/ 600
514

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 148

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 25.09.2010

Địa điểm: Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 170, bắt đầu xem từ hàng thứ sáu từ dưới lên.

“Ban cho lợi ích chân thật. Ban cho, tức là ban bố, cũng có nghĩa là ban ân. Lợi ích chân thật, theo ý của đại sư Thiện Đạo chỉ thệ nguyện của Phật Di Đà là lợi ích chân thật. Đại sư nói kệ rằng: Sở dĩ Như Lai xuất hiện ở đời, là để nói bổn nguyện hải của Phật Di Đà”. Chúng ta xem câu này.

Trong bộ kinh này nói về ba loại chân thật, đây là điều vô cùng hy hữu. Thế Tôn 49 năm giảng kinh thuyết pháp, ở trong một hội, rất ít khi nói ba loại chân thật. Duy nhất trong hội này, ngài nói về “chân thật rốt ráo”. Ở đây chúng ta thấy “lợi ích chân thật”, còn có một câu “trí tuệ chân thật”. Chân thật trí tuệ là nói về tự tánh, tánh đức viên mãn. Hiện nay từ trên lợi ích mà nói, lợi ích này là đối với chúng sanh. Cũng chính là nói, tất cả giáo huấn của 49 năm, lợi ích chân thật nhất không qua lần tuyên giảng này. Từ chân thật rốt ráo mà nói, có thể nói tất cả kinh Đức Phật nói trong suốt 49 năm, đều không tách rời, toàn là trong tự tánh hiển lộ ra. Đây gọi là khế lý, kinh được gọi là khế kinh. Trên khế với lý đức Phật chứng được, đây là rốt ráo chân thật, nên nó không phải giả. Lợi ích chân thật thì sao? Đây là nói khế cơ. Đức Phật nói tất cả kinh, chưa chắc có thể khế với căn cơ của tất cả chúng sanh. Cho nên hàng đương cơ được lợi ích, không đương cơ họ không được lợi ích. Nhưng duy nhất bộ kinh này, phổ bị cả ba căn thượng trung hạ, lợi độn đều thu nhiếp, không ai không khế cơ, đây là lợi ích chân thật. Đoạn nói về lợi ích chân thật, Hoàng Niệm Tổ chú giải rất nhiều, ý nghĩa trong này vô cùng phong phú.

Đầu tiên nói đến huệ. Huệ là bố thí, nghĩa là ban cho: “Huệ là ban bố, là bố thí”, cũng có nghĩa là ban ân, trên đối với dưới. Ngày xưa đế vương ban bố cho thần dân, đây là ban ân. Lợi ích chân thật, Hoàng Niệm Tổ nương theo ý của đại sư Thiện Đạo. Đại sư Thiện Đạo người thời nhà Đường, đầu thời nhà Đường, là tổ sư đời thứ hai của Tịnh độ. Truyền thuyết rằng ngài là Phật A Di Đà tái lai. Trước đây chúng tôi từng đến Nhật bản phỏng vấn nhiều lần, giao lưu nhiều lần cùng với các cao tăng Tịnh độ Nhật bản, chúng tôi nhắc đến vấn đề này. Ngày xưa có người nói: Đại sư Thiện Đạo là Phật A Di Đà tái lai. Người Nhật bản quý vị đối với câu chuyện này có nhận xét gì? Các bậc cao tăng Nhật bản đều nói, thật vậy, người Nhật bản chúng tôi thừa nhận. Nên người Nhật bản đối với đại sư Thiện đạo đặc biệt tôn kính, khắp nơi đều có thể thấy tượng của đại sư Thiện Đạo, tượng của họ đa phần là tượng bằng đá. Có tượng bằng đá, có tượng bằng gỗ, cũng có tượng bằng đất, rất phổ biến, ở Trung quốc không nhìn thấy. Thậm chí rất nhiều đạo tràng Tịnh độ tông, đều dùng mệnh danh của đại sư Thiện Đạo gọi là Chùa Thiện Đạo. Quý vị thấy Chùa Thiện Đạo, tức là đạo tràng của Tịnh độ tông. Cho thấy, sự tôn sùng của họ đối với đại sư Thiện Đạo, khiến chúng ta có thể tưởng tượng được. Đương thời Nhật bản phái rất nhiều người xuất gia, đến Trung quốc học tập. Có thể trong số đó rất nhiều người là đệ tử của đại sư Thiện Đạo, đến Trung quốc thân cận đại sư Thiện Đạo, học tập theo ngài. Sau đó đem Tịnh độ tông truyền đến Nhật bản, truyền đến Hàn quốc.

