/ 600
523

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 171

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 21.10.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 197, bắt đầu xem từ hàng thứ tư.

“Ở trên là khen ngợi Phật, dưới là phát nguyện. Tỳ Kheo Pháp Tạng, đối với công đức sau khi khen ngợi Phật. Liền lập tức phát khởi, thệ nguyện rộng lớn, nguyện tự làm Phật, nguyện nhiếp cõi Phật, phổ lợi chúng sanh, chóng thành chánh giác. Phát nguyện rộng lớn, quả rất cần thiết”.

Đoạn này nói rất rõ ràng, “thượng” là kinh văn và chú giải ở trước, là nói đến việc khen ngợi Phật. Trong kiến Phật, văn pháp, lễ tiết, lễ tán là vô cùng quan trọng. Từ xưa đến nay, người thầy thật sự có đức hạnh, thật sự có học vấn, có tu trì đều rất khiêm tốn. Học trò đến thỉnh giáo họ, cổ nhân gọi là: nhân tài thí giáo. Thầy dạy họ điều gì? Phải xem thiện căn phước đức của họ. Thiện căn phước đức sâu dày, thầy thật tâm dạy; thiện căn phước đức mỏng, thầy giáo rất khách sáo với họ, đó cũng là dạy họ. Vì sao không dạy họ? Không phải thầy giáo không dạy, mà do họ không thể tiếp thu. Sao thầy giáo biết họ không thể tiếp thu? Nhìn lễ tán của họ phải chăng xuất phát từ chân tâm. Nếu xuất phát từ chân tâm, người này nhất định là thiện căn phước đức sâu dày, như vậy thì phải dạy, không dạy có lỗi với người ta. Thái độ ngạo mạn, lễ tiết không chu toàn, vừa nhìn đã biết thiện căn rất mỏng manh, dù dạy nhiều họ cũng không thể tiếp thu. Đây là thật, không phải giả, cho nên phải học cung kính.

Xưa nay cổ nhân rất hiểu cách giáo dục, học cung kính bắt đầu học từ đâu? Bắt đầu học từ khi nào? Bắt đầu học từ lúc mới sinh ra. Cũng nghĩa là nói con người sanh ra, từ ngày sanh ra là phải học. Ai dạy? Cha mẹ dạy, đặc biệt là người mẹ. Con người đến ba tuổi, không thể rời khỏi vòng tay của người mẹ. Lời nói cử chỉ của người mẹ, đứa bé này đều thấy, nghe, tiếp xúc hằng ngày, chúng đang học theo. Cho nên thiện căn, nói thực tế dù thiện căn sâu dày đến đâu, nếu không tiếp thu nền giáo dục căn bản, thiện căn sâu dày cũng không hiển thị ra được, học theo những điều hư. Cổ nhân nói: “Thiếu thành nhược thiên tánh, tập quán thành tự nhiên”. Người thiện căn sâu dày, vẫn có thể thay đổi, nhưng mất rất nhiều thời gian, đích thực cần phải học rất lâu. Thiện căn dần dần mới khôi phục, mới có thể đoạn sạch những tập khí ngạo mạn. Có, không phải không có, nhưng cũng rất khó khăn, nếu học từ nhỏ sẽ dễ hơn. Một người hiểu lễ phép, biết khiêm tốn, biết cách dùng chân thành đối đãi người, cuộc đời của họ là mỹ mãn. Vì sao vậy? Thông thường chúng ta nói, họ được mọi người yêu thích, được người tôn trọng, ai cũng muốn giúp họ. Đây cũng là ngày nay chúng ta nói, ưu điểm của truyền thống văn hóa. Quý vị xem Đệ Tử Quy dạy chúng ta, nên phụng dưỡng, tận hiếu cha mẹ như thế. Học xong, không phải cha mẹ, người này tuổi tác khoảng bằng cha mẹ, dùng thái độ phụng dưỡng cha mẹ để đối đãi với tôn trưởng. Vị tôn trưởng nào không hoan hỷ? Vị tôn trưởng nào không giúp họ? Không có. Ngạn ngữ có câu: nhiều lễ nghĩa người không trách, đạo lý là như thế. Quý vị xem trong Đệ Tử Quy, bao nhiêu ngôn ngữ nói về lễ tiết. Tôi đã xem từ đầu đến cuối, ít nhất là 1/3 nói về lễ, cách xử sự đối nhân tiếp vật. Đây là tâm thái, lễ tiết vô cùng quan trọng, nếu không học ở trong xã hội này rất thiệt thòi. Người khác tôn trọng quý vị đó là giả, không phải thật, không được người khác giúp đỡ.

Cho nên tán thán Phật cũng là dạy học, quý vị xem tỳ kheo Pháp Tạng gặp Thế Gian Tự Tại Vương, từng ly từng tí đều đáng để chúng ta học tập, đây gọi là học Phật chơn chánh. Sau khi khen ngợi, muốn thỉnh giáo Phật, thỉnh giáo vấn đề này là đại sự, không phải việc nhỏ, như vậy cần phải phát nguyện. Nếu không phát nguyện là không đầy đủ điều kiện này.

Quý vị xem ở sau: “Nguyện tự làm Phật, nguyện nhiếp cõi Phật, phổ lợi chúng sanh, chóng thành chánh giác”. Đây là việc lớn, hy vọng bản thân sớm ngày thành Phật, vì sao vậy? Vì độ chúng sanh. Thành Phật không vì bản thân, là vì phổ lợi chúng sanh mà thành Phật. Giúp tất cả chúng sanh nhất định phải có môi trường, không có hoàn cảnh học tập tốt, như vậy rất khó khăn. Cho nên “nguyện nhiếp cõi Phật”, đây là mong cầu có một hoàn cảnh tốt, hoàn cảnh tốt không phải chính mình tu. Chính mình tu hành không dùng đến, thuận cảnh nghịch cảnh đều là hoàn cảnh tốt. Nhưng nếu dạy học, nhất định phải có trường học, trường học này chính là hoàn cảnh tốt. Thế giới tây phương Cực Lạc, thực tế chính là một trường học. Chúng ta đã học nhiều năm như vậy, cũng xem rất nhiều kinh điển, không thấy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói thế giới Cực Lạc có quốc vương, không thấy, không nghe nói thế giới Cực Lạc có hoàng đế. Không như giới thiệu Trời dục giới, Trời sắc giới đều có thiên vương. Thế giới Cực Lạc không có, hoàn toàn không nói đến. Chỉ nói Đức Phật Di Đà dạy học ở đó, Bồ Tát ở đó tiếp thu giáo dục. Chúng ta từ những điểm này quan sát tường tận, thế giới Cực Lạc là một trường học, người ở đó rất đơn thuần. Chỉ có hai hạng người, một là thầy giáo, hai là học trò. Nói cách khác, đến thế giới tây phương Cực Lạc là để tiếp thu giáo huấn, đi huấn luyện, tốt nghiệp là thành Phật. Sau khi thành Phật, quý vị đến nơi có nhân duyên để giáo hóa chúng sanh, trong kinh điển thường nói: “Phật không độ chúng sanh không có nhân duyên”. Thế giới nào có duyên với mình thì đến đó, đi dạy học, không làm việc gì khác. Do đó chúng ta hiểu một cách triệt để rằng, Phật pháp là gì? Là sư đạo. Thầy giáo, sư đạo, làm công việc gì? Dạy học.

/ 600