Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
淨土大經解演義
Tập 193
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 05.04.2010
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Minh Tiến
Giảo chánh & hiệu đính: Đức Phong, Như Hòa, và Huệ Trang
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ hai trăm hai mươi lăm, hàng thứ sáu, xem từ chữ “Tịnh Ảnh Sớ”:
“Tịnh Ảnh Sớ viết: Pháp Tạng tự thuyết kỷ nguyện, linh chư Bồ Tát học chi đồng phát” (Tịnh Ảnh Sớ chép: “Ngài Pháp Tạng tự nói nguyện của mình xong khiến các Bồ Tát học theo Ngài cùng phát nguyện”). Chúng ta hãy đọc tiếp câu kế: “Hựu Hội Sớ vân: Bồ Tát văn chi, tự phát dũng mãnh tâm, bỉ ký trượng phu, ngã diệc nhĩ. Bỉ phát diệu nguyện, ngã bất nhĩ hồ? Cố năng duyên chi mãn túc đại nguyện dã” (Lại nữa, sách Hội Sớ chép: “Bồ Tát nghe xong tự phát tâm dũng mãnh. Ông ta là trượng phu, ta cũng vậy, ông ta đã phát nguyện nhiệm mầu, ta há chẳng bằng ổng sao? Vì vậy, nguyện của Pháp Tạng làm duyên để viên mãn đại nguyện”). Trong phần trên đã nói: Sau khi Pháp Tạng Bồ Tát kiến lập thế giới Cực Lạc xong, đến gặp thầy là Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai. Đương nhiên thầy đã biết, chẳng nói thầy cũng biết, quả vị Diệu Giác Phật không gì chẳng biết, nên Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai khuyên Ngài hãy nên tuyên bố chuyện ấy với đại chúng, khiến cho đại chúng hoan hỷ, mà cũng khiến cho vô lượng chúng sanh đạt được lợi ích thù thắng. Lợi ích ấy đích xác là chân thật, trong giáo pháp Đại Thừa thường nói: “Một phen thoảng qua tai, vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo”, bất luận ai thấy hoặc nghe đều kết duyên với thế giới Cực Lạc. Giáo pháp Đại Thừa thường nói “Phật chẳng độ kẻ vô duyên”, quý vị nghe [nói tới] A Di Đà Phật, nhìn thấy tượng A Di Đà Phật, đều là hữu duyên. Do đó, lời khuyên này của Thế Gian Tự Tại Vương Phật có dụng ý rất sâu, cũng là nhằm giúp A Di Đà Phật phổ độ chúng sanh khổ nạn trong sáu nẻo của các cõi Phật trọn khắp pháp giới hư không giới. Duyên này sâu rộng khôn sánh, nên sau khi đại chúng nghe xong, đặc biệt là các vị Bồ Tát, cũng sẽ học theo đại nguyện và đại hạnh của tỳ-kheo Pháp Tạng.
Đoạn văn này là do cụ Hoàng trích một câu từ Tịnh Ảnh Sớ: “Pháp Tạng tự thuyết kỷ nguyện, linh chư Bồ Tát học chi đồng phát” (ngài Pháp Tạng nói nguyện của mình xong, khiến cho các Bồ Tát học theo Ngài cùng phát nguyện). Vì Bồ Tát đã phát Tứ Hoằng Thệ Nguyện, câu thứ nhất trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, đã phát nguyện xong, phải “độ” bằng cách nào? Nhất định phải hợp tác với A Di Đà Phật thì mới có thể phổ độ chúng sanh. Không riêng hàng Bồ Tát phát nguyện, mà chư Phật Như Lai cũng không ngoại lệ, từ chỗ nào ta có thể thấy được điều này? Mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai phổ độ chúng sanh, chẳng có vị nào không giảng kinh Vô Lượng Thọ, chẳng có vị nào không giảng kinh A Di Đà. Giảng những kinh ấy nhằm giúp A Di Đà Phật tiếp dẫn chúng sanh vãng sanh thế giới Cực Lạc. Vì vậy, chư Phật đều tham dự các đại hội giảng kinh ấy, đây là pháp hội hy hữu, thù thắng khôn sánh trong thế gian và xuất thế gian, chúng ta chớ nên không biết điều này. Sách Hội Sớ nói rất rõ, quý vị thấy các vị Bồ Tát đã nghe xong lời tường thuật của tỳ-kheo Pháp Tạng, [ai nấy] đều tự phát tâm dũng mãnh. Các vị Bồ Tát ấy nghe xong đều phát tâm dũng mãnh. Quý vị thấy tỳ-kheo Pháp Tạng đã thực hiện được, Ngài có thể làm được, tại sao ta chẳng làm được? Cho nên [sách Hội Sớ viết]: “Ông ta là trượng phu, ta cũng vậy. Ông ta đã phát diệu nguyện, ta há chẳng bằng ổng hay sao? Ta có thể không phát sao?”, mang ý nghĩa ấy. “Ngài đã phát nguyện rồi, ta có thể không phát sao?” Vì vậy, nguyện của ngài Pháp Tạng làm duyên viên mãn đại nguyện; câu “mãn túc vô lượng đại nguyện” trong kinh văn nghĩa là có thể làm tròn hết thảy các chí nguyện.
