/ 600
654

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 177

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 27.10.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong


Chư vị [1]pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 203 hàng thứ năm, bắt đầu xem từ câu ở giữa.

“Nếu Chư Bồ Tát hành pháp cúng dường, tức được thành tựu cúng dường Như Lai. Tu hành như thế là chân cúng dường”. Ở trước chúng ta học đến câu: “Giả như cúng dường hằng sa thánh chúng, không bằng kiên trì dõng mãnh cầu chánh giác”. Cúng dường, Hoàng Niệm Tổ trích dẫn một đoạn kinh văn trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của Kinh Hoa Nghiêm, rất hay. Chư vị nên biết, không những là con người ở đời, bất luận là chúng sanh trong cõi nào, không được thiếu hai thứ, một là phước báo, hai là trí tuệ. Đây là nói từ pháp thế gian, phước tuệ song tu. Trong Phật pháp thì ngược lại, vẫn hai chữ này, nhưng trong Phật pháp thứ nhất là trí tuệ, thứ hai là phước đức, huệ phước song tu. Thế gian và xuất thế gian khác nhau ở điểm này, nhưng hai thứ này có thể nói là đều đứng hàng đầu, quan trọng nhất. Con người không thể kh[2]ông có phước báo, càng không thể không có trí tuệ. Sở dĩ Phật pháp đặt trí tuệ lên hàng đầu, là có đạo lý, vì sao vậy? Họ cần siêu việt thế gian. Pháp thế gian đặt phước lên hàng đầu, vì họ không muốn vượt thoát lục đạo. Không muốn thoát ly lục đạo thì phước phải đặt lên hàng đầu, nếu muốn siêu thoát luân hồi lục đạo, trí tuệ đặt lên hàng đầu. Đây chính là vì sao Phật pháp coi trọng trí tuệ.

Trí tuệ và phước báo từ đâu mà có? Nói cho chư vị biết, hoàn toàn từ pháp bố thí, đến từ bố thí cúng dường. Bố thí và cúng dường là một nghĩa, cùng một việc, vì sao nói bố thí, cúng dường? Vì dùng tâm khác nhau. Dùng tâm thường tu thì gọi là bố thí, tâm cung kính tu gọi là cúng dường, khác nhau ở chỗ này. Ví dụ chúng ta cúng dường của cải, hoặc cúng dường thức ăn cho người khác, dùng tâm bình thường gọi là bố thí, dùng tâm cung kính gọi là cúng dường. Quý vị xem tặng lễ vật, chẳng hạn như tặng cho bạn bè bình thường là bố thí, hoặc tặng cho người nghèo gọi là bố thí. Còn như tặng cho người có thân phận địa vị, tặng cho người lãnh đạo quốc gia, như vậy không thể gọi là bố thí, đây là cúng dường, đạo lý là như vậy. Đối với cha mẹ là cúng dường không được nói bố thí, đối với thầy, trưởng bối gọi là cúng dường, đây gọi là dùng tâm khác nhau.

Kinh Hoa Nghiêm thật tuyệt vời, trong Kinh Hoa Nghiêm không có bố thí, đều là cúng dường. Vì sao vậy? Trong kinh Đức Phật dạy: “Tất cả chúng sanh vốn là Phật”. Chúng ta cúng dường Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cúng dường Phật A Di Đà, cúng dường Phật Tỳ Lô Giá Na, tất cả chúng sanh vốn là Phật, quý vị nói là dùng bố thí hay là dùng cúng dường? Tất cả đều là cúng dường! Cho nên kinh văn ở trước nói: “Như thuyết tu hành cúng dường, lợi ích chúng sanh cúng dường, nhiếp thọ chúng sanh cúng dường”, tất cả đều là cúng dường. Đây là nói, hoàn toàn dùng tâm chân thành cung kính để làm. Chúng ta tu điều này được bao nhiêu phước đức, trí tuệ khai phát được chừng nào đều từ tâm mình. Tâm ta càng chân thành thì phước báo càng lớn, trí tuệ càng cao, đạo lý là ở đây. Nếu không có tâm chân thành cung kính, dù thánh nhân dạy quý vị cũng không đạt được lợi ích.

Trong Kinh Dịch nói rất hay, không phải Kinh Dịnh, mà là trong Kinh Thư nói: “Mãn chiêu tổn, khiêm thọ ích”, đạo lý này là thật. Trong ly này đầy nước thì không thể đựng thêm, nếu rót thêm sẽ tràn, nếu ly này trống thì có thể được lợi ích. Những gì người khác cúng dường, có thể thu nhận tất cả. Bất luận là pháp thế hay xuất thế gian, việc đầu tiên trong học tập chính là khiêm tốn, khiêm tốn mới được lợi ích, cung kính khiêm tốn mới được lợi ích. Đại sư Ấn Quang từ bi dạy chúng ta: “Một phần thành kính được một phần lợi ích”, tâm thái chúng ta mười phần thành kính sẽ được mười phần lợi ích. Cùng một người thầy dạy, có mấy chục học sinh, nhưng mỗi người được lợi ích không giống nhau. Có người nhiều lợi ích, có người rất ít, nguyên nhân do đâu? Từ tâm cung kính đối với thầy, tâm cung kính đối với những gì mình học, đây là kính nghiệp! Thầy giáo không thiên vị, đều dạy học rất chân thành, học sinh được lợi ích khác nhau. Học sinh nào đạt lợi ích thật sự, thầy giáo có biết chăng? Biết, rất rõ ràng. Vì sao vậy? Thấy ngôn hành cử chỉ của họ luôn cung kính, nỗ lực học tập, học sinh này nhất định được lợi ích.

/ 600