/ 600
452

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

淨土大經解演義

Tập 166

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 14.10.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải trang 193, hàng thứ tư, “kiên cố bất động”. “Tâm đó như kim cang, có thể phá tất cả mà không bị tất cả những thứ khác phá, nên gọi là kiên cố”. Đây là một câu kinh văn về hạnh nguyện tinh tấn. Đoạn trước trong phần kinh văn chúng ta đã đọc qua. “Lại có hạnh nguyện thù thắng, và niệm huệ lực, tăng thượng tâm đó, kiên cố bất động. Đây chính là tiếp tục theo đoạn này mà nói. Kiên cố bất động, tu hành tinh tấn, không ai có thể vượt qua. Đây là một câu Niệm Lão giải thích cho chúng ta.

Trước tiên nói kiên cố, dùng ý nghĩa trong “Kinh Kim Cang” để giải thích, nói rõ tỳ kheo Pháp Tạng chuyên chú dùng tâm. Đây là thực sự học tập, là điều kiện bắt buộc phải đầy đủ. Không có điều kiện này thì rất khó để thành tựu. Mà điều kiện này lại không dễ dàng có được. Vì sao vậy? Người thế gian thông thường, trong tâm họ luôn luôn hiếu kỳ, tham nhiều, cho nên học rộng biết nhiều. Hiện tại trong xã hội thông thường đều coi trọng điều này, có ai không học hành cách như vậy? Trong xã hội hiện nay chúng ta nhìn thấy, từ mẫu giáo đến đại học, nghiên cứu sở, đều là theo phương hướng này, không có ai nói kiên cố bất động. Kiên cố bất động chỉ có trong văn hóa truyền thống ngày xưa, Nho, Thích, Đạo đều có. Mà trong Phật Pháp Đại thừa đối với sự việc này đặc biệt là kiên trì. Vì sao vậy? Mục tiêu chung của học tập Phật Pháp Đại thừa là phải khai ngộ, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, đây là mục tiêu cuối cùng. Mục tiêu giống như vậy, điều này vô cùng quan trọng. Kiên cố bất động quí vị mới có thể đắc định, định mới có thể khai huệ. Trí tuệ chân thật không phải là học mà được. Đạo lý này phải hiểu. Trí tuệ chân thật từ đâu mà có? Là trong tự tánh quí vị vốn đã có đủ. Trí tuệ lớn như thế nào? Lớn như Chư Phật Như Lai vậy. Ở đây chúng ta nói đến Phật A Di Đà. Phật A Di Đà trong Chư Phật Như Lai là vị được tôn kính nhất. Chư Phật tán thán Ngài là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”. Quang trung cực tôn là từ tánh mà nói. Phật trung chi vương là từ tướng mà nói. Chúng ta mỗi vị đồng học, tự tánh của chúng ta và Phật A Di Đà không hai không khác. Phật A Di Đà là quang trung cực tôn, chứng tỏ quí vị cũng là quang trung cực tôn. Phật A Di Đà là Phật trung chi vương, quí vị cũng là Phật trung chi vương. Quí vị ngày nay vì sao lưu lạc đến bước đường này? Vì trí tuệ không còn nữa, đức tướng cũng không còn nữa. Thế Tôn rất từ bi, đem duyên cớ này một lời nói rõ.

Trong Kinh Hoa Nghiêm nói: vì dùng vọng tưởng chấp trước nên không thể chứng đắc. Chúng ta nghĩ nghĩ xem, chúng ta phải chăng cũng như vậy. Mỗi ngày chúng ta phải chăng cũng đang vọng tưởng, có đang phân biệt chấp trước không? Nếu như có, thì lời Phật nói không sai. Tánh đức của chúng ta, trí tuệ của chúng ta, là bị vọng tưởng phân biệt chấp trước làm cho chướng ngại rồi. Nói với chư vị rằng không phải là đã bị mất, chỉ là bị chướng ngại. Chướng ngại thì không thể hiện tiền. Ví dụ như mặt trời, hôm nay là ngày nhiều mây, mây che mất mặt trời, không nhìn thấy mặt trời chứ không phải không có mặt trời. Nói cách khác, quí vị không phải không có trí tuệ, trí tuệ của quí vị và Phật không hai không khác. Chỉ là quí vị hiện tại có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Ở nhân gian, ở trên trời cũng tức là nói trong lục đạo, những chúng sanh này trong lục đạo, trí tuệ không tương đồng, có người thông minh trí tuệ rất cao, có người thông minh trí tuệ rất thấp. Sự sai biệt này chúng ta hiểu được. Người trí tuệ cao là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước ít hơn một chút, trí tuệ của họ liền hiển lộ ra nhiều. Nếu như người phân biệt chấp trước nghiêm trọng thì trí tuệ họ hiển lộ ra lại ít, sự việc chính là như vậy. Đạo lý hiểu rõ rồi, thật làm rõ ràng rồi, liền hiểu được, phương pháp dạy học của cổ đức, phương pháp của Phật môn là cao siêu, vô cùng thù thắng. Nương theo phương pháp này mà học quí vị sẽ nhanh chóng thành tựu, chính là tập trung tâm lực, nhất môn thâm nhập trường thời huân tu. Quí vị có hi vọng khai ngộ, cho dù không thể đại triệt đại ngộ, thông thường nói đại ngộ thì có thể đạt đến được.

/ 600