/ 600
603

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 154

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 01.10.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 179, quyển thứ hai, bắt đầu xem từ đầu quyển thứ hai.

Quyển này từ phẩm thứ tư của kinh là “nhân địa Pháp Tạng” đến phẩm thứ mười đều là những phẩm nguyện tác Phật. Trần thuật tường tận về Di Đà nhân địa, thấy Phật nghe pháp, sơ phát đại tâm, năm kiếp tinh cần, kết được đại nguyện. Câu này là nói rõ về việc trần thuật tường tận nhân địa của Phật A Di Đà, làm cho chúng ta biết được Thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà là từ đâu mà có. Đoạn kinh văn này có thể nói là lịch sử của Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, chúng ta học Tịnh Độ không thể không hiểu biết. Thực sự nhận biết, hiểu rõ đối với Thế giới Cực Lạc, đối với Phật A Di Đà mới có thể sanh khởi tín tâm. Ngài không phải là thần tiên, không phải là từ không mà sanh có. Ngài đích thực là có lai lịch, cho nên chúng ta nhìn thấy Phật A Di Đà, nhân địa tu hành trong đời quá khứ, ngày nay thành Phật rồi, lúc nhân địa thấy Phật, duyên này vô cùng thù thắng, thấy Phật nghe pháp, đây đều là điều chúng ta nên học tập. Chúng ta nhìn thấy nhân địa của Di Đà rồi nghĩ đến bản thân mình, bản thân chúng ta ngay trong đời này, có gặp Phật hay không? Có nghe được pháp hay không? Nói thật tình thì mỗi người đều có nhân duyên, có người đạt được rồi, có người bỏ lỡ ngay trước mặt, đó là nguyên nhân gì? Mỗi người chướng hoặc không giống nhau, tức là mức độ nghiệp chướng mê hoặc không giống nhau. Có duyên với Phật với tất cả chúng sanh cũng có sâu cạn khác nhau. Có người duyên rất cạn, có người duyên rất sâu. Người duyên sâu có thể thân cận thời gian dài. Người duyên cạn ngay trong đời này hoặc là chỉ có thể gặp được một lần, hai lần, ba lần, đây là người duyên cạn. Nhưng bất luận là duyên sâu hay duyên cạn, không có ai không đạt được lợi ích. Người duyên sâu, nếu họ thực sự nắm bắt được, ngay trong đời này có thể thành tựu. Người duyên cạn, luôn trồng thiện căn, đều là nguyên do đời sau kiếp sau tu hành chứng quả. Vì thế mỗi một người ngay trong đời này, cho dù đời này chỉ nghe qua một câu danh hiệu Phật, tượng Phật chỉ thấy qua một lần, công đức đều không thể nghĩ bàn. Ở trong kinh giáo Phật dạy chúng ta, Ngài nói: một lần lướt qua nhĩ căn thì chủng tử kim cang đã gieo trồng rồi, vĩnh viễn sẽ không bị mất, sau này lúc nào gặp được duyên, chủng tử này nó sẽ thành thục. Vậy chúng ta liền hiểu được chúng ta trong đời này gặp Phật nghe pháp, duyên rất sâu! Chắc chắn nhân này đều là trong đời quá khứ đã gieo trồng. Có thể là vô lượng kiếp trước trồng được. Đời này lại gặp được. Chủng tử này khởi hiện hành, sản sanh sức mạnh, làm cho chúng ta đối với Phật Pháp đối với Tịnh Tông, sanh tâm hoan hỉ mà hướng đến. Hi vọng đời này cũng có thể sanh vào Tịnh Độ, thân cận Phật A Di Đà, đều không phải là ngẫu nhiên.

Sau khi gặp Phật nghe pháp, điều quan trọng nhất là phát tâm. Không phát tâm, thì đời này sẽ luống qua. Thực sự phát tâm, lại chăm chỉ tu hành, tu hành này cổ đức thường nói: trường thời huân tu, ở đây chúng ta cũng nhìn thấy nhân địa của Phật A Di Đà, Ngài dùng thời gian bao lâu? Năm kiếp. Một kiếp là bao lâu. Kiếp ở trong kinh nói không nói là tiểu kiếp, chắc chắn chính là đại kiếp. Một đại kiếp là thế giới của chúng ta, thế giới gì? Thế giới Ta bà. Đây là đại thế giới. Thế giới này thành trụ hoại không năm lần, thành trụ hoại không một lần gọi là một đại kiếp, thành trụ hoại không năm lần. Hiện tại các nhà khoa học nói là tính chu kỳ. Đại vũ trụ vẫn có tính chu kỳ, có tính chu kỳ này, quí vị liền biết thời gian ngài tu hành dài biết bao, không phải là thời kỳ ngắn. Thời gian dài như vậy dũng mãnh tinh tấn, mới kết được đại nguyện. Đại nguyện này chính là 48 nguyện. Trong phẩm thứ sáu của bản kinh này nói: “nhất thừa nguyện hải, lục tự hồng danh, tam căn phổ bị, vạn loại tề thu”. Bốn câu nói này là Phật A Di Đà phổ độ khắp pháp giới hư không giới. Lục đạo chúng sanh trong tất cả quốc độ của chư Phật, bốn câu này toàn đều bao gồm hết. Nguyện của Phật A Di Đà thực sự gọi là đại nguyện. Vì sao vậy? Quí vị tiếp xúc với ngài, vãng sanh Thế giới Cực Lạc thân cận Ngài, Ngài giúp quí vị thành tựu nhất thừa. Nhất thừa là thành Phật, không phải là thành Bồ Tát. Rốt ráo viên mãn thành tựu Phật quả gọi là nhất thừa. 48 nguyện giúp quí vị thành Phật, giống như Ngài vậy, không phải thấp hơn Ngài. Điều này khó biết bao, thật không dễ dàng.

/ 600