/ 600
760

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 195

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Minh Tiến

Giảo chánh và hiệu đính: Đức Phong, Huệ Trang và Như Hòa


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ hai trăm ba mươi, hàng thứ năm đếm từ dưới lên, xem từ câu thứ nhì:

“Phục dĩ cụ túc vô lượng bất khả tư nghị trang nghiêm, cố vạn vật nghiêm tịnh, cùng vi cực diệu, quang oánh như kính, triệt chiếu thập phương, xúc quang an lạc, cấu diệt thiện sanh. Kỳ hương phổ huân thập phương thế giới, chúng sanh văn giả, giai tu Phật hạnh” (Cũng do đầy đủ vô lượng công đức chẳng thể nghĩ bàn nên vạn vật nghiêm tịnh, vi diệu đến cùng cực, sáng láng như gương, chiếu tột cùng mười phương. Ðược quang minh chiếu đến, liền an lạc, cấu diệt, thiện sanh. Mùi hương xông khắp, chúng sanh trong mười phương thế giới ngửi thấy đều tu Phật hạnh). Chúng ta xem đến chỗ này. Đoạn kinh văn này thuật lại tình hình sau khi tỳ-kheo Pháp Tạng kiến tạo thành tựu cõi Cực Lạc. Thế giới Cực Lạc từ đâu mà có, được xây dựng như thế nào, trong phần trước đã trình bày rồi. Tại sao thế giới ấy tốt đẹp như vậy, [những điều này] rất đáng cho chúng ta học tập. Tỳ-kheo Pháp Tạng tham quan, thăm hỏi, khảo sát các cõi nước của mười phương chư Phật, Ngài đến những cõi ấy chọn lấy những điều tốt, bỏ những điều xấu của mỗi thế giới, chọn lọc như vậy rồi xây dựng thế giới Cực Lạc. Do vậy, trong các cõi nước chư Phật, thế giới này là thuần tịnh, thuần thiện, chư Phật cũng khen ngợi, xưng tán A Di Đà Phật là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương” (quang minh tôn quý nhất, là vua trong các vị Phật). Cảnh giới của Phật, Bồ Tát chẳng giống như cảnh giới cõi người; khi thấy kẻ khác tốt đẹp, con người sẽ khởi lòng đố kỵ, trong cảnh giới Phật, Bồ Tát chẳng như vậy. Không chỉ chẳng đố kỵ, mà còn sanh tâm hoan hỷ, khen ngợi hoàn cảnh tu học tốt đẹp như vậy. Vì thế, mười phương chư Phật chẳng vị nào không chiêu sinh giùm Ngài, giúp Ngài tuyên truyền, thậm chí còn gởi học trò giỏi của mình đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, đến đó để làm gì? Để được huấn luyện, đến đó bèn có thể thành Phật. Đây là tôi thuật lại những điều đã nói trong đoạn trước, chúng ta có thể thấy thế giới đó tốt đẹp và ảnh hưởng của nó.

Thế giới Cực Lạc “cụ túc vô lượng trang nghiêm bất khả tư nghị” (đầy đủ vô lượng trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn), câu này là nói tổng quát. Chúng ta gọi “trang nghiêm” “chân thiện mỹ huệ”. Trong thế gian này, nói thật ra, “chân thiện mỹ huệ” chỉ là hữu danh vô thực; trong thế giới Cực Lạc mới là có thật, chẳng giả. Trong sáu câu tiếp theo, đối với từ ngữ “vạn vật nghiêm tịnh”, “nghiêm” là trang nghiêm, “tịnh” là thanh tịnh, cũng là nói thế giới ấy là cõi Tịnh Độ, chẳng có mảy may ô nhiễm nào! Không chỉ vật chất chẳng bị ô nhiễm, mà tinh thần càng chẳng bị ô nhiễm. “Cùng vi cực diệu” là lời lẽ hình dung, “cùng” (窮) nghĩa là cùng tận, [“cùng vi cực diệu” là] vi diệu tới cùng cực, chẳng có cách nào diễn tả được! Ánh sáng từ nơi ấy rạng ngời như gương soi vậy. “Triệt chiếu thập phương” [nghĩa là] chiếu soi mười phương thế giới rõ ràng, chiếu hết sức tỉ mỉ. “Xúc quang an lạc” nghĩa là chúng sanh trong mười phương thế giới đều có thể tiếp xúc ánh sáng ấy. Thế giới [Sa Bà] này có thuộc trong phạm vi của ánh sáng ấy hay không? Có! Tại sao chúng ta không cảm thấy? Trong kinh Đại Thừa, đức Phật đã nói điều này rất nhiều, đó là vì chúng ta có chướng ngại. Thí dụ như lúc mặt trời chiếu sáng khắp mặt đất, chúng ta ra ngoài cứ khăng khăng che dù, không để ánh mặt trời chiếu tới. Vì chúng ta che dù nên ánh mặt trời không chiếu tới, đó là chính mình có chướng ngại. Hiện thời, chướng ngại của chúng ta là gì? Kinh đã nói rất rõ ràng, chướng ngại của chúng ta chính là tập khí phiền não. Phiền não vô lượng vô biên, nhằm dạy học thuận tiện, đức Phật đã quy nạp vô lượng vô biên phiền não thành ba loại lớn: Loại thứ nhất là Căn Bản Vô Minh. Vô minh là gì? Là chúng ta đã mê. Trong Phật pháp đã nói rất rõ: “Hết thảy chúng sanh vốn là Phật”. Thật ra, chúng ta chẳng khác Tỳ Lô Giá Na Phật, chẳng khác A Di Đà Phật; thật vậy, chẳng giả! Tại sao nay lại khác biệt lớn như vậy? Các Ngài giác ngộ, còn chúng ta mê hoặc. Do đó, phiền não thứ nhất là mê, mê mất tự tánh, chẳng biết mình là gì, đây là phiền não thứ nhất, gọi là Căn Bản Phiền Não. Thứ nhì là phân biệt, thứ ba là chấp trước. Phân biệt còn gọi là Trần Sa Phiền Não, chữ “trần sa” (cát bụi) hình dung những ý niệm phân biệt rất nhiều. Ý niệm trước vừa diệt, ý niệm sau liền khởi lên, nên dùng trần sa để tỷ dụ. Chấp trước còn gọi là Kiến Tư Phiền Não; Kiến là kiến giải, Tư là tư tưởng, cũng có nghĩa là quý vị đối với người, đối với sự, đối với hết thảy vạn vật, quý vị nhìn sai lầm, suy nghĩ sai lầm. Những gì Phật pháp dạy chúng ta chẳng ngoài chuyện nhận biết Thật Tướng của các pháp, tức là chân tướng của hết thảy các pháp. Khi quý vị đã nhận biết chân tướng, sẽ không mê nữa, sẽ không phân biệt nữa, mà cũng không chấp trước nữa, chướng ngại sẽ bị diệt trừ. Đến lúc đó, quý vị sẽ thấy Phật quang đích thực đang chiếu soi nơi này, chúng ta sẽ cảm nhận được, thật sự biết Phật quang đang chiếu đến thân chúng ta.

/ 600