Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 162
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 10.10.2010
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 186, hàng sau cùng.
“Thứ mười, Phật Thế Tôn. Thành Thật Luận chia thành hai hiệu, lấy Phật làm hiệu thứ chín, Thế Tôn làm hiệu thứ mười”. Đây là nói trong kinh đối với mười hiệu của Như Lai có khai hợp khác nhau. Ở trước cũng đã từng nói, ở đây nhắc lại một lần nữa. “Nay y theo Kinh Niết Bàn, hợp Phật Thế Tôn thành hiệu thứ mười”.
Bên dưới giải thích cho chúng ta: “Phật tức là giác, tự giác giác tha và giác mãn, tam giác viên mãn, nên gọi là Phật”. Chữ Phật này là từ tiếng Phạn của Ấn độ dịch sang, từ âm tiếng Phạn dịch qua. Tiếng Phạn chữ này dịch là Phật Đà Da, người xưa thích đơn giản, đã tỉnh lược bớt âm đuôi. Nên có khi gọi là Phật Đà bỏ bớt chữ Da, gọi là Phật thì bỏ bớt hai chữ, tỉnh lược bớt hai chữ Đà Da. Có hai ý nghĩa, một là trí, hai là giác. Nói trí là từ thể mà nói, nói giác là từ dụng mà nói. Trí có ba loại trí, nhất thiết trí, đạo chủng trí, nhất thiết chủng trí, đây là hàm nghĩa trong chữ này. Bên trong có trí, ngoài mới có thể giác ngộ, không có trí thì giác bằng cách nào? Nên dùng giác là bao hàm cả trí, trí là thể, giác là dụng. Có dụng là đương nhiên, nhưng không có trí tuệ làm sao nó khởi dụng? Nên dùng chữ này bao hàm trí trong đó. Ở đây chúng ta nói sơ lược một chút.
Nhất thiết trí là trí pháp tổng tướng, pháp là tất cả vạn pháp giữa vũ trụ. Ngài Huệ Năng khai ngộ nói: “năng sanh vạn pháp”, giữa vụ trụ không sót một thứ nào, vô cùng viên mãn. Dùng một đại danh từ chung để nói gọi là pháp, thông thường cũng phân nó ra để nói, phân ra là sáu chữ. Tánh là thể tánh của tất cả pháp, tướng là hiện tượng của tất cả pháp, sự, lý, nhân, quả, dùng sáu chữ này để tượng trưng cho tất cả pháp. Chỉ đơn thuần một pháp, tánh tướng sự lý nhân quả đều bao hàm trong đó, không sót điều nào.
Nhất thiết trí, tổng tướng là gì? Tổng tướng là không, gọi là vạn pháp giai không, nhân quả cũng là không. Nhưng chư vị nên biết, chúng ta cũng thường thấy trong Phật pháp nói: “vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Nói như vậy là sao? Nhân quả và vạn pháp đồng thời sanh khởi, vạn pháp là không, làm gì có lý nhân quả bất không! Chẳng qua không ở đây phải chứng tận cùng mới không. Cùng là đến cực điểm, cũng nghĩa là nói Diệu giác vị, trở về với thường tịch quang, trở về với tự tánh, lúc này không còn nữa, chưa trở về với tự tánh đều có. Hay nói cách khác, trong cõi thật báo trang nghiêm có nhân quả chăng? Có, chỉ trong thường tịch quang không có. Những người sống trong cõi thật báo, Đức Thế Tôn giới thiệu cho chúng ta, giới thiệu thế giới tây phương Cực Lạc: “đều là chư thượng thiện nhơn câu hội một nơi”. Chư thượng thiện nhơn, đây không phải là người bình thường, là pháp thân đại sĩ. Trong Kinh Hoa Nghiêm là sơ trụ trở lên, nghĩa là thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, Đẳng giác. 41 địa vị này ở trong cõi thật báo, không phải người thường có thể ở được. Nhưng Tịnh tông rất đặc biệt, nên đây gọi là pháp khó tin. Trong tất cả kinh giáo không có nói như vậy, trong quốc độ của chư Phật cũng chưa từng thấy, chưa từng nghe. Duy chỉ ở thế giới Cực Lạc không giống nhau, nó rất đặc thù. Người ở trong cõi phàm thánh đồng cư, vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, cũng làm A Duy Việt Trí Bồ Tát. A Duy Việt Trí Bồ Tát, nói cho chư vị biết chính là cư dân của cõi thật báo, địa vị thấp nhất đều là Viên giáo sơ trụ. Theo thói quen của người xưa chúng ta nói, mỗi người đều là người minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, họ không phải người bình thường. Như vậy là sao? Trong kinh nói một cách rất rõ ràng, là oai thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì. Như vậy mới biết, ngày nay chúng ta học Phật, muốn ngay trong đời này giải thoát. Vĩnh viễn thoát ly lục đạo, mười pháp giới, đến thế giới Cực Lạc, như vậy là đã thành Phật, vì sao vậy? A Duy Việt Trí nghĩa là đã làm Phật, viên chứng tam bất thoái, viên mãn! Nghĩa là ta đều chứng được cả ba loại bất thoái. Đây là vị bất thoái, vị bất thoái là A la hán, hành bất thoái là Bồ Tát, niệm bất thoái là Phật. Quý vị hoàn toàn chứng được, vĩnh viễn không thoái chuyển, đến thế giới Cực Lạc, nhất định chứng được quả vị Diệu giác. Thế giới Cực Lạc bảo đảm cho quý vị, pháp môn vô cùng thù thắng. Đây là nói, trí thứ nhất là nhất thiết trí, nhất thiết trí là vạn pháp giai không.