang, Đức Phong và Như Hòa
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ hai trăm ba mươi ba, hàng thứ bảy, xem từ chữ “súc sanh”.
“Súc sanh, tân dịch vi bàng sanh, chỉ bàng hành chi sanh loại. Tân Tỳ Bà Sa Luận vân: Kỳ hình bàng, cố hành diệc bàng, dĩ hành bàng, cố hình diệc bàng. Thị cố danh bàng sanh. Bàng giả, hoành dã” (Chữ “súc sanh” tân dịch[1] là “bàng sanh”, ngụ ý: Các loài sanh vật có thân hình nằm ngang. Tân Bà Sa Luận nói: “Do thân hình chúng nằm ngang nên cũng đi ngang. Hoặc do đi ngang, nên thân hình cũng nằm ngang”. Vì vậy, chúng được gọi là “bàng sanh”. “Bàng” có nghĩa là nằm ngang). Nói đơn giản thì có nghĩa là: Bàng (傍) là bất chánh; tâm không chánh trực thì kẻ đó hành xử bất chánh, cho nên đọa vào loài súc sanh. Tâm hạnh đoan chánh, sẽ sanh trong cõi trời và cõi người. Tâm hạnh bất chánh, sẽ đọa vào cõi súc sanh. Trong những kẻ tạo tội Ngũ Nghịch Thập Ác, đây là những kẻ tạo tội nhẹ nhất, nhẹ hơn kẻ [tạo tội] đọa ngạ quỷ, nên mới xếp sau ngạ quỷ. Trong kinh văn, [có trích dẫn lời] Tân Tỳ Bà Sa Luận[2] nói rất hay: Hình trạng của chúng, “hình” (形) là nói đến hình trạng, hình trạng của chúng (súc sanh) chẳng chánh đáng. Trong kinh giáo và trong giáo huấn của thánh nhân đều nhắc tới oai nghi của chư thiên, súc sanh đạo và ngạ quỷ đạo không có oai nghi. Nói thông tục một chút, oai nghi thuộc về lễ tiết, bọn chúng (súc sanh và ngạ quỷ) không hiểu lễ tiết. Nếu con người thiếu lễ độ, không hiểu lễ tiết, chẳng có tâm yêu thương, không có [ý niệm] “suy từ mình mà nghĩ đến người khác”, thì gọi là “tâm hạnh không đoan chánh”. Trong “tham, sân, si”, không đoan chánh thuộc về ngu si; do đó, ngu si chiêu cảm cõi súc sanh. Đó là nghiệp nhân của súc sanh. Tâm hạnh lệch lạc, tà vạy, tà tri, tà kiến, chúng ta thường nói là “làm xằng, làm quấy”; đó là nghiệp nhân của súc sanh. Tiếp đó nói tới hành vi, hành vi của chúng cũng không đoan chánh. Do tâm hạnh bất chánh, nên hành vi bất chánh, nên gọi là “bàng sanh”.
Sách Hội Sớ nói: “Thử đạo biến tại chư xứ, phi mao, đới giác, lân giáp, vũ mao, tứ túc, đa túc, hữu túc, vô túc” (Loài này có mặt khắp nơi, đeo lông, đội sừng, vảy, mai, lông mao, lông vũ, bốn chân, nhiều chân, có chân, không chân), đây là nói hình dáng của loài súc sanh, chúng nó sống ở đâu? Khắp nơi đều có thể trông thấy chúng, dưới nước, trên mặt đất, bay trên không trung, đều có thể trông thấy. “Đeo lông, đội sừng” là loài thú. Loài có vảy, có mai là loài sống dưới nước; Trên mặt đất cũng có loài có mai, có vảy (thí dụ như rùa, rắn). Loài có lông mao, lông vũ là loài chim bay trên không trung. Loài có bốn chân, loài có nhiều chân đều là những loài chúng ta thường thấy; còn có loài không chân, có loài có chân, [thí dụ như] rắn là loài không chân. Trong loài rắn, có rất nhiều loại khác nhau. Do đó, “thủy, lục, không hành, hỗ tương thôn đạm, thọ khổ vô lượng” (sống dưới nước, trên mặt đất, bay trên không, ăn nuốt lẫn nhau, chịu khổ vô lượng). Sách Phụ Hoằng Ký[3] nói: “Tác trung phẩm Ngũ Nghịch Thập Ác giả cảm chi” (tạo Ngũ Nghịch Thập Ác bậc trung cảm lấy quả này). Trong phần trước, chúng tôi đã có nói: Loài súc sanh đáng lẽ xếp vào [kẻ tạo tội Thập Ác] hạ phẩm, có lẽ sách đã viết sai ở chỗ này. Sách xếp ngạ quỷ vào hạ phẩm, xếp súc sanh vào trung phẩm. Tạo tội Ngũ Nghịch Thập Ác cảm lấy quả báo này, tội của kẻ đọa súc sanh nhẹ hơn kẻ đọa ngạ quỷ. Trong cái nhân, tuy không có tâm hại chúng sanh, nhưng tâm hạnh của họ bất thiện, nên cảm quả báo như vậy.