/ 600
672

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 174

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 24.10.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 200 hàng thứ bảy, bắt đầu xem từ câu thứ hai.

“Vô minh là tên gọi khác của si. Đại Thừa Nghĩa Chương nói: Tâm si ám, thể không có ánh sáng trí tuệ, gọi là vô minh. Vô minh, tham sân tức ba độc. Do đó trí tuệ đến bỉ ngạn, nhờ lực của tam muội, nên tam độc vĩnh viễn không có. Tam hoặc như kiến hoặc, trần sa và vô minh hoàn toàn đoạn tận, lỗi lầm đều không có”. Chúng ta xem đoạn này. Đoạn này đều là giải thích kinh văn ở trước. “Vô minh tham sân đều vĩnh viễn không còn, hoặc tận, lỗi lầm đều không nhờ tam muội lực”, đây là hai câu kinh văn, hai câu này ý nghĩa rất sâu sắc.

“Vô minh” nghĩa là trong tham sân si gọi là ngu si, ngu si cũng gọi là vô minh. Minh là trí tuệ, si là không có trí tuệ. Tham sân si gọi là ba độc phiền não, đây là thứ nghiêm trọng nhất. Trong kinh điển đại tiểu thừa, Đức Phật từ bi vô cùng, không ngừng nhắc nhở chúng ta. Có thể nói Đức Phật, lúc còn tại thế giảng kinh thuyết pháp 49 năm, không có lúc nào không nhắc nhở chúng ta, vì sao vậy? Vì chúng ta không hiểu chân tướng sự thật, không biết thiệt hơn, đây gọi là vô minh. Nếu hiểu chân tướng sự thật, chúng ta sẽ có tâm sợ hãi, có tâm cảnh giác cao độ.

Ba thứ này, tham dục là nghiệp nhân của đường ngạ quỷ, nhân duyên vô lượng, đích thực nói không cùng tận. Trong vô lượng nhân duyên, luôn có một nhân duyên quan trọng nhất, nhân duyên đầu tiên là gì? Đức Phật thường nói ra cho chúng ta, đây là quan trọng nhất. Nhân duyên của đường ngạ quỷ, quan trọng nhất chính là tham tâm, tham tâm đọa vào đường ngạ quỷ. Bất luận là tham điều gì, tất cả đều là nhân của ngạ quỷ, điều này chư vị nhất định phải biết. Tham tài là nhân ngạ quỷ, tham sắc là nhân ngạ quỷ, tham danh là nhân ngạ quỷ. Chỉ cần là tham, chính là nhân của ngạ quỷ. Vậy học Phật thì sao? Tham Phật pháp cũng là nhân ngạ quỷ, cho nên Phật pháp không thể tham, điều này nhất định phải biết. Vì sao vậy? Tham tâm đọa ngạ quỷ, không phải dạy ta thay đổi đối tượng. Ngày nay chúng ta không tham pháp thế gian, danh văn lợi dưỡng đều không tham, tôi tham Phật pháp được chăng? Quý vị chưa đoạn tham tâm, đó nghĩa là nghiệp nhân của ngạ quỷ. Tham tâm đọa ngạ quỷ, ở trong đường ngạ quỷ chịu khổ ít hơn một chút, vì quý vị là thiện pháp, nhưng luôn ở trong đường ngạ quỷ, trong đường ngạ quỷ có phước báo hơn, gọi là quỷ nhiều tiền. Quý vị xem, quý vị luân lạc đến bước đường này. Trong Kinh Kim Cang Đức Phật dạy chúng ta: “Pháp còn phải bỏ huống gì phi pháp”. Pháp này là Phật pháp, Phật pháp cũng phải buông bỏ, không được tham, tham là chuốc lấy phiền phức.

