/ 600
832

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 175

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 25.10.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 201 hàng thứ hai từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ câu sau cùng, hàng thứ hai từ dưới đếm lên: “Thường hành bố thí, bốn câu ở dưới”, nghĩa là bài kệ thứ hai. “Hiển lộ bổn nguyện từ bi vô tận của Bồ Tát Pháp Tạng, nguyện thường hành lục độ, phổ độ chúng sanh. Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện nói: Chư Phật Như Lai, dùng tâm đại bi làm thể. Vì chúng sanh mà khởi đại bi, vì đại bi sanh tâm bồ đề, vì tâm bồ đề thành đẳng chánh giác”. Chúng ta xem đoạn nhỏ này trước, bốn câu kệ này chúng ta đọc qua một lượt.

“Thường hành bố thí cập giới nhẫn

Tinh tấn định tuệ lục ba la

Vị độ hữu tình linh đắc độ

Dĩ độ chi giả sử thành Phật”.

Bốn câu kệ này là bổn nguyện từ bi vô tận của Bồ Tát Pháp Tạng. Nguyện thường hành lục độ, phổ độ chúng sanh, độ chúng sanh dùng phương pháp gì? Tức là dùng sáu loại phương pháp này. Trong Phẩm Hạnh Nguyện có một đoạn kinh văn nói rõ về ý này. Trong kinh nói: “Chư Phật Như Lai”, câu này rất quan trọng, tất cả Bồ Tát trong ba đời mười phương tu hành chứng quả không ngoại lệ, đều là lấy tâm đại bi làm thể. Chúng ta học Phật, nếu không có tâm đại bi không thể thành tựu. Tâm đại bi là tâm gì? Tâm thương xót tất cả chúng sanh. Tâm này thật sự có thể sanh khởi, công phu học Phật sẽ đắc lực, vì sao vậy? Vì đây là chân tâm. Chúng ta cần phải hiểu, chúng sanh lục đạo dùng vọng tâm, vọng tâm và chân tâm không tương ưng. Vọng tâm học Phật không thể có thành tựu, vọng tâm học Phật vẫn ở trong luân hồi lục đạo, nhất định không ra khỏi được, chúng ta không thể không hiểu điều này. Sau khi tâm đại từ bi sanh khởi, tâm đại từ bi hiển lộ ra từ trong chân tâm, mới có thể độ chính mình, mới có thể độ chúng sanh. Thương xót chúng sanh khổ nạn trong lục đạo, chúng sanh lục đạo rất khổ, truy đuổi những gì của thế gian, trong kinh điển đại tiểu thừa nói rất nhiều.

Nguồn gốc của vọng tâm là gì? Chúng ta không thể không hiểu điều này, chính là cái ta. Quý vị xem nguồn gốc đó từ đâu sanh ra? Chúng ta học tập giáo lý đại thừa lâu như vậy, tuy chưa chứng nhưng chúng ta có giải ngộ. Nghe rất nhiều, nghe rất quen, là từ Mạt na sanh ra. Mạt na từ đâu mà có? 8 thức 51 tâm sở xuất hiện cùng một lúc. Xuất hiện như thế nào? Nhất niệm bất giác, mê, hiện tượng này xuất hiện. Ta từ đâu mà có? Ta từ trong mạt na, tứ đại phiền não thường tương tùy, bốn loại này là căn bản phiền não. Có nó nghĩa là chế tạo luân hồi lục đạo, vĩnh viễn không ra khỏi được.

Điều đầu tiên trong tứ đại phiền não là ngã kiến, kiến này là giả không phải thật. Không phải thật mà tưởng rằng trong này có thứ là thật, “ngã” thật đáng sợ! Theo ta đến là tam độc phiền não. Chúng ta hiểu được đạo lý này, làm người đâu có gì đáng để kiêu ngạo? Trong mắt Phật Bồ Tát thấy chúng ta là kẻ đáng thương. Điều đầu tiên là ngã ái, ngã ái là tham. Ngã mạn, ngã mạn là sân, ngã si là ngu si. Ba độc phiền não tham sân si khi nào phát sanh? Lúc nhất niệm bất giác nó sanh ra, cho nên gọi nó là căn bản phiền não. Chúng ta từ nhất niệm bất giác rồi mê muội, luân hồi trong lục đạo đến bao nhiêu đời kiếp? Vô lượng kiếp, tập khí quá nặng. Đoạn tận tam độc phiền não là thành Phật, mới trở lại bản lai diện mục của chúng ta. Tu như thế nào? Phương pháp tu học pháp thế xuất thế gian hoàn toàn tương đồng.

Lễ kính, quý vị xem trong Lễ Ký, mở ra xem câu đầu tiên: “Khúc Lễ viết: vô bất kính”, cung kính đối với tất cả chúng sanh, phải cung kính đến mức độ nào? Người bây giờ không làm được, người bây giờ rất đáng thương, chưa tiếp thu giáo dục, chưa từng thấy nó như thế nào. Ngày xưa, giáo huấn của cổ nhân kéo dài mấy ngàn năm không mất, người nông thôn không biết chữ, không được học tập, nhưng họ hiểu. Họ biết cách hiếu kính cha mẹ, họ biết cách kính trọng người lớn, họ nắm được căn bản. Hiện nay không còn, chẳng những không ai dạy, mà còn chưa từng nghe, cũng chưa từng thấy. Hiện nay làm cha mẹ đã quay ngược lại hiếu thảo con cái, không phải con cái hiếu thảo cha mẹ, là cha mẹ hiếu thảo con cái. Thiên hạ làm sao không loạn được? Thiên tai sao có thể không có? Thiên tai từ đâu mà có? Là từ đây mà sanh ra, sự bất hiếu này hủy diệt nguồn gốc.

/ 600