Câu kế tiếp: “Hựu Vãng Sanh Luận Chú vân: Mãn túc vãng sanh Tịnh Độ nhất nguyện, tức nhất thiết chí nguyện tất mãn túc. Cố vân mãn túc vô lượng đại nguyện” (Lại nữa, sách Vãng Sanh Luận Chú viết: “Viên mãn một nguyện vãng sanh Tịnh Ðộ chính là viên mãn hết thảy các chí nguyện, nên gọi là mãn túc vô lượng đại nguyện”), câu này vô cùng quan trọng. Sách Vãng Sanh Luận Chú do Đàm Loan đại sư soạn. Câu kế tiếp: “Hòa bàn thác xuất chư Phật tâm tủy” (giãi bày trọn vẹn tâm tủy của chư Phật), nghĩa là chẳng giữ lại mảy may nào, phô bày toàn bộ, ý nghĩa trong ấy, sâu rộng không bờ mé! Chúng sanh trong mười phương thế giới kể cả chúng ta, nếu hiểu rõ ràng sự việc này, trong Đại Thừa gọi là “tham thấu”, há chúng ta có thể chẳng phát nguyện vãng sanh hay sao? Phát nguyện vãng sanh chính là “cùng tâm, cùng nguyện, cùng đức, cùng hạnh với A Di Đà Phật”. Đấy chính là [ý nghĩa được bao hàm trong] lời của chư tổ sư đại đức đã nói ở đây: Chỉ cần vãng sanh Tịnh Độ, hết thảy các nguyện đều viên mãn! A Di Đà Phật là người thay mặt chúng ta, Ngài phát ra bốn mươi tám nguyện; vãng sanh thế giới Cực Lạc thì bốn mươi tám nguyện ấy sẽ viên mãn. Nguyện của A Di Đà Phật đã viên mãn; khi chúng ta sanh về Tịnh Độ, nguyện của chúng ta cũng sẽ viên mãn. Do vậy, tôi nói: “Cùng tâm, cùng nguyện với A Di Đà Phật”. Do bốn mươi tám nguyện của Ngài viên mãn, nên bốn mươi tám nguyện của chúng ta cũng sẽ viên mãn; vì vậy, gọi là “mãn túc vô lượng đại nguyện”. Bốn mươi tám nguyện nhiếp trọn hết thảy hoằng nguyện của Bồ Tát. “Pháp Tạng Bồ Tát ngũ kiếp tinh cần cầu sách chi đại nguyện, chỉ vị chúng sanh năng chân thật phát khởi vãng sanh Tịnh Độ chi nhất nguyện” (Pháp Tạng Bồ Tát trong cả năm kiếp siêng gắng tìm cầu, chọn lọc [những ưu điểm trong các cõi Phật thanh tịnh để kết thành bốn mươi tám nguyện], thật ra chỉ là một nguyện nhằm làm cho chúng sanh chân thật phát khởi ý nguyện cầu vãng sanh Tịnh Ðộ). Do đó, chúng ta nhất tâm phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, nguyện tâm ấy chính là tâm nguyện viên mãn của chư Phật, Bồ Tát. Câu thứ nhất trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, chúng ta phát một nguyện này thì nguyện [độ vô biên chúng sanh] liền viên mãn, đúng là chẳng thể nghĩ bàn! Kinh Hoa Nghiêm nói: “Một là hết thảy, hết thảy là một”, hết thảy chư Phật Như Lai, bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong pháp giới hư không giới, hễ chúng sanh có cảm, các Ngài liền ứng. Chúng sanh không biết mục đích của sự cảm ứng, còn Phật, Bồ Tát đều biết rõ ràng, chỉ có một mục đích duy nhất là khuyên nhủ hết thảy chúng sanh hãy buông bỏ vạn duyên, nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ. Đó là phương hướng chung, mục tiêu chung. Chỉ cần vãng sanh về Tịnh Độ, quý vị sẽ đạt được viên mãn rốt ráo. Đấy là ý nghĩa của đoạn này.