/ 600
703

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 172

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 22.10.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 197, hàng thứ ba từ dưới đếm lên. “Đoạn dưới. Vì nguyện cầu đức tự giác giác tha, vì giác tha, trước tiên cần giác mình. Cầu tự giác, rốt cuộc để giác tha”. Đây là một bộ phận kệ tụng của kinh văn, đoạn lớn thứ hai phát nguyện. Ở trước là tán Phật, sau tán thán Phật chúng ta thấy tỳ kheo Pháp Tạng làm mô phạm cho chúng ta, xem ngài phát nguyện gì. Đệ tử Như Lai cần phải như thế. Trước tiên cầu đức tự giác giác tha, thực tế là vì giác tha, không phải vì chính mình, bản thân không thành tựu không thể giác tha. Cho nên vì cầu giác tha trước tiên phải tự giác, muốn dạy người khác thành Phật mình phải thành Phật trước, đạo lý chính là như vậy. Cầu tự giác toàn là vì người khác, không phải vì chính mình, tâm dõng mãnh mới có thể phát được như thế. Nếu vì mình giải đãi một chút cũng không sao, hôm nay chưa thành ngày mai cũng được, đời này không thành tựu thì đời sau cũng được, rất dễ giải đãi. Vì người khác nhất định không thể thành tựu, ta giải đãi một ngày chúng sanh chịu khổ thêm một ngày. Ta sớm ngày giác ngộ, chúng sanh sớm ngày giải thoát. Quý vị xem, biến pháp giới hư không giới, trong tất cả cõi nước, chúng sanh trong lục đạo rất đáng thương. Vì sao luân lạc đến bước đường này? Nghĩa là bất giác, không giác ngộ. Vì sao không giác ngộ? Vì không ai dạy họ. Ngày nay chúng ta phát nguyện học Phật giáo hóa chúng sanh, mọi việc chúng ta làm đều thuộc về dạy học. Ở đây tỳ kheo Pháp Tạng là tấm gương tốt nhất, chúng ta cần phải học theo ngài.

Bây giờ chúng ta xem nguyên văn, mở đầu kệ tụng tất cả có mười câu, hai bài rưỡi. Bài kệ trước là “Nguyện thanh đồng Phật”, cầu đức giác tha.

“Nguyện ngã đắc Phật thanh tịnh thanh. Pháp âm phổ cập vô biên giới.

Tuyên dương giới định tinh tấn môn. Thông đạt thậm thâm vi diệu pháp”.

Đây là bài kệ thứ nhất, chúng ta nói đơn giản một vài ý nghĩa. “Nguyện ngã”, đây là ở trước Phật phát nguyện, tôi “đắc Phật thanh tịnh thanh”, âm thanh thanh tịnh từ đâu mà có? Từ tâm thanh tịnh. Nếu tâm không thanh tịnh, mắt không thanh tịnh, tai không thanh tịnh, âm thanh cũng không thanh tịnh. Tựa đề của kinh này, nửa phần sau chính là nói “thanh tịnh bình đẳng giác”. Tu Phật thật sự là tu gì? Chính là tu điều này. Trước tiên phải được thanh tịnh, sau đó phải được bình đẳng, sau cùng là đại triệt đại ngộ. Giác là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh.

Vì sao được âm thanh thanh tịnh? Vì giáo hóa chúng sanh, đặc biệt là thế giới này của chúng ta, “thử phương chân giáo thể, thanh tịnh tại âm văn”, chúng sanh thế giới Ta Bà nhĩ căn rất sắc bén, đưa kinh sách cho họ xem chưa chắc họ đã hiểu, nhưng nói cho họ nghe họ nghe rất rõ. Năng lực nghe mạnh hơn năng lực thấy, cho nên ở thế giới này nhất định dùng âm thanh làm Phật sự, nghĩa là dạy học. Lúc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tại thế, dạy học suốt 49 năm_Âm thanh. Khổng tử lúc còn tại thế dạy học cũng là âm thanh.

Ở đây dùng âm thanh làm Phật sự, hy vọng giống như Đức Phật, “pháp âm phổ cập vô biến giới”. Đây là thật, là sự thật. Trước đây chúng ta đọc những kinh văn này, cho rằng đây chỉ là một nguyện lực, không thể là sự thật, bây giờ biết đây là sự thật.

Trong Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán của đại sư Hiền Thủ chúng ta đọc được, quả thật âm thanh cũng là hiện tượng dao động. Bất luận là dao động của vật chất hay dao động của ý niệm, hoặc là dao động của tinh thần, vừa dao động đã chu biến pháp giới. Trong ba loại chu biến nói rất rõ ràng, thứ nhất là “chu biến pháp giới”, thứ hai là “xuất sanh vô tận”, thứ ba là “hàm dung không hữu”, cùng một lúc. Cho nên bây giờ chúng ta đọc những kinh văn này, hiểu một cách sâu sắc, biết đây hoàn toàn là sự thật.

Dùng phương pháp gì để độ hóa chúng sanh? Dùng trì giới, tu định, tinh tấn. Nói đến ba điều trong Lục ba la mật, ba điều tượng trưng cho sáu điều, dùng bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, bát nhã. Phải thực hành những điều này mới được, chỉ nói suông không được. Một vị thầy tốt, pháp thế xuất thế không có gì khác nhau, nếu thân hành ngôn giáo họ đều làm được, khi nói ra mới có thể nhiếp thọ chúng sanh. Mọi người mới tin, chịu học tập theo họ.

/ 600