/ 600
450

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 194

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Minh Tiến

Giảo chánh & hiệu đính: Đức Phong, Như Hòa và Huệ Trang

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ hai trăm hai mươi chín, hàng thứ ba:

Pháp Tạng bạch ngôn: - Duy nguyện Thế Tôn, đại từ thính sát.

法 藏 白 言:唯 願 世 尊,大 慈 聽 察。

(Pháp Tạng bạch rằng: - Kính xin đức Thế Tôn đại từ nghe, xét)

 

Trong Chú Giải, cụ Hoàng ghi: “Thính giả, nhĩ văn dã. Sát giả, tâm trung thẩm tư dã” (Thính là tai nghe, sát là trong tâm suy xét), như vậy cũng dễ hiểu. “Hội Sớ viết: Như Lai thính kỳ thuyết minh, chiếu sát đơn thành, cố vân thính sát. Cố kinh nghĩa vi: Pháp Tạng Bồ Tát thỉnh cầu Thế Tôn, thùy từ ư ngã, thính ngã sở thuyết, giám ngã thành tâm. Dĩ hạ, Pháp Tạng trần thuyết sở phát đại nguyện” (Sách Hội Sớ giảng: “Như Lai nghe ông ta trình bày, soi xét tấm lòng son, nên bảo là thính sát (nghe, xét)”. Như vậy, câu kinh trên đây có nghĩa là: Pháp Tạng Bồ Tát thỉnh cầu đức Thế Tôn rủ lòng Từ thương xót mình, nghe lời mình thưa, soi xét tấm lòng thành của mình. Tiếp theo đó, Pháp Tạng trình bày những đại nguyện chính mình đã phát). Ba câu này là lời đức Thế Gian Tự Tại Vương Phật yêu cầu Pháp Tạng hãy báo cáo tường tận với đại chúng về thế giới Cực Lạc do Ngài vừa mới kiến lập. Ba câu này nhằm trần thuật lời ngài Pháp Tạng vô cùng cung kính thỉnh Phật và đại chúng nghe Ngài báo cáo. Chúng ta xem đoạn kinh tiếp theo:

 

Ngã nhược chứng đắc Vô Thượng Bồ Đề, thành Chánh Giác dĩ, sở cư Phật sát, cụ túc vô lượng bất khả tư nghị công đức trang nghiêm.

  我 若 證 得 無 上 菩 提,成 正 覺 已,所 居 佛 剎,具 足 無 量 不 可 思 議 功 德 莊 嚴。

(Nếu tôi chứng được Vô Thượng Bồ Ðề, thành Chánh Giác rồi thì cõi nước tôi ở sẽ đầy đủ vô lượng công đức trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn).

Đoạn này là nói chung, cũng là tổng cương lãnh của bài báo cáo của tỳ-kheo Pháp Tạng. Kế tiếp là lời tường thuật chi tiết, nêu ra cụ thể những thứ công đức trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn nào? Phần sau gồm có hai mươi bốn chương, tức là bốn mươi tám nguyện.

Vô hữu địa ngục, ngạ quỷ, cầm thú, quyên phi nhuyễn động chi loại.

無 有 地 獄、餓 鬼、禽 獸、蜎 飛 蠕 動 之 類。

(Không có địa ngục, ngạ quỷ, cầm thú, các loài ngọ nguậy, bay lượn, bò trườn).

Đây là nói thế giới [Cực Lạc] chẳng có tam ác đạo, tuy có lục đạo, nhưng không có ba đường ấy.

 

Sở hữu nhất thiết chúng sanh, dĩ cập Diễm Ma La giới, tam ác đạo trung, lai sanh ngã sát, thọ ngã pháp hóa, tất thành A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề, bất phục cánh đọa ác thú. Đắc thị nguyện, nãi tác Phật. Bất đắc thị nguyện, bất thủ vô thượng Chánh Giác.

所 有 一 切 眾 生,以 及 焰 摩 羅 界,三 惡 道 中,來 生 我 剎,受 我 法 化,悉 成 阿 耨 多 羅 三 藐 三 菩 提,不 復 更 墮 惡 趣。得 是 願,乃 作 佛,不 得 是 願,不 取 無 上 正 覺。

(Tất cả hết thảy chúng sanh cho đến những kẻ từ trong cõi Diễm Ma La, trong ba đường ác sanh sang cõi tôi, nhận pháp hóa của tôi, ắt thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, chẳng đọa vào đường ác nữa. Nguyện được như thế mới làm Phật. Chẳng thỏa nguyện ấy, chẳng giữ lấy vô thượng Chánh Giác).

 

Đoạn này là nguyện thứ hai “chẳng đọa ác thú”. Nguyện thứ nhất là “nước không có ác đạo”, nguyện thứ hai là “chẳng đọa ác thú”. Người từ đâu vãng sanh sẽ không đọa? [Chúng sanh từ các đường] ngạ quỷ, địa ngục sanh đến Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ vĩnh viễn không đọa ba đường ác nữa. Chúng ta xem kinh văn, hai nguyện này được đặt ở đầu, chúng ta có thể tưởng tượng được, trong năm kiếp, tỳ-kheo Pháp Tạng đã tham quan, khảo sát, tu học, đi qua trọn khắp mười phương ba đời hết thảy cõi nước chư Phật, nhất định là đã thấy rất nhiều thế giới, cõi nước chư Phật đều có lục đạo luân hồi, đều có tam ác đạo. Lục đạo luân hồi chẳng giả; nếu là giả thì trong hoằng nguyện của Pháp Tạng Bồ Tát chắc chắn sẽ không có nguyện này. Vả lại, Ngài còn để nguyện này trước nhất, nhằm khiến cho chúng ta cảnh giác cao độ. Tôi tin tưởng ai có một chút thông minh, có một chút thiện căn, vừa đọc đến nguyện này, sẽ lập tức biết cõi Cực Lạc vô cùng thù thắng. Thù thắng ở chỗ nào? Chính là thù thắng ở chỗ này. Vì sao có ác đạo? Trong giáo pháp Đại Thừa, đức Phật đã nói rất nhiều, chúng ta cũng đã đọc rất nhiều, bây giờ chúng ta hãy đọc lời chú giải của cụ Hoàng.

/ 600