Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 178
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 28.10.2010
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 203, bắt đầu xem từ hàng thứ hai từ dưới lên.
“Nguyện đương an trú tam ma địa, hằng phóng quang minh chiếu nhất thiết, cảm đắc quảng đại thanh tịnh cư, thù thắng trang nghiêm vô đẳng luân”. Chúng ta tiếp tục lật qua. “Luân hồi chư thú chúng sanh loại, tốc sanh ngã sát thọ an lạc, thường vận từ tâm bạt hữu tình, độ tận vô biên khổ chúng sanh”. Hai bài này là nguyện cầu Tịnh độ. Bài kệ trước là cảm đắc tịnh sát, hai câu trước là nhân, hai câu sau là quả. Bài thứ hai là độ tận chúng sanh, cũng chính là nói đây là mục tiêu tỳ kheo Pháp Tạng kiến lập thế giới tây phương Cực Lạc. Không phải vì thọ dụng cho bản thân, mà vì rộng độ chúng sanh, đặc biệt chú trọng trong lục đạo. Cho nên “các loại chúng sanh trong luân hồi”, đây là chỉ luân hồi lục đạo. Quý vị xem kinh văn: “nhanh chóng sanh vào cõi nước ta”. Đức Phật nóng lòng mong muốn chúng ta nhanh chóng đến cõi nước của ngài, nghĩa là nói ngài ngày ngày chờ đợi, trông ngóng. Hai câu sau cùng: “Thường vận lòng từ cứu bạt hữu tình, độ tận vô biên chúng sanh đau khổ”. Phạm vi này rất lớn, ngoài lục đạo còn có mười pháp giới. Chứng minh nguyện lực của Bồ Tát, vĩnh viễn không có cảnh dừng.
Bây giờ chúng ta xem chú giải của Hoàng Niệm Tổ: “Tám câu bên phải”, hai bài kệ ở trước bên phải, tất cả là tám câu kinh văn, “là cầu thành Phật nhiếp nguyện cõi Tịnh độ của Phật”, nghĩa là nguyện cầu Tịnh độ. “Tám câu này thật sự là tổng quy các nguyện ở trên”, tất cả nguyện nói ở trước, mục đích sau cùng là đây. “Cũng là trong phẩm thứ sáu bên dưới”, nòng cốt của 48 nguyện. Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện nói: “Nếu chư Bồ Tát dùng nước đại bi nhiêu ích chúng sanh, tức có thể thành tựu A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, cho nên bồ đề thuộc chúng sanh. Vì thành tựu phương tiện cứu cánh sự nghiệp độ sanh, cho nên phát đại nguyện nhiếp cõi nước tịnh”, chúng ta xem đoạn này.
Mấy câu trước nói rất rõ ràng, trích dẫn Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện làm chứng. “Nếu chư Bồ Tát lấy nước đại bi nhiêu ích chúng sanh”. Nước đại bi là ví dụ, nghĩa là đại từ đại bi, mỗi niệm đều nhớ đến chúng sanh. Ích là lợi ích, nhiêu là lợi ích lớn nhất, gọi là phong nhiêu. Phong phú nhất, lớn nhất, rốt ráo nhất, đem lợi ích triệt để nhất cho chúng sanh.
Trong bộ kinh này nói đến ba loại chân thật: Chân thật rốt ráo đó là tự tánh, trong tất cả pháp chỉ có tự tánh chân thật, ngoài ra đều không chân thật. Bồ Tát hạnh lấy chân thật rốt ráo làm căn bản, nghĩa là căn bản nương, đây là nương tựa. Lấy tâm đại từ bi là nghiệp dụng, nghiệp nghĩa là sự nghiệp, thúc đẩy sự nghiệp cứu giúp chúng sanh khổ nạn của Bồ Tát, là nương vào tâm đại bi. Có hai loại này, có gốc có rễ, chân thật rốt ráo là rễ, từ bi chân thật là gốc. Cần dùng hai thứ này để thúc đẩy, có thể thành tựu vô thượng bồ đề. A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Trung nghĩa là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Cho nên “Bồ đề thuộc chúng sanh”, bồ đề là chánh giác, chánh giác là thuộc chúng sanh. Đây là kinh văn trong Phẩm Hạnh Nguyện.
Bên dưới là tổng kết của Hoàng Niệm Tổ. “Vì thành tựu phương tiện cứu cánh sự nghiệp độ sanh”, ý nghĩa giống với Phẩm Hạnh Nguyện nói, không có gì sai khác. Cho nên “phát đại nguyện nhiếp tịnh quốc độ”. Chúng ta xem Bồ Tát Pháp Tạng, trước Thế Gian Tự Tại Vương Phật phát đại nguyện, đại tâm này. Tâm nguyện này không phải giả, vì sao vậy? Vì ngài muốn kiến lập thế giới tây phương Cực Lạc, đây là thật không phải giả. Vì sao kiến lập thế giới tây phương Cực Lạc? Vì giúp chúng sanh thành Phật, hy vọng chúng sanh ở đây thành Phật.
Bên dưới nói tường tận, chúng ta đọc đoạn khai thị này, nghĩ đến người tu học Tịnh tông, Tổ sư đại đức thường nhắc nhở chúng ta, phải lấy tâm của Phật A Di Đà làm tâm của mình, nguyện của Phật A Di Đà là nguyện của mình. Hay nói cách khác tâm đồng tâm Phật, nguyện đồng nguyện Phật, hạnh đồng hạnh Phật, đức đồng đức Phật, làm gì có đạo lý không sanh Tịnh độ! Những lời này không phải nói rồi là thôi, nói xong phải thực hiện. Phật A Di Đà đã thực hiện nó, thật sự đã kiến lập nên thế giới Cực Lạc. Chúng ta đọc đoạn kinh văn này, nên có hành động gì? Phải học Phật A Di Đà giúp tất cả chúng sanh khổ nạn. Dùng phương pháp gì giúp? Hoằng pháp hộ trì pháp môn Tịnh độ, hoằng dương pháp môn này, hộ trì pháp môn này. Khuyên dạy chúng sanh có duyên, chúng sanh như thế nào? Chúng sanh có nhân duyên, như thế nào gọi là có duyên? Họ có thể tin, có thể lý giải, chịu phát nguyện cầu sanh Tịnh độ, gọi là chúng sanh có duyên! Chúng sanh không có duyên, trồng thiện căn cho họ. Chúng sanh có duyên, phải giúp họ thành tựu ngay trong đời này, điều này quan trọng. Phật A Di Đà kiến lập thế giới Cực Lạc, chúng ta phải phát tâm kiến lập đạo tràng Tịnh độ. Không có đạo tràng không thể hóa độ chúng sanh, không thể tiếp dẫn.