/ 600
702

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 144

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 15.09.2010

Địa điểm: Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 166, hàng thứ năm, bắt đầu xem từ câu sau cùng. “Ngày nay Đức Thế Tôn diễn nói diệu pháp của Phật Di Đà, trú vào chỗ của Phật Di Đà trú, làm việc mà Phật Di Đà làm, nghĩ điều Di Đà nghĩ, nên gọi là trú vào đạo tối thắng nơi Chư Phật trú”. Đoạn này là giải thích tổng kết của “đạo tối thắng”, ý nghĩa rất thâm sâu, chúng ta cần phải nỗ lực học tập.

Đức Thế Tôn ở trong lần đại hội này_giống như chúng ta tổ chức hoạt động giảng tòa vậy, đem thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà giới thiệu cho chúng ta, nên pháp hội này hiển lộ sự thù thắng tột cùng. Lúc này Thế Tôn cũng vô cùng hoan hỷ, phóng quang hiện tướng đoan nghiêm. Chúng ta căn cứ vào lời Tôn giả A Nan nói, ngài là thị giả của Phật, ngài nói xưa nay chưa từng thấy nhân duyên thù thắng như bây giờ, cũng biết lần này Thế Tôn diễn giảng nhất định có sự khác thường. Hiển thị pháp môn này trong nhất đại thời giáo_tức 49 năm giảng kinh dạy học của Đức Thế Tôn, là pháp môn hy hữu bậc nhất giới thiệu cho chúng ta.

Sở trú, sở hành, sở niệm của Phật, chính là chữ diễn này, ngài đang thị hiện, đang biểu diễn. Vậy chúng ta muốn học cũng phải nắm bắt trú, hành, niệm, phải nắm bắt ba chữ này. Nếu chúng ta cũng có thể trú vào nơi của Di Đà trú, làm việc Di Đà làm, nghĩ điều Di Đà nghĩ, chúng ta liền khế nhập vào được pháp môn này. Lợi ích thù thắng vô lượng trong pháp môn, đời này chúng ta có thể đạt được. Lợi ích thù thắng vô cùng này nghĩa là viên mãn chứng được vô thượng bồ đề, như vậy thì hy hữu, khó được biết bao.

Nơi trú của Di Đà, Phật A Di Đà trú ở đâu? Theo nghĩa rộng mà nói chính là 48 nguyện. Phật A Di Đà kiến lập thế giới tây phương Cực Lạc, là vì phổ độ hết thảy chúng sanh khổ nạn trong pháp giới hư không giới. Khổ nạn này là nói đến lục đạo, lục đạo chúng sanh quá khổ, quá đáng thương. Đây là từ bi vô tận của Phật Di Đà, thương xót những chúng sanh này, muốn giúp những chúng sanh này. Phương pháp quá kỳ diệu, không cần đoạn hoặc. Chỉ cần sanh đến thế giới Cực Lạc, ngài liền có phương pháp khiến những chúng sanh này nhanh chóng chứng được đạo vô thượng, “đạo tối thắng”. Duyên này quá hy hữu, quá thù thắng, Phật Di Đà đã nghĩ đến, ngài dùng phương pháp rất đơn giản. Cho nên nơi Phật Di Đà trú, nói một cách đơn giản là trú ở đạo làm sao để độ thoát chúng sanh. Đạo này là đạo lý, là phương pháp, dùng phương pháp như thế nào, dùng đạo lý gì, có thể khiến tất cả chúng sanh thành tựu đạo tối thắng. Từ đó cho thấy, trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, công việc, xử sự, đối nhân, tiếp vật mỗi niệm không quên.

Câu kinh văn ở dưới đã nói ra tất cả: “Quá khứ, vị lai, hiện tại, Phật Phật tương niệm”. Phật A Di Đà niệm tất cả chư Phật, tất cả chư Phật không có vị nào không niệm Phật A Di Đà, vì sao vậy? Vì niệm Phật thành Phật. Đạo lý Đức Phật nói rất nhiều, nói rất rõ ràng. Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh. Phật A Di Đà là từ tâm tưởng sanh, thế giới Cực Lạc cũng từ tâm tưởng sanh. Tâm nghĩ đến Phật A Di Đà, tâm nghĩ đến thế giới Cực Lạc, làm gì có đạo lý không sanh Tịnh độ!

Cho nên pháp môn này, đại sư Ngẫu Ích nói rất hay, có ba điều kiện cơ bản để vãng sanh là tín, nguyện, hạnh. Tín là điều kiện đầu tiên, hoàn toàn kính ngưỡng tin tưởng khẳng định, hoàn toàn không có hoài nghi. Bất luận là căn tánh nào, ba căn thượng trung hạ đều không có gì khác. Chúng ta thấy ngày nay những người tu học pháp môn Tịnh độ rất đông, rất nhiều người niệm Phật, nhưng người vãng sanh không nhiều, thậm chí niệm Phật mà bị đọa địa ngục.

Trước đây tôi theo thầy Lý học kinh giáo, lần đầu tiên thấy Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Chương Sớ Sao của pháp sư Từ Vân Quán Đảnh, viết vào năm đầu vua Càn Long thời nhà Thanh. Pháp sư Từ Vân Quán Đảnh là một bậc cao tăng nổi tiếng, thông tông thông giáo, hiển mật viên dung, trước tác rất nhiều. Vạn Tục Tạng của Nhật Bản sưu tập hơn 20 loại kinh chú và luận thuật của ngài, rất phong phú. Cuốn sách nhỏ đó là ngài chú giải Chương Viên Thông của Kinh Lăng Nghiêm.

/ 600