Sân nhuế đọa địa ngục, sân nhuế là gì? Là người có tâm oán hận, đều thuộc về sân nhuế. Cống cao ngã mạn cũng thuộc về sân nhuế, một phần trong sân nhuế, toàn là nghiệp nhân của địa ngục, sao phải khổ như thế? Chúng ta học Phật, học Phật không đọa địa ngục ư? Đến người niệm Phật cũng đọa địa ngục. Điều này trong các buổi giảng, tôi từng nói với quý vị rất nhiều lần, cũng thường nhắc nhở mọi người. Từ đâu tôi biết được điều này? Pháp sư Từ Vân Quán Đảnh, người thời vua Càn Long nhà Thanh. Vị cao tăng này thật đáng nể, thông tông thông giáo, hiển mật viên dung. Quý vị xem Vạn Tự Tục Tạng của Nhật bản, thu thập trước tác của ngài có hơn 20 loại. Trước tác của ngài tất cả có khoảng gần 50 loại, trước tác rất nhiều, rất hay! Trước đây tôi giảng Kinh Lăng Nghiêm, tham khảo chú giải của ngài. Ngài có một bản phân lượng không nhiều lắm, là Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Chương Sớ Sao trong Kinh Lăng Nghiêm, là ngài trước tác. Niệm Phật Viên Thông Chương không dài, chỉ có 244 chữ. Sớ Sao của ngài là một cuốn dày, chú giải rất hay. Trang sau cùng, trang sau cùng ở dưới ngài nói về 100 quả báo niệm Phật, câu đầu tiên là địa ngục A tỳ. Lúc đó tôi đang học kinh giáo, tôi cầm cuốn sách này đến thỉnh giáo thầy Lý. Tôi nói thầy ơi, niệm Phật dù không tốt, cũng đâu đến nỗi đọa địa ngục! Sao câu đầu tiên chính là niệm Phật đọa địa ngục? Thầy thấy đây là vấn đề lớn, thầy không nói với riêng tôi, để lúc giảng kinh thầy sẽ nói với tất cả mọi người. Do chưa đoạn sân nhuế, niệm Phật vẫn thường sân si, có người như vậy chăng? Có, tôi nghĩ đa số quý vị đều thấy, người niệm Phật sân si. Chưa đoạn tâm sân nhuế, có đố kỵ, có chướng ngại, thường nổi nóng, như vậy chúng ta mới hoàn toàn hiểu rõ. 100 quả báo này, sau cùng là thượng thượng phẩm vãng sanh. Chúng ta dùng lời trong Kinh Kim Cang để nói, có thể nhận ra điểm tương ưng: “Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”, “pháp còn phải xả, huống gì phi pháp”. Pháp là Phật pháp, không được để trong lòng, để trong lòng là sở tri chướng. Không những chướng ngại ta chứng quả, mà còn chướng ngại ta khai ngộ, cho nên pháp cũng không được để trong lòng. Quý vị thấy trong Kinh Kim Cang, pháp ví như chiếc thuyền qua sông, nó hữu dụng, giúp chúng ta từ bờ này đến bờ kia, đến bờ rồi pháp cần phải xả bỏ, không xả bỏ không lên được bờ, cho nên pháp cũng phải xả. Nhưng trong Tịnh độ tông, Tịnh độ tông gọi là đới nghiệp vãng sanh. Pháp chưa xả bỏ cũng có thể vãng sanh, sanh vào cõi phàm thánh đồng cư, địa vị không cao. Nếu xả bỏ pháp, xả bỏ thì vãng sanh vào cõi thật báo trang nghiêm, không giống nhau! Nhưng Tịnh tông được sự gia trì vô cùng thù thắng của Phật A Di Đà, bất luận là vãng sanh với phẩm vị nào, cõi phàm thánh đồng cư hạ hạ phẩm vãng sanh, đến thế giới Cực Lạc đều làm A Duy Việt trí Bồ Tát, thật là không thể nghĩ bàn! Đây gọi là pháp khó tin, chúng ta phải thâm tín không nghi ngờ, lời Phật A Di Đà nói hoàn toàn là sự thật. Bởi thế chúng ta tin, quyết một lòng tu theo pháp môn này. Phải biết rằng, tham sân si mạn nghi đều phải đoạn trừ. Ở thế gian này tốt nhất là chúng ta được tâm thanh tịnh. Trong công phu tu hành thanh tịnh là bậc thấp nhất, ở giữa là bình đẳng, cao nhất là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Dùng danh từ của Tịnh độ tông, cao nhất là lý nhất tâm bất loạn; bậc trung là tâm bình đẳng, sự nhất tâm bất loạn; thấp nhất là tâm thanh tịnh, công phu thành phiến. Chỉ cần chúng ta đạt được công phu thành phiến, vãng sanh tự tại, muốn đi khi nào thì đi khi đó, không có chướng ngại. Mấu chốt là buông bỏ, không buông không được, phải buông bỏ triệt để. Si rất khó đoạn, tham tuy rất mãnh liệt nhưng dễ đoạn. Si rất khó đoạn, gọi là vương vấn không dứt.

/ 600