/ 600
680

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 142

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 13.09.2010

Địa điểm: Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 164, hàng thứ 4, bắt đầu xem từ câu thứ nhất.

“Duy chỉ có pháp môn Tịnh độ trong kinh này, đã là kỳ lạ nhất, lại là đặc biệt nhất. Bên dưới theo Phẩm Bảo Liên Phật Quang trong kinh, từ y chánh, quả báo, chủ bạn, một nhiều vân vân, đã nói rõ. Theo thường tình mà nói, hoa sen trong hồ, là y báo. Nếu nói là y báo, nhưng mỗi một hoa phóng ra ba mươi sáu trăm ngàn ức ánh sáng, trong mỗi ánh sáng xuất hiện ba mươi sáu trăm ngàn ức vị Phật. Cho thấy Đức Phật hiện ra từ hoa, nên gọi là ngoài hoa không có Phật, nên không thể nói là y báo”. Chúng ta bắt đầu xem từ đoạn này, đây là giải thích một câu trong kinh văn: “Trú kỳ đặc pháp”, ở trước chúng ta đã nói rất nhiều.

Trong kinh điển đại thừa, có nói đến kỳ lạ, cũng có nói đến đặc biệt, nhưng hai chữ kỳ đặc liền nhau thì rất ít. Bởi thế chư vị cao tăng đặc biệt phân tích cho chúng ta, vì sao trong kinh dùng câu có chữ kỳ đặc này. Hoàn toàn trở về Kinh Vô Lượng Thọ, chỉ có Kinh Vô Lượng Thọ, pháp môn Tịnh tông đích thực là kỳ diệu nhất cũng là đặc biệt nhất.

Trong phẩm 21 của kinh này, phẩm Bảo Liên Phật Quang, chúng ta có thể thấy. Bất luận là từ y báo hay chánh báo, hoặc là từ nhân hay là từ quả, hoặc là từ chủ từ bạn, cho đến đối với một và nhiều. Một tức là nhiều, nhiều tức là một. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói: Một tức vô lượng, vô lượng tức một, đều xuất hiện trong kinh văn này.

Bên dưới đưa ra ví dụ: “Theo thường tình mà nói”, đối với kiến giải của thế gian chúng ta mà nói. “Hoa sen trong ao”, hoa sen trong ao thất bảo đúng ra là y báo. Người niệm Phật vãng sanh Cực Lạc trong mười phương thế giới, đều là hoa sen hóa sanh, nên hoa sen là nơi của Bồ Tát khắp mười phương vãng sanh. Thế giới Cực Lạc không có thai sanh, rất đặc biệt, đều là hoa sen hóa sanh. Hoa sen cũng là biểu pháp, duy chỉ có hoa này là nhân quả đồng thời. Trong tất cả các loài thực vật, chúng ta thấy nhất định là hoa nở trước sau đó mới kết quả, nhân quả không đồng thời, sau khi hoa rụng quả mới trưởng thành. Duy chỉ có hoa sen là nhân quả đồng thời. Quý vị xem khi hoa mới nở, trong đài sen đã có hạt, đây nói lên điều gì? Người niệm Phật. Cổ nhân nói rất hay: Một câu Phật hiệu là một vị Phật, mỗi niệm tương ưng với Phật, đây là nhân quả đồng thời. Trong các pháp môn khác không có, vì sao pháp môn này có? Pháp môn này nói với chúng ta, tất cả chúng sanh vốn là Phật, thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật. Vốn là Phật tức là thị tâm thị Phật, bây giờ quý vị niệm Phật là thị tâm tác Phật, nhân quả đồng thời. Pháp môn này đặc biệt là ở chỗ này. Đồng thời hoa sen cũng biểu trưng mọc lên từ bùn mà không nhiễm mùi bùn, rễ của hoa sen mọc ở trong bùn. Bùn là tượng trưng cho lục đạo, lục đạo gọi là cõi uế. Cành của hoa sen ở trong nước, nước tượng trưng cho cõi tịnh, nước tượng trưng tứ thánh pháp giới: Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, Phật. Hoa nở trên mặt nước, đây tượng trưng điều gì? Nhiễm tịnh nhị biên đều buông bỏ. Chẳng những nhiễm buông bỏ, mà tịnh cũng buông bỏ, hoàn toàn trở về tự tánh, tượng trưng cho ý này. Đối với thế tục mà nói, hoa sen đích thực là y báo, y báo nghĩa là hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ra, chúng ta cần phải nương vào đó mà sanh tồn.

“Nếu nói là y báo”, trong kinh nói với chúng ta “mỗi một hoa phóng ra ba mươi sáu trăm ngàn ức ánh sáng”. Đây chính là hoa sen phóng quang, mỗi đóa hoa đều phóng quang, trong quang có Phật, “trong mỗi ánh xuất hiện ba mươi sáu trăm ngàn ức vị Phật”. Số chữ này đều là biểu pháp, trong Mật tông tượng trưng cho đại viên mãn, ba mươi sáu trăm ngàn ức là tượng trưng cho ý này. Chứng minh giáo nghĩa trong bộ kinh này, có đại thừa tiểu thừa, đầy đủ tất cả giáo nghĩa của các tông phái. Có tông có giáo, có Hiển có Mật. Cho nên đây là biểu thị, kinh này có liên quan đến Mật tông. Như ở trước chúng ta nói Bồ Tát Phổ Hiền, ngài là truyền nhân sớm nhất của Mật tông. “Cho thấy Phật hiện ra từ hoa sen”, nên nói “ngoài hoa không có Phật”. Phật là chánh báo, hoa là y báo, y chánh không hai, y chánh đồng thời.

/ 600