Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 150
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 27.09.2010
Địa điểm: Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà_HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 173, hàng thứ bảy, bắt đầu xem từ hàng thứ bảy kinh văn:
“A nan đương tri, Như Lai chánh giác, kỳ trí nan lường, vô hữu chướng ngại”. Đây là đoạn thứ nhất, chúng ta xem tiếp. “Năng ư niệm khoảnh, trú vô lượng ức kiếp, thân cập chư căn, vô hữu tăng giảm, sở dĩ giả hà, Như Lai định tuệ, cứu sướng vô cực, ư nhất thiết pháp, nhi đắc tối thắng tự tại cố. A nan đế thính, thiện tư niệm chi, ngô đương vi nhữ, phân biệt giải thuyết”. Đoạn này chúng tôi đề trong mục nhỏ là Pháp Báo Đức Dụng, tức là tam thân tam đức của Như Lai.
“Bốn câu trước, giác trí không thể nghĩ bàn”, đây là bát nhã đức trong tam đức. “Có thể trong khoảnh một niệm đến cứu xướng vô cực”. Đây là pháp thân đức. Câu sau cùng, “đối với tất cả pháp mà được tối thắng tự tại”, giải thoát đức. Pháp thân, bát nhã, giải thoát là Như Lai ở quả địa chứng được. Đầu tiên nói ra đoạn kinh văn này, dụng ý rất sâu, chúng ta xem chú giải của Hoàng Niệm Tổ.
“Chánh giác. Chánh giác là chứng ngộ chân thật giác tri của tất cả các pháp, tức thật trí của Như Lai, nên thành Phật gọi là thành chánh giác. Như Tịnh Ảnh Sớ nói: Chánh giác Như Lai, luôn nói đến Phật trí, cho thấy bốn chữ Như Lai chánh giác, toàn biểu trưng cho trí Phật. Trí này thậm thâm, nên gọi là khó lường”. Nếu chúng ta không biết Như Lai có trí tuệ viên mãn, giác ngộ viên mãn, sẽ không có niềm tin đối với những gì ngài nói. Tất cả pháp thế xuất thế gian, quan trọng nhất là niềm tin. Nếu không có tín tâm, mọi sự đều không thể thành tựu. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “tin là chiếc nôi của mọi công đức”. Quý vị xem câu nói đó rất quan trọng, tín tâm là căn nguyên để thành Phật đạo, là mẹ của tất cả công đức. Ý này nghĩa là nói, có thể sanh ra vô lượng vô biên công đức. Đức Phật vô sở bất tri, vô sở bất năng, đây là thật ư? Toàn tri toàn năng trong một số Tôn giáo là tán thán thượng đế, thần mới có. Đức Phật là con người, con người làm sao có được. Trong kinh điển đại thừa nói: toàn tri toàn năng thần chưa chắc có, nhưng con người có. Chúng ta có thể tin chăng? Trong Phật pháp, nếu khế nhập trình độ nhất định, ta sẽ tin, nghe rõ ràng minh bạch chân tướng của nhân sinh vũ trụ, ta sẽ biết được.
Thời Ấn độ cổ có, hiện nay cũng không ngoại lệ. Chẳng qua hiện nay Phật giáo suy yếu, Bà la môn giáo cũng suy yếu, tôn giáo trên thế gian đều thể hiện nét suy yếu. Hiện tượng này không tốt, tôn giáo hiện ra hiện tượng suy thoái, thế gian này rất có thể có thiên tai. Một số tôn giáo, học phái của Ấn độ đều coi trọng thiền định. Trong Phật pháp nói tứ thiền bát định là thiền định của Bà la môn, người học Phật cũng cần học. Vì sao vậy? Vì Phật pháp là khoa học, khoa học chỉ nói đến chứng cứ, không phải nói tùy tiện. Quý vị phải đưa chứng cứ ra, người ta mới tin, không có chứng cứ, ai tin tưởng quý vị? Giáo dục phổ thế đều ở trong lục đạo, nên đối với lục đạo không thể mơ hồ. Pháp tiểu thừa trong Phật pháp, toàn nói về lục đạo, nói cao hơn các tôn giáo khác, cao ở đâu? Sau khi hiểu rõ lục đạo, làm sao ra khỏi lục đạo, cao ở chỗ này, làm sao để xuất ly? Làm sao nhận biết lục đạo? Làm sao chứng được? Như vậy phải tu định, tu tứ thiền bát định. Nếu tu tứ thiền, nói cách khác trời tứ thiền trở lên, quý vị hoàn toàn thấu rõ. Nếu tu tứ không định, đối với trạng thái trong lục đạo rõ ràng như lòng bàn tay. Trong thiền định không có tầng không gian, hoàn toàn đột phá. Vì vậy tu được tứ thiền bát định, ở trên có thể thấy được trời phi tưởng phi phi tưởng xứ, có thể tiếp xúc với họ, hiểu rõ tình trạng của họ. Nhìn xuống dưới có thể thấy được địa ngục A tỳ. Cũng tức là nói, phạm vi trong lục đạo, sự lý nhân quả trong này ta hoàn toàn thấu triệt, minh bạch tất cả. Đây không phải tưởng tượng ra, cũng không phải suy đoán ra, là chân tướng sự thật. Ấn độ cổ, trong kinh giáo học thuật đều nói rất nhiều. Trong thiền định biết được tính tự nhiên trong lục đạo, vậy nguyên do của lục đạo thì sao? Vấn đề này không thể giải quyết, vì sao có lục đạo? Do nguyên nhân gì xuất hiện lục đạo? Ngoài lục đạo ra còn có thế giới chăng? Vấn đề này tôn giáo và học phái của Ấn độ cổ đều không giải quyết được.