Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 167
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Liên Hải
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 15.10.2010
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 193, hàng cuối cùng, kinh văn.
“Vãng nghệ Phật sở, đảnh lễ trường quỵ, hướng Phật hợp chưởng, tức dĩ già tha tán Phật, phát quảng đại nguyện, tụng viết.” Đoạn kinh văn này là lễ tiết khi gặp Phật.
Chúng ta xem chú giải của Hoàng Niệm Lão, đây là nói tỳ kheo Pháp Tạng đến dưới tòa của Thế Gian Tự Tại vương.
“Nghệ” là đến vậy, đi đến, “sở” là xứ sở, tức là xứ sở mà Phật đang có mặt. Phật không có nơi cư trú. Chư vị nên biết, khu vực giáo hóa của Ngài, địa phương giáo hóa, là khắp pháp giới hư không giới, cho nên chúng ta ở trong kinh đã nhìn thấy, quí vị xem: tôi nghe như vậy, một thuở nọ Phật tại ở một nơi nào đó, xưng “tại”, Ngài bây giờ ở đâu, không thể nói Ngài trụ ở đâu, bởi vì pháp giới hư không giới đều là nơi Ngài cư trú. Vào ngày xưa quốc vương, hoàng đế, Trung Quốc ngày xưa trải qua các triều đại, quốc gia này là quản hạt của họ, quốc gia này là nơi cư trú của họ, trong quốc gia này không thể nói họ sống ở đâu, “hành tại” hoàng đế hiện tại ông ấy đang ở nơi nào, gọi là “tại”, không nói là “trú”. Văn tự của Trung Quốc ý nghĩa rất sâu, thực sự mà nói chúng ta và Phật cũng không có gì khác. Phật không thể xưng là trú, chúng ta có thể xưng là trú sao? Chúng ta cũng là: anh đang ở đâu? Như vậy là chính xác. Nói anh đang trú ở đâu, lời này là giả. Vì sao vậy? quí vị ở thế gian này, trú tại thế gian này, mấy mươi năm mà thôi, sau mấy mươi năm, quí vị lại đổi đi nơi khác, lục đạo vừa chuyển, quí vị chuyển đến cõi nào, quí vị đến nơi khác rồi, mỗi cõi đều không phải là lâu dài, đều là tạm trú, cho nên nói lời chân thật chúng ta và Phật đều giống nhau. Phật là ở đâu cũng có, lúc nào cũng có. Bản thân chúng ta cũng như vậy, cũng là ở đâu cũng có, lúc nào cũng có, không khác gì Phật cả. Chỉ là Phật tự tại, Ngài tự do, chúng ta không tự tại, chúng ta bị nghiệp lực trói buộc, giống như chúng ta ngày nay ở nhân gian, cư trú tại Hongkong, chúng ta không thể đồng thời cư trú ở thế giới khác, Phật có thể làm được. Chúng ta nếu như thành Phật rồi, chúng ta và Ngài sẽ không khác, cũng có thể làm được. Cho nên từ trên lý mà nói tất cả chúng sanh và Phật là bình đẳng, trong kinh giáo Đại thừa Phật giảng rất rõ ràng, “tất cả chúng sanh vốn là Phật”, vốn là Phật, nhưng do vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc. Phiền phức chính là quí vị hiện tại có vọng tưởng, quí vị có ý niệm. Ý niệm này hại quí vị làm cho quí vị không thể kiến tánh, không thể giống Phật được tự tại như vậy, vẫn còn phân biệt chấp trước nghiêm trọng. Có thể đem những thứ này buông bỏ hết, quí vị liền khôi phục bản lai diện mục của quí vị, bản lai diện mục thì quí vị chính là Phật, quí vị và mười phương chư Phật không có gì khác, không hai không khác. Học Phật mục tiêu cuối cùng chính là trở về với tự tánh, cũng tức là trở về với bản lai diện mục của chúng ta. Bộ kinh này chính là hướng dẫn chúng ta làm thế nào để trở về. Chúng ta học kinh giáo mục đích là ở đây vậy. Hiểu được tình trạng của toàn thể vũ trụ, sau đó tìm ra nơi trở về thực sự của chúng ta. Không nên lang thang trong lục đạo. Đây mới gọi là học Phật chân chánh.
Tỳ kheo Pháp Tạng làm gương cho chúng ta, quí vị xem ngài đến chỗ Phật, gặp được Phật, đây là có lễ tiết, đầu tiên hướng đến Phật hành lễ, đảnh lễ.
Phạn ngữ “nam mô”, hiện nay chúng ta nam mô là dùng chữ nam trong đông tây nam bắc, mô là dùng chữ “vô” trong chữ hữu vô, dùng hai chữ này, đây là cổ âm trong từ Trung Quốc cổ, dường như là âm của Quảng đông, Phúc kiến có một số âm vẫn là âm cổ. Đọc chữ “vô” này là “mô”, “nam mô”, ý nghĩa của hai chữ “nam mô” này chính là đảnh lễ. Chúng ta đọc Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, hướng đến Phật Thích Ca Mâu Ni đảnh lễ. Nam mô A Di Đà Phật là hướng đến Phật A Di Đà đảnh lễ. Nam mô là “quy mạng, khể thủ, đảnh lễ”, có nhiều ý nghĩa như vậy. Đơn giản thì nói là “lễ”, chúng ta lễ Phật, lễ bái, đơn giản nói là lễ bái, nó có nhiều ý nghĩa như vậy. Nguyên văn là chữ Ấn độ, Nam mô là chữ Ấn độ, trong đó có rất nhiều ý nghĩa, dùng ý nghĩa quy mạng là tốt nhất. Quy mạng là chúng ta nhất tâm quy y Phật đà. Hoàn toàn tiếp thu giáo huấn của Phật đà, là ý nghĩa này. Chúng ta từ mê hoặc điên đảo quay đầu trở lại, nhất tâm hướng Phật, tiếp thu giáo huấn. Ý nghĩa này hay.