/ 600
476

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 145

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 16.09.2010

Địa điểm: Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 167, bắt đầu xem hàng thứ sáu của kinh văn, chúng ta đọc qua phần kinh văn một lượt.

“Ư thị Thế Tôn, cáo A nan ngôn: Thiện tai thiện tai! Như vi ai mẫn lợi lạc, chư chúng sanh cố, năng vấn như thị vi diệu chi nghĩa. Nhữ kim tư vấn, thắng ư cúng dường nhất thiên hạ A la hán, Bích Chi Phật, bố thí lũy kiếp chư thiên nhân dân, quyên phi nhuyễn động chi loại, công đức bá thiên vạn bội. Hà dĩ cố? Đương lai chư thiên nhân dân, nhất thiết hàm linh, giai nhân nhữ vấn, nhi đắc độ thoát cố”.

Đoạn này là kinh văn, giới thiệu sơ lược với quý vị về việc A nan đề xuất thỉnh Phật thuyết pháp. Đức Thế Tôn khen ngợi khởi thỉnh của ngài, đáp ứng thỉnh cầu của Tôn giả. Nguyên nhân là gì? Thứ nhất, Đức Phật thuyết bộ kinh này vô lượng hoan hỷ, phóng ánh sáng hiện tướng hy hữu. Tôn giả A nan là thị giả của Phật, mỗi lần Phật giảng kinh ngài đều nghe. Nhưng hôm nay phóng ánh sáng là toàn thân phóng ánh sáng, trong ánh sáng còn có mười phương cõi Phật. Đoan tướng hy hữu như vậy, trước đây ngài chưa từng thấy, nên cầu thỉnh Thế Tôn nói ra nguyên nhân đạo lý này.

Đức Phật vô cùng hoan hỷ, thấy như thế nào? Nhân duyên của chúng sanh đã thuần thục, nhân duyên gì? Cơ duyên thành Phật đã chín muồi. Quý vị nói điều này hy hữu biết bao, còn hy hữu hơn cả Hoa Nghiêm, Pháp Hoa. Bất kỳ ai, chỉ cần gặp được kinh này có thể tin, có thể hiểu, bèn đạt được đại viên mãn.

Khi tôi mới học Phật, thầy giới thiệu Phật pháp cho tôi, thầy nói: Học Phật là sự hưởng thụ cao nhất của đời người. Nếu nói ở trong pháp hội này, tức là đại hộ Kinh Vô Lượng Thọ này, đó đúng là hưởng thụ thuộc đỉnh cao nhất của đời người, đây là đỉnh điểm, không có gì thù thắng hơn. Nên Đức Phật liền phóng quang hiện tướng hy hữu, A nan khen ngợi là điều chưa từng có, đây là trú trong pháp đặc biệt. Quả thật rất hy hữu, vô cùng đặc biệt. Đây nghĩa là nhân duyên của chúng sanh đã thuần thục, duyên chưa thuần thục, nói cũng vô ích, vì sao vậy? Vì họ không thể tin, không thể lý giải, không thể y theo phương pháp này để tu học, nên họ cũng không thể thành tựu. Ngài thấy nhân duyên đã thuần thục, lại gặp được ngài A nan thấy phóng quang hiện tướng tốt này, khiến ngài cảm động liền thay mặt đại chúng đến khởi thỉnh Phật. Nên Phật khen ngợi ngài A nan: “Lành thay, lành thay”, ý nghĩa hai chữ lành thay này rất thâm sâu.

Chúng ta xem chú giải của Hoàng Niệm Tổ: “Đoạn bên phải”, tức đoạn kinh văn ta vừa mới đọc, “là lời Bổn Sư trả lời câu hỏi”. Bổn Sư là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, điều này chư vị cần phải ghi nhớ. Bổn là căn bản, là bậc thầy khai sáng nền giáo dục Phật giáo, gọi là Bổn Sư, người thầy căn bản.

Người trung quốc tôn sùng Khổng tử là Chí Thánh Tiên Sư, nên giáo dục ngày xưa là giáo dục của thánh hiền. Đất nước này có 5000 năm lịch sử, là chính trị của thánh hiền, chúng ta phải hiểu điều này. Một số người gọi là phong kiến, đây là do hiểu chưa sâu sắc. Nếu hiểu sâu sắc thì như thế nào? Chính trị và giáo dục là liên thông, giáo dục là giáo dục thánh hiền, như vậy chính trị sao biến thành chuyên chế được? Làm gì có đạo lý này! Chính trị của thánh hiền, chính trị của thánh hiền thật sự là đại đồng. Đại đồng không phải lý tưởng, ngày xưa từng xuất hiện. Khổng tử đối với vấn đề này, thường để trong lòng, luôn nghĩ có thể sáng kiến đại đồng.

Đại đồng là thời kỳ nào? Là vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Vũ, ba đời này là thời kỳ đại đồng. Trong Lễ Vận Đại Đồng Thiên nói, tức là chính trị của thời đó. Người lãnh đạo quốc gia không hề có tư tâm, toàn tâm toàn lực vì nhân dân. Lúc đó thiên hạ là của chung, không phải truyền ngôi cho con mình, mà truyền lại cho hiền nhân. Hiền nhân được tuyển chọn trong xã hội. Khi Nghiêu làm thiên tử, nghe nói Thuấn rất hiếu thuận. Nên ngày xưa điều kiện tuyển cử chính là hai chữ: Một là hiếu, hai là liêm. Nếu con người biết hiếu thuận, họ có thể trung với đất nước, trung với nhân dân. Nếu con người biết liêm, nhất định sẽ không tham ô. Nên mấy ngàn năm này chính phủ dùng người, lấy hai chữ này làm tiêu chuẩn. Cử hiếu liêm, cử là tuyển cử, ai tuyển cử? Quan viên địa phương tuyển cử, đem việc tuyển cử thành hạng mục đầu tiên vào trong thành tích chính trị của họ. Nếu họ làm quan ở đây ba năm, làm huyện thị trưởng ba năm, mà không chọn cho quốc gia được một người hiếu liêm, như vậy là thành tích chính trị của họ chưa đạt. Hay nói cách khác, họ sẽ bị điều chức, không thể tiếp tục ngồi ở vị trí này nữa.

/ 600