Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 184
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 03.11.2010
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội _HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 214, chúng ta bắt đầu xem từ câu thứ sáu, chữ thứ ba.
“Nay Bồ Tát Pháp Tạng lại nói rằng: Không phải cảnh giới của ta, thỉnh Phật rộng nói, tức là mộ thánh hiền bên ngoài. Đại sư Tuấn Đế nói: Đây là Bồ Tát Pháp Tạng tự mở cánh cửa tha lực. Lời này phá huyền vi của Tịnh độ, thế gian gọi Tịnh độ là pháp môn tha lực”. Hôm qua chúng ta học đến đây, hôm nay đọc lại một lần nữa, bên dưới mới tiếp tục được, mới có thể nói tiếp.
Đoạn này Bồ Tát Pháp Tạng, sau khi nghe Đức Phật khai thị_trên thực tế vấn đề này đã nói rõ ràng minh bạch, ngài hiểu, phàm phu chúng ta không hiểu. Không những phàm phu không hiểu, Phật Bồ Tát trong mười pháp giới cũng không hiểu, vì sao vậy? Vì Phật đó là tương tự tức Phật, không phải chân Phật. Trong Kinh Hoa Nghiêm, chân Phật là Viên giáo sơ trụ trở lên, phá nhất phẩm vô minh, chứng nhất phần pháp thân, đây là chân Phật, người của tầng lớp này có thể nghe hiểu.
Ngày nay chúng ta có thể lãnh hội được một chút, là vì huân tu lâu dài kinh luận đại thừa, cũng có thể lãnh hội, không còn hoài nghi. Nhưng đây gọi là giải ngộ, không phải chứng ngộ, bản thân chúng ta chưa chứng ngộ. Giải ngộ có thể giúp chúng ta sanh khởi tín tâm, sanh khởi nguyện tâm, hiện tại không đạt được lợi ích. Nếu là chứng ngộ, họ thật sự được lợi ích, chắc chắn nhập vào cảnh giới Phật. Điều quan trọng, Tịnh độ là nhị lực pháp môn, đặc biệt chú trọng tha lực, tha lực chính là sức gia trì của Phật A Di Đà. Mấy câu này là duyên khởi của tha lực, vì sao Tịnh tông là pháp môn tha lực, ở đây đều nói ra.
Chúng ta xem tiếp bên dưới: “Sở dĩ Tịnh tông có thể phổ bị ba căn, một đời thành tựu”. Ở trước chúng ta đã học, ngũ thừa khế nhập cõi báo, nói còn cứu cánh, còn triệt để hơn ở đây. Ở đây nói ba căn, cũng bao gồm ngũ thừa. Ba căn là thượng căn, trung căn, hạ căn. Nói tường tận, trên thượng căn còn có thượng thượng căn, ba căn này cũng bao gồm trong đó, có thượng thượng căn, có thượng căn. Bậc thượng thượng căn rất ít, quả thật không thường gặp. Chúng ta thấy trong kinh điển, từng xuất hiện ở thế giới chúng ta.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là thượng thượng căn, ngài có năng lực đồng thời buông bỏ cả vọng tưởng phân biệt chấp trước, không phải hàng thượng thượng căn không làm được như thế. Ngày xưa thế gian chúng ta từng xuất hiện một bậc, đại sư Huệ Năng lục tổ Thiền tông thời nhà Đường, đó cũng là hàng thượng thượng căn, tuổi tác không lớn, 24 tuổi. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni buông bỏ triệt để năm 30 tuổi, buông bỏ như vậy gọi là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Đại sư Huệ Năng biểu diễn cho chúng ta thấy, cũng là đồng thời buông bỏ, nhanh gọn sạch sẽ, cho nên Ngũ tổ đem y bát truyền cho ngài, đây là nhất thời đốn ngộ.
Nếu nói là hai ba năm ngộ nhập cảnh giới này, năm sáu năm ngộ nhập cảnh giới này, hoặc là mười mấy hai mươi năm, thậm chí là 30 năm nhập vào cảnh giới này, ngày xưa nhân số này không ít. Quý vị xem Ngũ Đăng Hội Nguyên, ghi chép hơn 1700 người. Truyền Đăng Lục, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, kết hợp với Giáo môn_2000 năm nay, sau khi Phật giáo truyền vào Trung quốc, người có thể đạt được minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, chúng ta dự đoán hơn 3000 người. Thành tựu này đúng là quá lớn, thật sự hơn hẳn bản địa như Ấn Độ, đạt được cảnh giới cao như vậy.
Hơn 2000 năm có thành tựu tốt đẹp như thế, nếu thêm người tu chứng Tịnh độ đúng là không thể tưởng tượng. Thêm người tu chứng pháp môn Tịnh độ, chúng ta khẳng định trên mười ngàn người. Chỉ nói riêng Tịnh độ, nếu Tịnh tông so sánh với Thiền tông, ít nhất là gấp mười lần, không chỉ như thế. Thiền tông có hơn 3000 người thành tựu, vậy Tịnh tông có hơn ba mươi ngàn, thông thường chúng ta nói trên 100 ngàn người, chúng ta có thể tin điều này. Nghĩa là có lý do để tin, 2000 năm nay người niệm Phật vãng sanh Tịnh độ, quả thật trên 100 ngàn người. Trong Vãng Sanh Truyện ghi chép chỉ số ít người, rất nhiều người niệm Phật vãng sanh mà không ai biết, chiếm tuyệt đại đa số. Cho nên Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Vãng Sanh Truyện, đó đều là số ít, có một vài văn nhân học giả biết, viết truyện ký về họ. Người nơi nông thôn hẻo lánh niệm Phật vãng sanh rất nhiều, đây là ba căn phổ bị. Thiền tông đúng là hàng thượng thượng căn, ba căn thượng trung hạ Thiền tông hầu như không có phần, chỉ có Tịnh độ tông một đời thành tựu.