/ 600
897

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 173

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 23.10.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 199, hàng thứ tư: “Trí tuệ tức bát nhã”. Bắt đầu xem từ đây, đây là kinh văn.

“Trí tuệ quảng đại thâm như hải, nội tâm thanh tịnh tuyệt trần lao”. Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ giải thích cho chúng ta về trí tuệ, tiếng Phạn là bát nhã. Đại Trí Độ Luận nói: “Bát nhã, Diêu Tần dịch là trí tuệ, nó đứng đầu trong tất cả các trí tuệ, vô thượng vô tỷ vô đẳng, càng không có gì vượt qua”. Câu này chúng ta phải đặc biệt lưu ý, không có gì vượt qua trí tuệ này. Hay nói cách khác, đây là trí tuệ cứu cánh viên mãn, trong Phật pháp gọi là Bát nhã.

Trí tuệ này từ đâu mà có? Là trong tự tánh vốn đầy đủ. Trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Thế Tôn nói với chúng ta: “tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai”, đây là tự tánh vốn có, trí tuệ vốn có, đức năng vốn có, tướng hảo vốn có. Nói cách khác, trong tự tánh không có khiếm khuyết gì, nó viên mãn, mỗi người đều bình đẳng. Không phải nói Đức Phật có chúng ta không có, chúng ta và Phật không có gì khác. Nhưng sự thật, hiện tại khác nhau rất lớn, chúng ta không thể sánh với Phật, nguyên nhân là gì? Đức Phật từng nói: Do có vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng được. Câu này rất quan trọng, trí tuệ đức tướng trong tự tánh chúng ta không thấy, không phải không có, vì những gì trong tự tánh là bất sanh bất diệt. Nó là thật, không phải giả. Bây giờ không thấy được là do chướng ngại. Chướng ngại này không phải trí tuệ đức tướng có chướng ngại, là có một loại chướng ngại cản trở, khiến chúng ta không thấy sự hiện tiền của chúng. Chướng ngại gì? Là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Hay nói cách khác, chúng ta buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước, trí tuệ đức tướng liền hiện tiền, trí tuệ viên mãn.

Đức là gì? Đức trong Phật pháp gọi là thần thông, đó là đức năng. Nhãn, nhãn kiến có thể thấy được khắp biến pháp giới hư không giới, có thể thấy quá khứ vô thỉ vị lai vô chung. Nặc lực này lớn biết bao! Đây là thật, không phải giả. Có thể thấy nguồn gốc của vũ trụ, trí tuệ có thể biết được đây là nguyên nhân gì, rõ ràng minh bạch. Tướng là tướng hảo, thông thường chúng ta gọi là chân thiện mỹ tuệ. Nhìn thấy ở đâu? Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu cho chúng ta, nhìn thấy thế giới tây phương Cực Lạc, thế giới đó thật tốt đẹp. Trong hội Hoa Nghiêm Đức Phật giới thiệu cho chúng ta, thấy được thế giới Hoa Tạng. Ở đó không có chướng ngại, cũng tức là hoàn toàn không có đức năng tướng hảo do vọng tượng phân biệt chấp trước hiện ra. Vốn là như vậy, không có gì hy hữu cả. Thế giới Hoa Tạng là do tâm hiện thức biến, ở đó không có thức, nên nó không có biến hóa, chỉ có tâm hiện. Thế giới tây phương Cực Lạc cũng như vậy. Tự tâm mình hiện, làm gì có chuyện tự mình không được thọ dụng, hưởng thụ được? Nhất định có! Đức Phật nói một cách rõ ràng, chỉ cần đoạn trừ chướng ngại. Ngài còn dạy chúng ta, từ vô thỉ đến nay, những tập khí nghiệp chướng này của chúng ta quá nặng, thời gian mê muội quá dài. Bây giờ muốn khôi phục lại nhưng không thể buông bỏ hết, Đức Phật dạy chúng ta buông bỏ dần dần cũng được. Ngày dạy chúng ta đầu tiên là buông bỏ chấp trước, buông bỏ chấp trước lục đạo không còn. Chúng ta không bị ảnh hưởng bởi những thiên tai thảm họa trong lục đạo, lục đạo không còn. Buông bỏ chấp trước, sau đó buông bỏ phân biệt. Buông bỏ được phân biệt, hai cõi Thanh văn, Duyên giác không còn. Hai pháp giới trong tứ thánh pháp giới không còn, chỉ còn Bồ Tát và Phật. Nếu buông bỏ khởi tâm động niệm, hai cõi này cũng không còn, Bồ Tát và Phật cũng không còn, nghĩa là nói thập pháp giới không còn. Thập pháp giới không còn thì cảnh giới gì xuất hiện? Xuất hiện nhất chân pháp giới, cõi thật báo trang nghiêm của Chư Phật Như Lai xuất hiện, cõi này chỉ có tâm hiện không có thức biến. Trong cảnh giới này như Tướng tông nói, đều đã chuyển thức thành trí.

Buông bỏ như thế nào? Phải biết quý vị không nên dùng nó. Trong cuộc sống hằng ngày, tôi dùng mắt thấy, tai nghe, tôi đều dùng, mắt tai mũi lưỡi thân đều dùng hết, nhưng như thế nào? Không chấp trước, không chấp trước nghĩa là không dùng thức thứ bảy. Mạt na thức là chấp trước, ta không dùng nó. Đệ lục ý thức là phân biệt, ta không phân biệt chính là không dùng thức thứ sáu. Tướng tông chuyển thức thành trí, thức thứ sáu và bảy là chuyển trên mặt nhân, tức là khi tu nhân. Bây giờ chúng ta phải hạ công phu này, cho nên tu hành chơn chánh, thật sự buông bỏ chính là sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, đối với phân biệt chấp trước càng nhạt càng tốt.

/ 600