/ 600
674

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 180

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 30.10.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 207, Thứ năm Chí Tâm Tinh Tấn, bắt đầu xem từ đây.

Chú giải của Hoàng Niệm Tổ phân bộ sách thành bốn quyển, đây là bắt đầu quyển thứ hai: “Phẩm này tiếp theo ở trước”. Đây là phẩm thứ năm, tiếp theo phẩm thứ tư ở trước. “Bồ Tát Pháp Tạng phát đại nguyện rằng: Ta đã phát tâm vô thượng chánh giác, khi ta thành Phật, cõi nước Phật hiệu, mười phương đều nghe được. Tất cả hữu tình, cho đến loài hạ đẳng như côn trùng, sanh đến cõi nước ta, đều làm Bồ Tát, không sót một ai”. Chúng ta xem đoạn này trước, đoạn này ý nghĩa rất sâu rộng, hiển lộ sự thù thắng vô cùng của pháp môn Tịnh độ.

Bồ Tát Pháp Tạng là tiền thân của Phật A Di Đà, đây là đức hiệu của ngài khi tu hành chưa thành Phật. Ở trước chúng ta đã học câu “Ta đã phát”, ta là Bồ Tát Pháp Tạng tự xưng, ngài đã phát tâm vô thượng chánh giác, nghĩa là phát tâm nhất định thành Phật. Tâm này rất quan trọng, có mục tiêu, có phương hướng, công phu của ngài mới không đến nỗi uổng phí. Trong nguyện đặc biệt chú trọng đến khi ta thành Phật, cõi nước, Phật hiệu mười phương đều nghe được. Cõi nước là thế giới Cực Lạc, Phật hiệu là Phật A Di Đà, cõi nước và Phật hiệu mười phương đều nghe đến. Mười phương vô lượng vô biên cõi nước Chư Phật, không nơi nào không biết. Đích thực chúng ta đối với danh hiệu Chư Phật, danh hiệu cõi nước Chư Phật khắp mười phương thế giới, biết được không nhiều. Nhưng thế giới tây phương Cực Lạc của Phật A Di Đà, không ai không biết, vì sao vậy? Đây là vì tất cả Chư Phật Bồ Tát khắp mười phương đều giúp ngài tuyên truyền, cho nên hầu như rất ít người không biết. Biết có một cõi nước như thế, có một vị Phật như thế.

Nếu sau khi biết, đây là nghe danh, nghe danh là có nhân duyên. Trong A lại da gọi là mỗi khi nghe qua tai, vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo. Nghe đến một lần, trong A lại da thức có hạt giống này, tức có duyên với thế giới Cực Lạc, với Phật A Di Đà. Phật không độ người không có duyên, có duyên Phật A Di Đà nhất định độ quý vị. Độ nghĩa là giúp quý vị, nhất định ngài đến giúp quý vị, giúp những ai? Tất cả hữu tình, quả là không thể nghĩ bàn. “Tất cả hữu tình chúng sanh, cho đến các loại côn trùng nhỏ bé”. Câu này là nói nhằm vào chúng ta, nói với đại chúng ở thế giới Ta Bà hiện tại của chúng ta, tất cả hữu tình chúng sanh.

Chúng ta từng học Kinh Hoa Nghiêm, học Kinh Bát Nhã, những kinh luận đại thừa này. Chúng ta biết phạm vi tất cả hữu tình này rất lớn, không chỉ như thông thường chúng ta thấy hữu tình là nói đến động vật, không bao gồm thực vật và khoáng vật trong đó. Nhưng trong kinh điển đại thừa nói với chúng ta, vật chất và tinh thần vĩnh viễn không thể tách rời, cho dù nhỏ như một hạt bụi, hiện nay các nhà khoa học gọi là lượng tử. Trong Phật pháp gọi hiện tượng vật chất nhỏ nhất gọi là cực vi chi vi. Vật này không thể phân chia, phân nữa là không còn, cho nên gọi nó là lân hư trần. Hư là hư không, làm láng giềng với hư không. Rất có thể chính là tiểu quang tử mà hiện nay các nhà khoa học phát hiện, còn nhỏ hơn cả hạt căn bản. Đại khái nó không thể nhỏ hơn, không thể tiếp tục phân nữa. Một hiện tượng vật chất như vậy, trong nó có thọ tưởng hành thức. Khiến chúng ta nghĩ đến trong kinh luận Đức Phật thường nói đến năm uẩn: Sắc thọ tưởng hành thức. Thọ tưởng hành thức là tình, chính là hữu tình, trong một hạt vi trần cũng có thọ tưởng hành thức.

Trong Kinh Hoa Nghiêm nói rất hay: “Tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí”. Tất cả hữu tình chúng sanh, tất cả vô tình chúng sanh, đều viên mãn nhất thiết chủng trí. Nhất thiết chủng trí là gì? Nhất thiết chủng trí nghĩa là cực quả Chư Phật Như Lai chứng được, cao nhất, trong kinh thường nói là “Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”. Hữu tình có thể chứng được, vô tình cũng chứng được. Thật ra vô tình là chúng ta không phát giác, nhưng nó có thật. Các nhà khoa học nói: Sơn hà đại địa có tình, cũng là hữu tình, cây cỏ hoa lá càng không cần nói. Đến hư không pháp giới, toàn thể vũ trụ đều có cơ thể. Tức nó là sống, không phải chết, nên chúng ta khởi tâm động niệm mới sinh ra hiện tượng cảm ứng đạo giao. Nếu nó không có thọ tưởng hành thức, chúng ta khởi tâm động niệm không liên quan đến nó. Vì sao chúng ta khởi tâm động niệm, nó có cảm ứng, nó có phản ứng? Tiến sĩ Giang bổn Thắng người Nhật bản làm thí nghiệm nước, nước là khoáng vật, có phản ứng. Tâm chúng ta khởi thiện niệm, nó có phản ứng rất đẹp. Nếu khởi ý niệm bất thiện, phản ứng của nó rất xấu, nó hiện sắc tướng cho chúng ta thấy.

/ 600