Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 153
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Liên Hải
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 30.09.2010
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 175, hàng thứ ba từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ câu cuối cùng.
Thứ chín là pháp tự tại. Bồ Tát đắc đại biện tài, ở trong chư pháp diễn thuyết rộng rãi pháp môn vô biên, vô chướng vô ngại. Đây là tự tại đối với pháp. Bồ Tát thuyết pháp không có chướng ngại. Nguyên nhân là gì? Bồ Tát kiến tánh rồi, trí tuệ, đức năng trong tự tánh đều hiện tiền. Giống như trong kinh đã nói, “sự sự vô ngại, lý sự vô ngại”. Cho nên đối với chư pháp, bất luận là pháp thế gian, ý nghĩa của chư pháp rất rộng, bao gồm cả Phật Pháp và pháp thế gian. Cũng chính là nói, tất cả pháp thế xuất thế gian, không có thứ gì là không thông, không có thứ gì không biết. Vì sao vậy? Tất cả pháp không lìa tự tánh. Tất cả pháp đều là từ trong tự tánh lưu xuất ra. Tự tánh năng sanh năng hiện. Thức năng biến. Bất luận nó biến hóa như thế nào, người kiến tánh đều hiểu rõ được, đều thông đạt, đều không có chướng ngại. Cho nên học Phật, mục tiêu chung cuộc chính là phải minh tâm kiến tánh. Đây là mục đích của việc học Phật chân chính. Kiến tánh tức là thành Phật. Phật là người giác ngộ, người hiểu rõ. Đối với tất cả pháp thế xuất thế gian đều rõ ràng, đều giác ngộ rồi. Người này được xưng là Phật. Đây là mục tiêu cuối cùng của việc tu học Phật Pháp.
Phần trước chúng ta học đến “nghiệp tự tại”, thứ tư, ở chỗ này, chúng ta bổ sung thêm vài câu. Người thế gian, bất luận là người trong nước hay là người nước ngoài, đều hi vọng biết quá khứ vị lai của bản thân. Phương pháp này rất nhiều. Phổ biến nhất không gì bằng xem tướng, đoán số mạng. Người học Phật đích thực rất nhiều, cũng không tách rời những phương pháp này. Xem tướng đoán số có linh hay không? Trong Liễu Phàm Tứ Huấn nói với chúng ta: linh, linh thật. Vì sao vậy? con người chỉ cần có ý niệm họ liền có số. Người tinh về lý số, liền có thể dựa vào tám chữ của họ mà tính, tám chữ đó phải chính xác. Không thể có một chút gì sai lệch. Có một chút sai lệch thì không chuẩn nữa. Đại bộ phận sai lệch đều sai lệch về giờ, năm, tháng, ngày thông thường sẽ không có sai lệch, sinh vào giờ nào. Trung Quốc một canh giờ là hai tiếng đồng hồ, ví dụ giờ Tý, trước giờ Tý sau giờ Tý, sự sai biệt đó sẽ khác nhau. Sự sai biệt nhỏ như vậy, không dễ dàng nhớ cho rõ ràng. Cho nên có người tính rất chuẩn, có người tính không chuẩn lắm. Tính chuẩn là thời khắc chuẩn xác.
Người học Phật có cần đoán mệnh hay không? Trong kinh Phật nói cho chúng ta rất nhiều đạo lý. Tướng do tâm sanh, cảnh tùy tâm chuyển. Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, đây đều là những điều trong kinh thường nói. Chúng ta nghe đến nỗi quen tai. Nếu như thực sự hiểu rõ đạo lý này, chúng ta còn cần đoán mệnh hay không? Không cần nữa. Phật Bồ Tát hướng dẫn chúng ta, đây là trong kinh Tiểu thừa thường nói, trong A Nan Vấn Sự Phật Cát Hung Kinh đã nói điều này rất rõ ràng. Chúng ta dựa vào điều gì để hiểu rõ cát hung họa phước, dựa vào điều gì có thể tránh hung rước cát. Đây là thường tình của nhân sinh. Điều này Phật không phản đối. Phật nói với chúng ta, chỉ cần tâm thái của quí vị tốt, vì sao vậy? Nó tùy tâm chuyển, thân tùy tâm chuyển, quí vị xem cảnh cũng tùy tâm chuyển, vậy chỉ cần tâm tốt, không có thứ gì không tốt. Thứ không tốt cũng có thể chuyển biến thành tốt, hóa hung thành kiết. Hóa tai nạn thành kiết tường. Khả năng này mỗi người đều có, không phân biệt nam nữ già trẻ, tất cả đều có. Chúng ta do đã mê rồi, không biết dùng như thế nào, Phật dạy cho chúng ta, cổ đức thường nói: sửa tâm, sửa là sửa ý niệm. Hiện tại người ta nói là tâm thái. Cổ nhân chỉ dùng một chữ tâm để nói, phải sửa tâm. Đem tâm bất thiện sửa thành tâm chơn chánh. Hiện tại chúng ta nói chỉ cần quí vị khởi tâm động niệm đều là thiện niệm, khởi tâm động niệm nói năng hành động, nhất định không có tự tư tự lợi, tai nạn của quí vị liền không còn nữa, họa hoạn liền xa lìa quí vị. Niệm niệm không có bản thân, niệm niệm, cuộc đời chúng ta trên thế gian này, mục đích ở đâu, đến đây lần này là vì điều gì?
Ở trong kinh Phật dạy chúng ta: nghiệp lực chủ tể, quí vị không thể không đến. Trong đời quá khứ tạo ra có nghiệp, gọi là “nhân sinh thù nghiệp”, điều này trong kinh Phật nói như vậy, không sai chút nào. Đã đến nhân gian rồi, chúng ta nên làm những việc gì? Chúng ta nên sửa đổi nghiệp lực của chúng ta. Chúng ta viễn ly những nghiệp bất thiện, chuyên tu thiện nghiệp. Không những tu thiện nghiệp, mà còn tu tịnh nghiệp. Tu thiện nghiệp phước báo nhân thiên. Chúng ta hiện nay đã hiểu được, phước báo nhân thiên không ra khỏi lục đạo luân hồi, không thể vượt qua lục đạo luân hồi, sau này sự việc phiền phức vẫn rất nhiều. Không nên làm những sự việc này nữa. Sự việc này không được làm, cho nên phải tu tịnh nghiệp.