Đã là Phật A Di Đà tái lai, lời của ngài Thiện Đạo đồng nghĩa với Phật A Di Đà tự thân tuyên thuyết. Ý của đại sư Thiện Đạo là chỉ Di Đà thệ nguyện, nghĩa là 48 nguyện, 48 nguyện là lợi ích chân thật. Nên đại sư có hai câu nói, đây là bài kệ, truyền bá rất rộng. Người tu Tịnh độ không ai không biết hai câu này, ngài nói: “Sở dĩ Như Lai xuất hiện ở thế gian, duy chỉ nói Di Đà bổn nguyện hải”. Không riêng gì chỉ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mà mười phương thế giới quá khứ, hiện tại, vị lai chúng sanh có cảm, Phật liền có ứng. Khi Phật ứng hóa, giống như trong Phẩm Phổ Môn nói: cần lấy thân Phật để được độ thoát, ngài liền hiện thân Phật để thuyết pháp, đây gọi là Như Lai xuất thế. Như Lai xuất hiện ở thế gian này, để làm gì? Duy nhất là giới thiệu với đại chúng về thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà, chính là vì vấn đề này. Nói cách khác, đây là đại sự duy nhất khiến tất cả Chư Phật Bồ Tát xuất hiện tại thế gian, đại sự nhân duyên. Chính là giới thiệu Tịnh độ cho chúng ta, giới thiệu thế giới Cực Lạc cho chúng ta. Các kinh giáo khác đều là nói thêm. Thế gian này vẫn còn rất nhiều căn cơ, nên nói những điều hợp với căn cơ khác nhau để giúp quý vị, chính là ý này. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, một đời của Đức Thế Tôn có nói hết chăng? Không có, chọn ra mấy pháp môn trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, không phải có ý chọn, là căn cơ của chúng sanh cảm ứng khác nhau. Chúng sanh có cảm, Phật liền có ứng. Có căn cơ của loại này, Phật liền nói kinh giáo của loại này. Suốt 49 năm, những kinh luận Phật nói không nhiều, trong tình hình này chúng ta biết. Nhưng lợi ích chân thật của Phật đối với tất cả chúng sanh, là giúp tất cả chúng sanh vĩnh viễn thoát ly luân hồi trong đời này, vĩnh viễn ra khỏi mười pháp giới, siêu xuất mười pháp giới, một đời thành Phật. Đây là nguyện vọng bậc nhất mà Chư Phật Bồ Tát ứng hóa đến thế gian. Nếu như nghiệp chướng nặng nề, không có nhân duyên này, nghĩa là nói rồi quý vị cũng không tin, không lý giải được, không thể nương theo pháp môn này tu học, Đức Phật liền dùng phương pháp khác giúp quý vị, giúp quý vị nâng cao cảnh giới. Phương pháp này có thể tin, có thể hiểu, có thể hành trì, là giúp ta một đời thành Phật. Không thành Phật được cũng giúp quý vị nâng cao cảnh giới, Đức Phật từ bi biết bao. Bởi thế pháp môn này là lợi ích cứu cánh viên mãn, quả là khó được. Chúng ta phải ghi nhớ hai câu nói này của đại sư Thiện Đạo.

/ 600