Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 179
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 29.10.2010
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 205 hàng thứ nhất. Chúng ta bắt đầu xem từ câu thứ hai.
“Vô vi pháp thân là thể, từ lúc hiện thế giới Cực Lạc y chánh trang nghiêm. Cho nên nói, chiêu cảm thanh tịnh cư rộng lớn, thù thắng trang nghiêm không gì sánh được”. Trong kinh điển đại thừa nói “vô vi pháp thân”, đây là loại thứ nhất của ba loại chân thật nói trong kinh này. “Chân thật rốt ráo”, cũng gọi là tự tánh chân như. Danh xưng có nhiều, nhưng đều nói cùng một việc. Đây là thể, thể này cũng chính là trong triết học hiện đại nói, bản thể của vũ trụ vạn hữu.
Bản thể luận trong triết học, đến nay vẫn không cách nào xác định. Rốt cuộc bản thể là gì, vẫn không thể nói ra một cách tường tận cụ thể, nói rất nhiều cách đều không viên mãn. Thực tế trong kinh nói rất rõ ràng, “vô vi pháp thân”, vô vi tức không có sanh diệt, không có tương đối nghĩa là vô vi. Phản diện của vô vi là hữu vi, vô vi là thể, hữu vi là dụng, hữu vi là tướng, trong Phật pháp thường nói thể tướng dụng. Thể là pháp thân, vô vi pháp thân, hoặc gọi là thanh tịnh pháp thân, cùng một nghĩa, cũng gọi là thanh tịnh pháp thân. Pháp là tất cả pháp, thân của tất cả pháp nghĩa là thể, tất cả pháp đều không tách rời nó, từ pháp tánh này hiện ra, chảy ra, xuất hiện.
Trong kinh điển đại thừa Đức Phật thường nói: Tự tánh chân như năng sanh năng hiện, có thể sanh tất cả pháp, có thể hiện ra tất cả pháp, sanh và hiện cùng một ý nghĩa. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói: Duy tâm sở hiện, tâm đây là chân tâm, nghĩa là vô vi pháp thân, tức là thể. Chân tâm năng hiện năng sanh. Tất cả vạn pháp này biến hóa vô cùng, đây là thức biến, thức có thể biến. Thức là gì? Thức là phân biệt chấp trước, thức thứ sáu và thức thứ bảy. Thức thứ bảy là chấp trước, thức thứ sáu là phân biệt, nó có thể biến, biến hiện ra vũ trụ, biến hiện ra vạn vật, biến hiện ra chúng sanh. Thế giới Cực Lạc cũng từ thể này biến hiện ra, hiện ra Cực Lạc y chánh trang nghiêm. Chánh báo của thế giới Cực Lạc là Chư Phật Bồ Tát.
Chúng ta nên nhớ, thế giới Cực Lạc có hai hạng người, rất đơn thuần, không hề phức tạp. Phật là thầy, Bồ Tát là học sinh, không nghe nói thế giới Cực Lạc có chính phủ, cũng không nghe nói thế giới Cực Lạc có đế vương, thiên chủ, chưa từng nghe nói. Ở thế giới này cũng không nghe nói đến văn võ bá quan, cũng không có sĩ nông công thương. Quý vị xem thế giới Cực Lạc đơn thuần biết bao, nó giống như một trường học vậy. Trong trường học ngoài thầy ra còn lại là học sinh, ngoài học sinh ra chỉ có thầy.
Chúng ta biết Bồ Tát Pháp Tạng kiến lập nên thế giới Cực Lạc, kiến lập như thế nào? Tâm nguyện! Tâm nguyện này không phải chính là cảm ư? Trong vô vi pháp thân hiện ra thế giới Cực Lạc, đây không phải gọi là ứng ư? Chúng sanh có cảm, Đức Phật liền có ứng, bởi thế vô vi pháp thân là chân Phật. Chư vị nên biết, Phật ở đây không phải vật chất, cũng không phải tinh thần, nhưng nó năng sanh năng hiện vật chất, năng sanh năng hiện tinh thần, đều là do nó sở sanh sở hiện, thế giới Cực Lạc từ nó hiện ra.
Hiện nay ở địa cầu chúng ta, hệ thái dương, hệ ngân hà phải chăng cũng do nó hiện ra? Đúng vậy. Trong kinh điển đại thừa Đức Phật nói rất nhiều, nghĩa là ba đời phương Phật cùng một pháp thân, đều từ lý thể này biến hiện ra, thậm chí biến hiện như thế nào, ở đây chúng ta không nói nhiều, trong Kinh Hoa Nghiêm nói rất nhiều, trong Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán nói rất rõ ràng, mỗi câu đều là sự thật. Phật pháp đích thực là triết học cao cấp, khoa học cao cấp, sự thật này bày ra ở đây.
Y chánh trang nghiêm của thế giới Cực Lạc, bên dưới nói: “chiêu cảm thanh tịnh cư rộng lớn”, hai chữ chiêu cảm này rất hay! Là ai cảm? Là Bồ Tát Pháp Tạng cảm. Ngài có cảm ngài sẽ đạt được, đạt được là ứng, như tâm nguyện của ngài. Quả thật như trong hội Lăng Nghiêm nói: “tùy chúng sanh tâm ứng sở tri lượng”, tâm Phật A Di Đà lớn, lượng lớn. Cho nên từ trong tự tánh thanh tịnh viên minh thể, hiện ra thế giới Cực Lạc rộng lớn, thanh tịnh cư. Hai chữ thanh tịnh này, ở đây có dụng ý rất sâu sắc. Sở dĩ thế giới Cực Lạc trang nghiêm như thế, do cảm của ngài là tâm thanh tịnh cảm, hiện ra thanh tịnh cư, cư nghĩa là thế giới.