/ 600
544

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 183

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 02.11.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội _HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 212, hàng thứ nhất kinh văn.

“Pháp Tạng bạch ngôn: Tư nghĩa hoằng thâm, phi ngã cảnh giới, duy nguyện Như Lai, ứng chánh biến tri, quảng diễn Chư Phật, vô lượng sát na. Nhược ngã đắc văn, như thị đẳng pháp, tư duy tu tập, thệ mãn sở nguyện”. Ở trước Thế Gian Tự Tại Vương Phật khai thị cho tỳ kheo Pháp Tạng, nói ra ba chữ tự: “Ông tự tư duy, ông tự nên biết, ông nên tự nhiếp”. Ở trước chúng ta đã học, ý nghĩa này rất thâm sâu. Nếu không phải pháp thân Bồ Tát, nói thật thì không thể nghe hiểu được những lời này. Chúng ta nghe xong cũng hiểu một đôi chút, là vì lâu năm tiếp thu huân tập Phật pháp đại thừa, những đại kinh luận như Pháp Hoa, Hoa Nghiêm. Đối với những đạo lý này, từ trong kinh văn cũng hiểu được đôi chút, không có hoài nghi. Trên thực tế, điều này không có hoài nghi, thuật ngữ gọi là giải ngộ, không phải chứng ngộ. Thật sự lý giải nghĩa thú Đức Phật nói, như vậy phải chứng ngộ mới được, giải ngộ còn cách một tầng.

Bồ Tát Pháp Tạng từ bi, ngài biết những điều nói ở trước, chúng ta tin ngài hoàn toàn có thể lãnh hội. Nhưng thế gian này ba căn thượng trung hạ, không được lợi ích, đặc biệt là người trong thời hiện đại. Người hiện đại tin vào khoa học, khoa học nói gì? Tin vào chứng cứ, có chứng cứ họ sẽ tin. Những gì chưa nhìn thấy họ không tin, phải tự thân nhìn thấy họ mới tin. Có rất nhiều vấn đề đến khi họ nhìn thấy, thì đã quá trễ.

Cho nên trong kinh giáo, Đức Phật chia căn tánh của chúng sanh thành bốn loại, dùng ngựa làm ví dụ. Hàng thượng thượng căn giống như con ngựa này, là ngựa tốt. Chủ nhân cỡi lên vừa cầm cây roi đưa lên, chiếu bóng xuống mặt đất, con ngựa này nhìn thấy bóng cây roi chủ nhân cầm, biết rằng chủ nhân muốn nó đi, nó bắt đầu bước đi. Đây là gì? Đây là bậc thứ nhất, hàng thượng thượng căn. Loại thứ hai, nó nhìn thấy bóng giống như chưa đến vậy, cây roi này phải đánh đến nó, đánh nhẹ vào nó. Nó biết, cảnh giác được, bắt đầu bước đi, hạng người thứ hai. Loại thứ ba, đánh nhẹ vào nó, không đau không ngứa, nó không để ý. Phải đánh vài cái thật đau, đây không phải là chuyện đùa, phải đi thôi. Loại thứ tư, dùng roi đánh nó cũng vô dụng, dù đánh như thế nào nó cũng không đi. Bởi vậy khi cỡi ngựa mang giày cỡi ngựa, sau gót đôi giày có gắn chiếc đinh thúc ngựa. Đinh thúc ngựa này chính là dùng đối với những con ngựa khó cỡi nhất, dùng đinh thúc ngựa này thúc vào nó, chịu không nỗi, bất đắc dĩ phải bước đi. Bốn loại căn tánh, ở sau còn có một loại, cũng do Đức Phật nói. Khi dùng giày thúc ngựa thúc vào, nó nằm ngay xuống đất không chịu đi.

Bồ Tát Pháp Tạng biết đây là căn tánh của chúng sanh, hàng thượng căn quá ít. Còn những hàng căn tánh khác, nếu không nói rõ ràng minh bạch cho họ, làm sao họ tin được? Cho nên ở đây mở đầu ngài đã nói rõ: “Nghĩa này sâu rộng, không phải cảnh giới của ta”. “Ta” là tượng trưng, tượng trưng chúng sanh trong lục đạo, lục đạo thiên nhân không có cảnh giới này.

Do đó tiếp tục cầu Phật: “Duy nguyện Như Lai ứng chánh biến tri, rộng nói vô lượng cõi nước vi diệu của Chư Phật”. Điều này phù hợp với tinh thần khoa học hiện nay. “Diễn” là gì? Là biểu diễn, tốt nhất là có thể đem tất cả cõi nước của Chư Phật, để cho mọi người chúng ta đều thấy. Chúng ta chọn lựa trong cõi nước Chư Phật, những gì chúng ta hy vọng đạt được, chúng ta đều tiếp thu. Những gì chúng ta không hy vọng gặp, thì đào thải hết. Như vậy thế giới Cực Lạc y cứ vào điều gì mới tạo thành? Y cứ vào tất cả cõi nước của Chư Phật mà chọn lựa ra những gì tinh hoa nhất, nói như thế chúng ta dễ hiểu. Không phải Phật A Di Đà tự tưởng tượng ra.

Bốn câu ở sau rất quan trọng: “Nếu ta được nghe, các pháp như vậy, tư duy tu tập, thề mãn sở nguyện”. Mấy câu này là nói, Đức Phật có thể vì con mà thị hiện, con nhất định tinh tấn tu học. “Tư duy tu tập, thề mãn sở nguyện”, mãn nguyện của mình, cũng mãn nguyện lời Đức Phật dạy. Phật dạy chúng ta, chúng ta không tu, như vậy là uổng phí. Những gì Đức Phật dạy, tôi nhất định tu học theo, nhất định tu thành công. Điều này khiến thầy rất vui lòng.

/ 600