/ 600
823

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 165

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 13.10.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 191, hàng thứ sáu từ dưới đếm lên. Từ “tín giải minh ký, tất giai đệ nhất”, xem từ câu kinh văn này.

Chú giải của Hoàng Niệm Lão: “Tín là tín thọ”, thọ là tiếp thu, sau khi tin phải tiếp thu. Nếu không tiếp thu, chưa thể gọi là tin. Đại Thừa Nghĩa Chương Nhị, nhị là quyển thứ hai nói: “Đối với Tam bảo vân vân tâm tịnh không nghi ngờ gọi là tín. Tấn Dịch Hoa Nghiêm Kinh Lục nói: Tín là mẹ của mọi công đức, thị hiện khai phát đạo vô thượng”, ở giữa có tỉnh lược, chúng ta xem đoạn này trước.

Tu học Tịnh độ tông có ba điều kiện, chư vị tổ sư xưa nay gọi là ba nguồn tư lương. Thứ nhất là tín, thứ hai là nguyện, thứ ba là hạnh, hạnh nghĩa là thực hành. Tín đặt ở điều kiện đầu tiên, thế nào mới gọi là tín? Đại Thừa Nghĩa Chương nói câu này rất hay, tâm phải thanh tịnh không có nghi hoặc, vậy mới gọi là tín. Tin trong Phật pháp không giống niềm tin của các Tôn giáo khác. Thế gian rất nhiều Tôn giáo, họ cũng đặt niềm tin ở vị trí hàng đầu, nhưng niềm tin của họ, thứ nhất là tin thần, tin Thượng đế. Trong Phật pháp không như thế, Phật pháp đầu tiên là tin chính mình, hoàn toàn khác nhau.

Quý vị xem trong Di Đà Kinh Yếu Giải, đại sư Ngẫu Ích nói cho chúng ta về sáu loại tín. Thứ nhất là tin chính mình, tin bản thân là gì? Tín chính mình vốn là Phật. Nếu chúng ta không tin điều này, học Phật sao thành Phật được? Trong Tịnh độ tông lại càng đặc biệt, tin tự tâm tức là Phật A Di Đà, Phật A Di Đà tức là tự tâm. Tịnh độ tức ở đây, ở đây tức là Tịnh độ. Quý vị có tín tâm này chăng? Không có niềm tin này, hèn gì niệm Phật không có cảm ứng, hèn gì niệm Phật không được tam muội. Bởi thế đầu tiên là tin chính mình, tiếp đến mới tin Phật, đây là tin tha, tin Phật A Di Đà, tin Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đích thực có một người là Phật A Di Đà, đích thực có vấn đề này, chân thật không hư dối. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu cho chúng ta, nếu không có ngài giới thiệu, chúng ta cũng không biết có thế giới Cực Lạc, cũng không biết có Phật A Di Đà. Đây là điều thứ ha- tin tha. Thứ ba là tin sự, đích thực có điều này. Thứ tư là tin lý. Thứ năm tin nhân. Thứ sáu tin quả. Chúng ta chỉ cần y theo lời dạy trong kinh điển, đạo lý, phương pháp, cảnh giới trong kinh điển, đây đều là nhân. Tinh tấn nỗ lực tu tập, vãng sanh nghĩa là chứng quả. Ngài Ngẫu Ích đã nói cho chúng ta sáu niềm tin này, không hề hoài nghi, sẽ có thành tựu. Nếu như có nghi hoặc, chứng tỏ niềm tin chúng ta không thanh tịnh, trong đó xen tạp nghi hoặc, xen tạp vọng niệm. Xen tạp vọng niệm, tâm không thanh tịnh. Không những Tịnh tông như vậy, mà tất cả Phật pháp đại thừa đều kiến lập trên niềm tin này, ta phát tâm tu học mới có thành tựu.

Kinh Hoa Nghiêm, Tấn Dịch là Lục Thập Hoa Nghiêm, trong quyển thứ sáu của Lục Thập Hoa Nghiêm nói: “Niềm tin là mẹ của mọi công đức”. Quý vị xem, niềm tin là nguồn gốc của học đạo, bắt đầu học từ đâu? Bắt đầu học từ kiến lập tín tâm, đây là nguồn gốc của đạo. Vô lượng vô biên công đức của Chư Phật Bồ Tát, thành tựu từ đâu? Thành tựu từ niềm tin.

Câu sau cùng: “Thị hiện khai phát đạo vô thượng”. “Giải là liễu giải, thông suốt. “Khai giải”, đã khai ngộ. Ý của lĩnh ngộ thâm sâu hơn hiểu rõ, sau khi lãnh ngộ thật sự hiểu rõ. Kinh Hoa Nghiêm lấy tín giải hành chứng làm cương yếu. “Vì thật sự tín giải mới có thể thật sự sanh khởi hành chứng”, quý vị thấy quan trọng biết bao!

Ngày nay chúng ta muốn vãng sanh thế giới tây phương Cực Lạc, thế gian này có xảy ra thiên tai chăng? Các nhà khoa học nói, vấn đề này, 50% nói có, 50% số người nói không. Họ đều có lý, đều nói rất có lý, chúng ta nên nghe ai? Như vậy chúng ta có rất nhiều nghi hoặc lo lắng. Chúng ta nghe xong đừng để những vấn đề này trong tâm, có cũng tốt, không có đương nhiên càng tốt. Vì sao nói có cũng tốt? Chúng ta dùng cách này để khuyến khích chính mình, cần phải trong hai ba mươi năm, tu thật tốt pháp môn niệm Phật. Tốt đến mức độ nào? Tốt đến có thể tự tại vãng sanh, muốn đi là đi, muốn ở là ở, đây không phải rất tự tại sao?

/ 600