/ 600
461

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 159

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 07.10.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 184, hàng thứ hai từ đếm dưới lên.

“Thứ năm: Thiện Thệ, thiện là tốt, thệ là đi, nên lại có tên là hảo khứ. Đại Trí Độ Luận nói: Hảo khứ, đối với các loại tam ma đề sâu, đi vào trong vô lượng các đại trí tuệ. Như bài kệ nói: Tất cả trí Phật là xe lớn, Bát chánh đạo đi vào niết bàn, gọi là hảo khứ”, chúng ta học đoạn này trước.

Đây là loại thứ năm trong mười loại thông hiệu của Phật, thứ năm gọi là Thiện Thệ. Những danh hiệu này toàn là đức hiệu của tự tánh, cũng là đức hiệu của Như Lai quả địa thượng. Phật đức cũng chính là đức năng của tự tánh, trí tuệ đức tướng vô lượng vô biên nói không cùng tận. Trong quá trình dạy học, Đức Phật dùng phương pháp quy nạp, đem vô lượng trí tuệ đức năng, dùng mười danh từ để tượng trưng, nghĩa là quy nạp thành mười danh hiệu. Mười tượng trưng vô tận, mười không phải chữ số. Trong mỗi câu, hàm nghĩa đều sâu rộng vô cùng, mỗi người chúng ta đều có phần. Đây là phương pháp vô cùng thù thắng trong đại thừa. Vậy kinh Phật đã nói những gì? Toàn là nói bản thân, ngoài bản thân ra, Đức Phật không có gì để nói cả, đều là nói bản thân.

Thiện, thông thường chúng ta gọi là tốt. Nhưng tốt ở đây thực tế mà nói, vẫn không cách nào hình dung được nó. Trong kinh Phật, trong văn tự, cổ nhân chúng ta cũng nói bản tánh vốn thiện. Nên biên soạn sách giáo khoa cho nhi đồng, đó là cho trẻ con đọc. Khi nhập môn, sơ học là đọc Tam Tự Kinh. Hai câu trước trong Tam Tự Kinh: “nhân chi sơ tánh bổn thiện”, ý chữ thiện đó và thiện ở đây tương đồng, tương đồng với thiện của thiện thệ. Ý nghĩa rất rộng, không phải thiện của thiện ác. Nếu chúng ta xem nó thành thiện của thiện ác, như vậy thì quá cạn cợt. Sự tốt đẹp của tự tánh không thể hình dung được, chỉ dùng một chữ để tượng trưng, nghĩa là tốt cực kỳ! Chúng ta bình thường tán thán hình dung, tốt cực kỳ, chính là ý này. Thệ là khứ, nghĩa của khứ là đã qua rồi, nên nối lại với nhau có nghĩa là hảo khứ. Hảo khứ có rất nhiều cách nói.

Bên dưới Hoàng Niệm Tổ trích dẫn Đại Trí Độ Luận, giải thích trong Đại Trí Độ Luận. “Đại Luân nói: đối với các loại tam ma đề thâm sâu”. Tam ma đề là tiếng Phạn. Ở trước chúng ta đã đọc rất nhiều, đặc biệt là trong Kinh Hoa Nghiêm. “Tam” đây là âm tiếng Phạn, dịch sang tiếng Trung nghĩa là chánh. “Ma đề” là định, nên tam ma đề nghĩa là chánh định. Chánh định là gì? Có chánh đương nhiên có tà, không sai, có tà định. Tầng lớp của định cũng vô lượng vô biên, cảnh giới của định cũng là vô lượng vô biên. Chánh định tương ưng với tự tánh bổn định.

Quý vị xem, khi đại sư Huệ Năng khai ngộ, liền đưa ra báo cáo với Ngũ tổ. Có nói câu: “đâu ngờ tự tánh vốn không dao động”, đó chính là tự tánh bổn định. Tương ứng với tự tánh bổn định, mới có thể gọi là chánh định. Trong chánh định, vọng tưởng phân biệt chấp trước, những phiền não này đều buông bỏ hết. Nếu được định, mà chưa buông bỏ được ba loại phiền não lớn này, như vậy không gọi là chánh định.

Ví dụ thiền định thế gian, tứ thiền bát định không được coi là chánh định, đây là thiền định thế gian. Ở thế gian nó được xem là chánh định, so với xuất thế gian nó không phải là chánh định, vì sao vậy? Nó không vượt thoát được luân hồi lục đạo, nhưng định công này có thể ra khỏi dục giới. Đạt được công phu này, tương lai họ được sanh vào Trời sắc giới, sanh vào Trời vô sắc giới, phước báo rất lớn, nhưng không thể vượt thoát lục đạo. Hay nói cách khác, định công này có tính thời gian, thời gian đều rất dài. Khi định công mất đi, vẫn phải tùy nghiệp lưu chuyển. Trong đời quá khứ tạo nghiệp thiện thì sanh vào ba đường lành, ác nghiệp sanh vào ba đường ác. Nên biết được chân tướng sự thật này, mới thấy rất đáng sợ, điều này rất phiền phức. Mỗi chúng ta ở trên thế gian này, không phải một đời một kiếp. Quá khứ quả thật là vô lượng kiếp đến nay, đều đang lưu chuyển trong sanh tử, quý vị xem đã kết duyên với bao nhiêu chúng sanh? Kết duyên, duyên có thiện duyên, có ác duyên, không đếm hết, những món nợ này có thể trả được chăng? Thực tế mà nói thì không trả hết, cũng may lục đạo, mười pháp giới cũng không phải thật, từ đâu mà có? Từ mê mất tự tánh biến hiện ra. Thật sự giác ngộ, vấn đề này hoàn toàn được giải quyết. Giác ngộ là sao? Đã tỉnh. Chưa tỉnh thì giống như trong giấc mộng vậy, trong mộng có luân hồi lục đạo. Tỉnh lại là không còn, lục đạo liền biến mất. Chúng ta ở trong lục đạo, vô lượng kiếp đến nay ở trong lục đạo tạo ra những hành nghiệp này, không phải biến mất tất cả rồi sao? Đây là thật, xóa bỏ toàn bộ, không còn có món nợ này nữa. Quý vị không ra khỏi lục đạo, phiền phức này rất lớn, nghĩa là đời đời kiếp kiếp không bao giờ dứt, đây là chân tướng sự thật. Thấu triệt những chân tướng sự thật này, ta mới biết được Chư Phật Bồ Tát từ bi. Vấn đề này ngoài Phật Bồ Tát ra, không ai giải quyết được. Phật Bồ Tát không phải là người nhiều chuyện, chỉ cần thế gian này có người có thể giải quyết được vấn đề này, ngài sẽ không xuất hiện ở thế gian này, ngài sẽ không đến nữa. Vì sao vậy? Vấn đề này bản thân quý vị có thể giải quyết. Thực tế không có cách giải quyết, ngài không đến không được, đây gọi là đại từ đại bi. Những đạo lý, chân tướng sự thật này, chúng ta đều phải hiểu rõ ràng. Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói một cách tuyệt đối. Vạn sự vạn vật giữa vũ trụ này từ đâu mà có? Từ ý niệm. Trong kinh luận của Pháp tướng tông nói, tâm hiện thức biến, “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, nói rất hay. Mãi đến nay, các nhà khoa học mới chứng minh được, điều này quả thật không dễ.

/ 600