/ 600
1.237

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 196

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Minh Tiến

Giảo chánh và hiệu đính: Đức Phong, Huệ Trang và Như Hòa

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang hai trăm ba mươi mốt, hàng thứ hai, bắt đầu từ câu thứ hai, bắt đầu từ chữ “địa ngục “:

“Địa ngục, thử vi Hán ngữ” (Địa ngục là tiếng Hán), đây là tiếng Trung Quốc, “Phạn ngữ vi Na Lạc Ca, Nê Lê đẳng” (tiếng Phạn là Na-lạc-ca (Naraka) hay Nê-lê (Nairya) v.v...), chữ Đẳng nghĩa là trong tiếng Phạn còn có nhiều danh từ khác nữa, chỉ nêu sơ lược hai thứ. “Nhiếp Đại Thừa Luận Âm Nghĩa viết, thử dịch hữu tứ nghĩa” (sách Nhiếp Đại Thừa Luận Âm Nghĩa nói: “Dịch ra [tiếng Hán], Nê Lê có bốn nghĩa”), tức là nói trong tiếng Phạn, danh xưng Địa Ngục có bốn ý nghĩa. Thứ nhất là “bất khả lạc” (chẳng thể vui sướng), nghĩa là nơi ấy chẳng an vui, vậy thì càng chẳng thể có vui sướng, chỉ có khổ, chẳng có vui, chúng ta thường nói là “khổ chẳng nói nổi”!

Ý nghĩa thứ hai là “bất khả cứu tế” (chẳng thể cứu vớt). Ngay cả Phật, Bồ Tát muốn cứu giúp cũng không giúp nổi, tại sao vậy? Do nghiệp lực bất thiện của chính mình chiêu cảm mà có. Khi xưa, lúc tôi mới học Phật, cụ Châu Kính Trụ kể cho tôi nghe một câu chuyện, chuyện có thật. Bố vợ của cụ là ông Chương Thái Viêm, thuở ấy, cụ Chương hết sức nổi tiếng, hầu như những người có học thức chẳng ai không biết đến tên tuổi cụ. Cụ Chương là bậc thầy về Quốc Học trong thời đầu Dân Quốc. Có một thời gian, cụ Chương bị Đông Nhạc Đại Đế mời làm phán quan. Đông Nhạc đại đế là đại quỷ vương. Trung Quốc có Ngũ Nhạc, nghĩa là [lãnh thổ Trung Quốc] chia ra năm vùng, mỗi vùng gồm có mấy tỉnh. Đông Nhạc Đại Đế cai quản Thái Sơn, miếu thờ của Ngài ở Thái sơn thuộc tỉnh Sơn Đông. [Đại Đế] mời cụ Chương làm phán quan, phán quan là chức quan gì? Giống như Bí Thư Trưởng vậy, chức vị này rất cao. Mỗi tối, có hai tên tiểu quỷ khiêng kiệu cho cụ đi làm, trời gần sáng thì đưa cụ về nhà. Ban ngày bận làm việc cõi người, ban đêm bận làm việc cõi quỷ, vô cùng khổ nhọc. Một hôm, cụ dùng giấy vàng để viết đơn xin nghỉ, đốt tờ giấy đó trước cửa thì đêm đó tiểu quỷ chẳng đến tìm cụ nữa, giống như Đông Nhạc Đại Đế chấp thuận cho cụ nghỉ phép. Cụ là một người thư sinh, học rất giỏi.

Có một hôm, cụ kiến nghị với Đông Nhạc Đại Đế, cụ nghe nói hình phạt bào lạc (ôm cột đồng) dưới địa ngục quá tàn khốc. Hình phạt này là dùng cột sắt đốt cho nóng đỏ rực lên, rồi bắt tội nhân ôm cột cháy đỏ rực ấy, hình phạt như vậy đó. Cụ Chương nói: “Như vậy là quá tàn nhẫn, có thể phế trừ hình phạt đó hay không?” Đông Nhạc Đại Đế nghe xong, bảo cụ hãy đi xem thử. Vua liền sai hai tiểu quỷ dẫn cụ đến hiện trường (nơi đang xử phạt) để xem. Đi một lúc lâu mới tới, tiểu quỷ nói: “Đã tới rồi” và chỉ [nơi đang xử phạt ở] ngay trước mặt, cụ Chương chẳng nhìn thấy gì cả! Lúc đó, cụ Chương mới đột nhiên hiểu ra, vì cụ cũng là tín đồ Phật giáo, là đệ tử của Phật môn, liền biết đó là do nghiệp lực của tội nhân biến hiện, chẳng liên quan đến vua Diêm La. Chẳng phải vua Diêm La lập ra hình phạt ấy, cũng chẳng do thần thiết kế, cũng chẳng do Bồ Tát, đều chẳng dính dáng gì cả, mà do nghiệp lực của người đó biến hiện, tự làm tự chịu. Nếu chẳng có nghiệp lực ấy, quý vị cũng chẳng nhìn thấy. Lúc đó, cụ mới hiểu sự việc là như vậy, nên gọi là “chẳng thể cứu”. Quý vị thấy lão cư sĩ Chương Thái Viêm có lòng từ bi, hy vọng có thể phế trừ hình phạt ấy, vừa nhìn liền biết chẳng thể nào phế trừ chuyện ấy, trừ phi người đó chịu hồi tâm, thật sự sám hối, sửa lỗi đổi mới, cảnh giới ấy mới mất đi. Nhưng người đang chịu tội do quá khổ, chẳng nhớ sám hối, vấn đề ở chỗ này. Ông Chương là người có thiện căn sâu dầy.

Trong địa ngục cũng có Phật, Bồ Tát, Địa Tạng Vương thường ngự trong địa ngục để nhắc nhở những hạng người nào? Đối với những người gần giác ngộ, nhưng chưa giác ngộ, vừa nhắc nhở, họ liền có thể thật sự sám hối, liền có thể thoát khỏi địa ngục. Nếu không phải ngay trong giây phút quyết định đó, quý vị có nhắc họ cũng không được, họ chẳng nghe, vì họ đang bị sự khổ bức bách, chỉ tập trung chú ý nỗi khổ, chịu khổ, chịu nạn, chẳng để ý người bên cạnh đang nhắc nhở họ. Đây là nói chư Phật, Bồ Tát độ chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh, phải có duyên phận và cơ duyên nhất định. [Duyên phận là lúc] họ sắp ngộ nhưng chưa ngộ, lúc đó là một cơ hội, Bồ Tát có thể nắm lấy cơ hội này. Do vậy, chúng sanh trong địa ngục có niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ hay không? Cũng có! Khi Phật, Bồ Tát vừa chỉ điểm, họ liền sám hối, sửa lỗi, đổi mới, liền thoát khỏi địa ngục, địa ngục liền biến mất. Nếu một niệm ấy là niệm Phật [liền vãng sanh], vì sao họ biết niệm Phật? Trong đời quá khứ đã từng là người niệm Phật, nên trong A Lại Da Thức có sẵn chủng tử, khi Phật, Bồ Tát vừa nhắc nhở, họ liền niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Họ vừa niệm một câu A Di Đà Phật, một niệm hay mười niệm, chắc chắn được vãng sanh, thật vậy, chẳng giả! Chúng sanh trong địa ngục có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc, huống hồ con người? Điều quan trọng là có thể quay lại hay không, có thể đoạn ác tu thiện hay không, có thể đoan chánh cái tâm của chính mình hay không, thật sự giác ngộ. Đây là ý nghĩa thứ hai.

/ 600