Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 149
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 26.09.2010
Địa điểm: Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà_HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 172, bắt đầu từ câu sau cùng hàng thứ ba:
“Duy có nhất thừa nguyện hải của Tịnh tông, sáu chữ hồng danh, mười người niệm mười người vãng sanh, vạn người tu vạn người đi, nên hơn các kinh khác. Hơn nữa thứ nhất, vãng sanh tất chứng bồ đề. Thứ hai, khi pháp diệt duy nhất còn kinh này độ thoát chúng sanh. Thứ ba, phàm thánh niệm Phật đều bình đẳng như nhau. Sớ Sao nói, sáu chữ hồng danh các thánh bình đẳng, nên nói lợi ích chân thật không gì hơn được pháp này”. Hôm qua chúng ta học đến đây thì thời gian đã hết, ý đoạn này rất thâm sâu, và vô cùng quan trọng.
Ở trước nói kinh này đầy đủ ba loại chân thật. Thứ nhất là chân thật rốt ráo, đây là nói thể của kinh, đều là tự tánh hiển lộ ra, không phải từ ý thức phát sanh ra. Phàm phu lục đạo chúng ta, bao gồm hữu tình chúng sanh trong mười pháp giới, trong này có Phật, có Bồ Tát. Tất cả mọi tư tưởng, đều không tách rời tâm ý thức. Nói cách khác, là từ trong tâm ý thức hiển lộ ra, tâm ý thức là vọng tâm, là A lại da. Vọng tâm cũng có thể, thể của vọng tâm là A lại da. A lại da là tạng thức, Mạt na là chấp trước, là ý căn. Thức thứ sáu là phân biệt, là ý thức. Thật sự khởi tác dụng chính là vọng tâm. A lại da là y tự tánh biến hiện ra, nên Pháp tướng tông nói nó nữa chân nữa vọng. Thể của nó là tự tánh, tác dụng và hiện tượng của nó là hư vọng. Đây là hiện tượng do nhất niệm bất giác sanh ra, mê không phải thật, mê là hư vọng.
Cho nên thể của tất cả kinh, Phật và pháp thân Bồ Tát, là từ tự tánh hiển lộ ra. Vì thế mới nói pháp môn bình đẳng, không có cao thấp, cùng một tánh thể, chân thật rốt ráo.
Trong kinh này quan trọng nhất là nói với chúng ta về lợi ích chân thật. Lợi ích là nói hiện tại, hiện tại chúng sanh mê mất tự tánh, sai biệt hoàn toàn, mỗi người khác nhau, mê không giống nhau. Nói cách khác, trình độ mỗi người đều khác nhau. Học cùng một lớp, có bốn năm mươi học sinh, khi thi cử vẫn có hạng thứ nhất đến hạng 50, không có hai người cùng một hạng. Ở đây nói rõ điều gì? Chứng minh căn tánh không giống nhau. Nên Phật mới đại từ đại bi, mở cánh cửa phương tiện cho chúng ta, đây chính là lợi ích chân thật. Vì lợi ích chân thật của mỗi người, lợi ích chân thật của mỗi người đều khác nhau, mở ra pháp môn này. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, tám vạn bốn ngàn pháp môn là từ cương lĩnh mà nói. Nghĩa là có tám vạn bốn ngàn loại, trong mỗi loại là vô lượng vô biên. Nên trong tứ hoằng thệ nguyện nói: “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, vô lượng này là thật không phải giả. Học để làm gì? Không phải vì chính mình, mà vì tiếp dẫn chúng sanh, mới học vô lượng pháp môn. Nếu vì chính mình thì sao? Vì bản thân thì đây chính là viên thành Phật đạo, một pháp môn là đủ. Pháp môn nào? Từ trên lý mà nói, pháp môn nào cũng được. Nhưng từ trên căn tánh mà nói, thì có khó và dễ khác nhau. Nếu không khế hợp căn cơ quý vị, khi tu học rất khó, không dễ thành tựu. Nếu khế hợp căn cơ, khi tu học tiện lợi dễ dàng hơn. Đời này có thể đạt được lợi ích rất thù thắng.
Chỉ nói riêng về khế cơ, Phật A Di Đà rất đặc biệt, điều này không phải tất cả chư Phật đều nghĩ đến, Phật cũng không nghĩ. Khi Phật A Di Đà nghĩ đến, không phải nghĩ đến khi thành Phật, thành Phật không nghĩ đến. Nghĩ đến lúc còn ở trong nhân địa, khi còn làm Bồ Tát. Thấy pháp giới hư không giới, trong vô lượng vô biên cõi nước chư Phật, có lục đạo chúng sanh. Điều này chúng ta thấy trong Kinh Hoa Nghiêm, ở phẩm Hoa Tạng Thế Giới và Phẩm Thế Giới Thành Tựu, nhiều, rất nhiều. Có không? Có, đích thực có thế giới thanh tịnh của Chư Phật, trong thế giới đó không có lục đạo, không có thập pháp giới, thuần là Tịnh độ, không có uế độ, cũng có. Thực tế mà nói cũng không ít, nhưng có tịnh có uế, có thiện có ác, số lượng này ít nhất cũng trên một nửa. Những chúng sanh mê hoặc điên đảo này rất đáng thương, họ không hẳn là không nghĩ đến vượt thoát luân hồi, nhưng không ra được!
Tỳ kheo Pháp Tạng phát nguyện lớn như thế, nghĩ ra một pháp môn phổ độ chúng sanh. Cương lĩnh nguyên tắc chung không thay đổi, muốn độ chúng sanh trước phải độ bản thân. Muốn giúp người khác, bản thân không có đức hạnh, như vậy thì giúp thế nào? Cần phải có đức hạnh, có trí tuệ mới có thể giúp được. Nên tỳ kheo Pháp Tạng ở nơi nhân địa phát ra 48 lời nguyện, 48 nguyện này chư Phật khác không có. Phát 48 lời nguyện này là vì ai? Chuyên vì lục đạo chúng sanh. Tứ thánh pháp giới tuy khổ, nhưng nhẹ hơn nhiều. Họ tu học bất kỳ pháp môn nào, chứng vô thượng bồ đề chỉ đợi thời gian mà thôi. Chỉ đợi, không gấp gáp gì. Nhưng chúng sanh trong lục đạo không có hy vọng, càng mê càng sâu, càng vào càng khổ, nên đặc biệt phát nguyện vì những chúng sanh đau khổ này. Năm kiếp tu hành, đây là từ trên thời gian mà nói, năm kiếp tu hành. Tu gì? Mỗi nguyện đều viên mãn, nguyện này đã thực hiện, quả thật có thể phổ độ chúng sanh. Chúng sanh tội nghiệp sâu nặng đến đâu cũng được độ, trừ khi quý vị không có nhân duyên, không gặp được pháp môn này. Chỉ cần gặp được pháp môn này, đầy đủ ba điều kiện: Thiện căn, phước đức, nhân duyên. Nhân duyên nghĩa là gặp được pháp môn này. Thiện căn là tin thật, nguyện thiết, quý vị tin và phát nguyện cầu sanh Tịnh độ. Có thể hành trì, chịu niệm câu Phật hiệu này.