/ 600
666

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 164

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 12.10.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 189, hàng thứ tư từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ kinh văn: “Tu Bồ Tát đạo”, câu này trong khoa phán, là tiếp theo ở trước.

Bốn câu trước: “Khí quốc quyên vương, hành tác Sa môn, hiệu viết Pháp Tạng, tu Bồ Tát đạo”, bốn câu này là xuất gia tu đạo. Tiếp theo bốn câu sau là tài đức siêu việt khác thường: “Cao Tài dõng triết, dữ thế siêu dị, tín giải minh ký, tất giai đệ nhất, hựu hữu thù thắng hạnh nguyện, cập niệm tuệ lực, tăng thượng kỳ tâm, kiên cố bất động, tu hành tinh tấn, vô năng du giả”, sáu câu ở sau là hạnh nguyện tinh tấn.

Chúng ta xem chú giải của Hoàng Niệm Lão: “Đoạn này”, tức là hai đoạn tài đức siêu dị và hạnh nguyện tinh tấn. “Khen ngợi đức của tỳ kheo Pháp Tạng sau khi xuất gia tu hành”. Vấn đề này chúng ta thường nói là ngài tu hành tinh tấn. Thực tế mà nói, thật thà, nghe lời, thực hành, những điều này chúng ta thấy được ở Thế Nhiêu Vương khi mới học Phật. Sáu chữ này có thể nói là từ xưa đến nay, vĩnh viễn là bí quyết thành công, bất luận là pháp thế hay xuất thế gian.

“Tu Bồ Tát đạo, trong Ngô Dịch tượng trưng Bồ Tát Pháp Tạng thẳng đến nhất thừa, không rơi vào quyền giáo của tiểu thừa”. Ngài không tu theo đạo Thanh văn, không phải tu đạo nhân thiên, mà tu theo đạo Bồ Tát. Chúng ta không thể sơ suất điều này, ngài vừa nhập môn liền phát nguyện tu đạo Bồ Tát, không giống với những người khác.

Trong Lục Tổ Đàn Kinh chúng ta thấy, đại sư Huệ Năng đến Hoàng Mai tham kiến Ngũ tổ. Khi gặp Ngũ tổ hỏi ngài, ngươi đến đây để làm gì? Đại sư Huệ Năng nói, con muốn đến làm Phật. Điều này quả thật không đơn giản. Theo tôi nghĩ có thể trong đời của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, chưa từng gặp người nào như vậy. Đến đây để làm Phật, quả là hy hữu, vì thế ngài có thể thành Phật.

Thế Nhiêu Vương không nói ngài đến làm Phật, trên thực tế ở trước chúng ta thấy ngài cũng muốn làm Phật. Không những làm Phật, mà còn vượt qua tất cả chư Phật, phát một đại nguyện như vậy. Làm Phật như thế nào? Không tu đạo Bồ Tát không thể thành Phật. Ở đây Thế Tôn khen ngợi ngài, kinh này là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói, vì thế ở đây “khen ngợi tỳ kheo Pháp Tạng”, nói ngài tu hành đạo Bồ Tát thẳng đến nhất thừa, không rơi vào quyền giáo tiểu thừa.

“Tống Dịch nói: Đại thừa đệ nhất, nên biết những gì Bồ Tát tu, là đại pháp chân như viên mãn của nhất thừa”. Câu này rất quan trọng, đây là nói Pháp Tạng tu hành là đại pháp chân như viên mãn của nhất thừa. Pháp này là gì? Chúng ta thường gọi là chí tâm tín nhạo, chí tâm và nhất tâm ý nghĩa như nhau. Tâm này chỉ có một niệm, tất cả vọng tưởng phân biệt chấp trước đều buông bỏ hết, chỉ có một niệm. Một niệm này là gì? Nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tịnh độ, đây là đại đạo chân như viên mãn của nhất thừa.

A Di Đà Phật, niệm A Di Đà Phật. Câu danh hiệu A Di Đà Phật này, dịch thành tiếng Trung nghĩa là Vô Lượng Giác. A dịch là Vô, Di Đà dịch là Lượng, Phật dịch là Giác, ở trước có giải thích với quý vị. Tất cả Chư Phật đều là Vô Lượng Giác, cho nên A Di Đà Phật là danh hiệu chung của tất cả Chư Phật. Từ Phật mà nói, khi chưa chứng được Diệu giác vị, ở tại nhân địa, 41 vị pháp thân đại sĩ là Vô Lượng Giác. Chứng được Diệu giác vị, danh hiệu này là đức hiệu của tự tánh. Chúng ta gọi là tự tánh, bản tánh, hoặc gọi là chân như, hoặc gọi là pháp tánh đều được. Là đức hiệu của chân tánh, chân tánh vô lượng giác. Chân tánh không phải vật chất, cũng không phải tinh thần, vô hình vô tướng, tồn tại mọi lúc mọi nơi. Nó Vô Lượng Giác, thật sự là giác mà không mê, nó là bản thể của tất cả pháp. Triết học gọi là bản thể, trong Phật pháp gọi là lý thể.

Từ đây chúng ta lãnh hội được, ngài tu như thế nào, mới có được thành tựu thù thắng như vậy. Những điều này đều là biểu pháp cho chúng ta thấy, nếu chúng ta hiểu sẽ biết cần phải tu học như thế nào. Ngày nay chúng ta cần học tập, chính là chí tâm tín nhạo, nhất tâm thành tín hoan hỷ, nhất hướng chuyên niệm. Một phương hướng là thế giới tây phương Cực Lạc, chuyên niệm Phật A Di Đà, quyết định cầu sanh Tịnh độ, phải có quyết tâm này. Không thể không đến thế giới Cực Lạc, không thể không thành tựu. Phải có niềm tin như thế, tâm nguyện như thế, nhận thức như thế, đây là vạn người tu vạn người đi, không sót người nào!

/ 600