/ 600
618

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 170

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 18.10.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 196, hàng thứ tư từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ câu sau cùng.

Chúng ta xem chú giải của Hoàng Niệm Lão. “Pháp thân tức tự tánh thân, gọi là Tỳ Lô Giá Na, dịch là biến nhất thiết xứ”. Biến nhất thiết xứ nghĩa là nói ngài tồn tại mọi lúc mọi nơi. Tịnh tông gọi là thường tịch quang. Từ chánh báo mà nói là Diệu giác vị, trong Kinh Hoa Nghiêm gọi là Diệu giác vị. Từ hoàn cảnh cứ trú gọi là cõi thường tịch quang, trên thực tế thường tịch quang không có tướng. Nó không phải vật chất, cũng không phải tinh thần, nó không có hiện tượng tự nhiên, cho nên nó hoàn toàn sáng rỡ. Đây chính là chân tánh của chính minh, chân tâm của chính mình. Nó không có hiện tượng nào, nhưng nó có thể hiện ra tất cả, năng sanh vạn pháp, vạn sự vạn vật đều từ nó sanh ra, đều từ nó biến hiện ra. Biến như thế nào? Kinh Hoa Nghiêm nói rất rõ ràng, Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán của quốc sư Hiền Thủ, chúng ta đều đã học, nói rất rõ ràng, rất minh bạch: “Tịch quang, thân và cõi nhất như, thân và cõi không hai”. Có tên gọi này, nhưng ta tìm không thấy dấu vết.

Bên dưới nói rất hay, ông nói: “Lý thể trung đạo, lìa tất cả tướng và các hý luận”. Nó rốt cuộc là như thế nào, đều nói ra hết. Trung đạo là những gì Phật chứng được, không hữu nhị biên đều không trú, phi không phi hữu, đặt cho nó cái tên gọi là trung đạo. Nếu chấp trước có trung đạo, vậy là sai, vì sao vậy? Quý vị lại rơi vào nhị biên, nhị biên là từ tâm phân biệt sinh ra.

Phật pháp đại thừa nói, toàn thể vũ trụ là nhất thể, là một thể hoàn chỉnh, tuyệt đối không thể tách rời. Nếu tách rời, phiền não lập tức khởi lên, sự thật không có tách rời, tách rời là vọng niệm của chúng ta. Bởi vậy Đức Phật thuyết pháp đích thực có cái khó, như vậy sao mà nghe được? Nhất định phải tuân thủ lời dạy của Bồ Tát Mã Minh: Không chấp trước tướng ngôn ngữ, đọc kinh không chấp trước tướng văn tự. Văn tự là phù hiệu của ngôn ngữ, gọi là lìa tất cả tướng. Văn tự ngôn ngữ không được chấp trước, danh từ thuật ngữ cũng không được chấp trước. Ví dụ nói không, hữu, trung đều không được chấp trước, hiểu ý của nó là được, không được chấp trước, không được phân biệt. Quý vị thấy phân biệt còn sai, sao có thể chấp trước? Như vậy mới gọi là biết nghe, quý vị đúng là rất biết nghe kinh.

Đức Phật thuyết pháp cũng như vậy, Đức Phật không có khởi tâm động niệm, không có phân biệt chấp trước. Ngài nói rất nhiều, nhưng ngài không hề phân biệt, không hề chấp trước, không hề khởi tâm động niệm, chúng ta làm sao hiểu được? Chúng ta cũng không khởi tâm động niệm, cũng không phân biệt chấp trước, như vậy là hoàn toàn hiểu được ý của ngài. Chúng ta khởi tâm động niệm, có phân biệt chấp trước, đó là ý của chúng ta không phải ý của Phật. Chúng ta nghe Phật giảng kinh, đọc tụng kinh điển của ngài, là ý của mình không phải ý của Phật. Vì sao vậy? Vì Phật không có ý.

Mỗi người chúng ta không giống nhau, chúng ta nghe kinh, đọc kinh, cảm nhận cũng đều khác nhau. Nếu giống nhau, ý nghĩa chân thật của nó cũng giống nhau. Vì sao tôi đọc là ý này, quý vị đọc ý lại là ý kia? Cần phải hiểu chân tướng sự thật này. Trong bài kệ khai kinh nói: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, câu này quả thật không dễ, làm sao có thể hiểu nghĩa chân thật của Như Lai? Nhưng lìa vọng tưởng phân biệt chấp trước, đó chính là nghĩa chân thật của Như Lai. Là ai? Trong Phật giáo đại thừa, Hoa Nghiêm viên giáo sơ trụ Bồ Tát, họ hiểu, họ làm được không khởi tâm không động niệm, không phân biệt không chấp trước, hoàn toàn buông bỏ những điều này. A la hán chỉ buông bỏ chấp trước, họ còn phân biệt, còn khởi tâm động niệm, họ hiểu nghĩa chân thật của Như Lai chăng? Nói cho chư vị biết, không thể, họ chưa có năng lực này. Bồ Tát có thể lý giải, Bồ Tát đã buông bỏ phân biệt chấp trước, có thể hiểu ít phần chân thật nghĩa của Như Lai, không thể hiểu hết hoàn toàn. Hiểu hoàn toàn nhất định phải buông bỏ vọng tưởng, vọng tưởng là phân biệt chấp trước, mới hiểu hoàn toàn.

Phật giáo truyền đến Trung quốc gần 2000 năm, trong 2000 năm nay, người đạt đến tiêu chuẩn này không ít! Chúng ta dự đoạn khái lược ít nhất có 3000 người, đạt được tiêu chuẩn này. Người đạt tiêu chuẩn này, thông thường đều nói họ đã thành Phật. Như Thiền tông nói, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, họ đạt đến tiêu chuẩn này, thật sự hiểu nghĩa chân thật của Như Lai. Đại sư Huệ Năng không biết chữ, ngài cũng hiểu. Trong Pháp Bảo Đàn Kinh nói rất hay, vấn đề này không liên quan đến biết chữ hay không. Liên quan đến điều gì? Ta có thể buông bỏ hay không? Liên quan đến buông bỏ, không liên quan đến việc biết chữ hay không. Buông bỏ điều gì? Buông bỏ vọng tưởng, buông bỏ phân biệt, buông bỏ chấp trước. Ngài rất đáng khâm phục, đã buông bỏ tất cả. Tuy không biết chữ, nhưng tất cả kinh điển quý vị đọc cho ngài nghe, không có gì ngài không hiểu, lại có thể giảng giải nghĩa lý cho ta nghe, khiến ta khai ngộ, ngài có bản lĩnh này. Không những ngài hiểu kinh Phật, mà học thuật của truyền thống xưa ngài có hiểu chăng? Đều hiểu hết, tất cả pháp thế xuất thế gian ngài đều thông triệt. Vì sao vậy? Vì tất cả pháp không rời tự tánh, đã kiến tánh, đâu có lý không thông!

/ 600