/ 600
543

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 160

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 08.10.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 185, hàng thứ tư từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ thứ bảy.

“Thập hiệu, thứ bảy: Vô Thượng Sĩ. Sĩ là người, tối thắng trong con người, gọi là Vô Thượng Sĩ”.

Chúng ta xem phần trích dẫn trong Kinh Niết Bàn bên dưới. “Kinh Niết Bàn nói: Như Lai gọi là Vô Thượng Sĩ, ví như thân người, đầu là cao nhất, không phải các chi như tay chân. Phật cũng như vậy, là bậc tôn thượng nhất, không phải pháp tăng”.

Sĩ, nghĩa này có mấy cách giải thích. Thứ nhất Sĩ là người, quý vị xem người Trung quốc thường hay gọi nam sĩ, nữ sĩ. Đây là xưng hô người, nghĩa là con người. Xã hội ngày xưa có bố giai cấp: Sĩ nông công thương, sĩ nông công thương đều là người. Người như thế nào mới gọi là sĩ? Thông thường chỉ người đọc sách, hiện nay gọi là phần tử tri thức. Ý nghĩa sâu sắc hơn, sĩ tức là có đức hạnh, có học vấn, có trí tuệ, là thánh hiền nhân mới gọi là sĩ. Trong xã hội thường gọi là cao sĩ, nghĩa là người có đức hạnh, có học vấn, mới có được tôn xưng này.

Phật cũng xưng là sĩ, ở trước thêm vào hai chữ Vô Thượng. Từ đó cho thấy, ở đây nói đến sĩ, trong cách xưng hô thông thường của chúng ta, đây là thánh nhân, hiền nhân, trong Phật pháp xưng là Vô Thượng. Vì trong Phật pháp gọi là thượng sĩ, có A la hán. A la hán còn có ở trên, có Bồ Tát, trên Bồ Tát vẫn còn, đó là Phật. Phật là cao nhất, nên xưng Phật Vô Thượng Sĩ chính là ý này.

Trong Kinh Niết Bàn dùng ví dụ để nói rõ. Như Lai gọi là Vô Thượng Sĩ, nghĩa là Phật gọi là Vô Thượng Sĩ, bên dưới có ví dụ. Ví như thân người, đầu là cao nhất, tay chân, thân thể đều không phải cao nhất. Nên Phật cũng như vậy, là bậc tôn quý hơn cả, tôn quý hơn pháp, tôn quý hơn tăng, nghĩa là nói cao hơn pháp và tăng. Phật không xuất thế, thế gian này không có Phật, như vậy tối thượng nhất là gì? Nói cho chư vị biết, pháp là cao nhất, Phật không trú thế pháp là tối thượng. Vì Tăng là những người tu học Phật pháp, chúng ta phải hiểu được ý nghĩa của Tăng, không phải chỉ riêng cho người xuất gia. Hàng tại gia xuất gia hay nam chúng nữ chúng, chỉ cần y theo kinh Phật tu hành, đều gọi là tăng. Trong tăng không có xuất gia tại gia, cũng không có nam hay nữ, gọi là Tăng đoàn.

Tăng là bốn người trở lên cùng nhau tu tập, nên nó có nghĩa của chữ “chúng”, nghĩa là đại chúng. Người xưa nói ba người là một chúng, trong Phật giáo bốn người mới gọi là chúng. Nên tăng nghĩa là chúng, tức là nhiều người. Như quân đội, quân đội nhân số rất nhiều, nhưng một người cũng gọi là quân nhân, nên một người cũng gọi là tăng, ý là như vậy. Những kiến thức của Phật học phổ thông này, chúng ta cần phải biết, không biết thường hay sanh ra rất nhiều ngộ nhận.

Bên dưới, “Lại nói”, đây cũng là trong Kinh Niết Bàn nói, ở đây nói rất rõ ràng. “Hữu sở đoạn gọi là Thượng Sĩ”, thượng sĩ có sở đoạn. “Vô sở đoạn gọi là Vô Thượng sĩ”, đoạn tức là đoạn phiền não. Còn có phiền não, còn có sở đoạn, còn sở đoạn gọi là Thượng Sĩ. Ví dụ ta đã đoạn tận kiến tư phiền não, nhưng chưa đoạn được trần sa phiền não và vô minh phiền não, còn có cao hơn. Nhưng đoạn tận kiến hoặc, có thể xưng là Thượng Sĩ, thật là Thượng Sĩ. Người xưa xưng sĩ là giành cho giai cấp sĩ đại phu, những người đọc sách, nhưng họ chưa đoạn được kiến tư phiền não. Nếu đoạn được kiến tư phiền não, đương nhiên vượt qua họ, đây là Thượng Sĩ.

Thượng Sĩ là thánh nhân, không phải phàm phu. Thánh nhân có tiểu thánh, có đại thánh. Tiểu thừa là tiểu thánh, Bích Chi Phật cũng là tiểu thánh, đều đã đoạn được kiến tư phiền não, đoạn tập khí kiến tư phiền não. Bích Chi Phật đến tập khí kiến tư phiền não đều không còn, A la hán vẫn còn tập khí. Bồ Tát đoạn trần sa phiền não, chưa đoạn được vô minh phiền não. Nên địa vị của Bồ Tát cao hơn A la hán, đương nhiên đây là Thượng Sĩ.

Đức Phật đến khởi tâm động niệm đều buông bỏ hết, thế xuất thế gian_chúng ta nói thế gian là lục đạo, xuất thế gian là tứ thánh pháp giới: Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, Phật, đây là xuất thế gian. Nói thế xuất thế gian nghĩa mười pháp giới, trong mười pháp giới nghiệp nhân đều đã đoạn tận, như vậy là không còn gì để đoạn, biến thành vô sở đoạn. Vô sở đoạn gọi là Vô Thượng Sĩ, nghĩa của tên gọi là như vậy. Không còn nữa, họ đã đoạn tận phiền não.

/ 600