/ 600
934

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

淨土大經解演義

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Tập 140


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm sáu mươi hai, dòng thứ tư.

“Bảo sát trang nghiêm, tập tự Tống dịch. Thượng hữu diện sắc viên mãn tứ tự” (“Bảo sát trang nghiêm”: Câu này được hội tập từ bản Tống dịch, phía trước câu này có bốn chữ “sắc mặt viên mãn”). Câu kinh văn này đọc như sau: “Diện sắc viên mãn, bảo sát trang nghiêm”. “Biểu Phật diện dung sở phóng diệu quang minh trung, ánh hiện thập phương Phật độ chi trang nghiêm bảo sát” (ý nói: Trong quang minh vi diệu phóng ra từ khuôn mặt đức Phật, hiện bóng cõi nước báu trang nghiêm của mười phương cõi Phật).

Tiếp đó là: “Sát giả, Pháp Hoa Văn Cú Ký nhị” (Sát: Theo quyển hai sách Pháp Hoa Văn Cú Ký), đây là cuốn thứ hai, “viết: Thử vân Điền” (giảng: “Cõi này nói là Điền”). “Thử” là Trung Hoa, chữ Sát (剎) được dịch sang nghĩa tiếng Hán là Điền Địa (田地). “Tức nhất Phật sở vương thổ dã. Cố tri Sát tức Phật độ, Phật quốc chi nghĩa” (tức là vương thổ của một đức Phật. Vì thế, Sát có nghĩa là cõi Phật hoặc nước Phật). Chữ Bảo Sát (寶剎) chỉ một cõi nước Phật. Nói theo cách hiện thời, sẽ là khu vực dạy học của đức Phật, chúng ta càng dễ hiểu. Do đó, Sát có nghĩa là Sát Độ (ksetra). Vào thời cổ, tại Trung Hoa, người ta dịch chữ này là Điền Địa. Thuở đức Thế Tôn tại thế, giáo học, Ngài chẳng dựng đạo tràng. Nói theo hiện thời, Ngài và Tăng đoàn sống theo phương thức du mục, không ở một nơi cố định mà di chuyển khắp nơi. Ở đâu có duyên bèn đến đó. Đức Phật vô cùng tự tại, cũng chẳng có bất cứ điều kiện gì. Người nào thành tâm thành ý đến khải thỉnh, Ngài đều chấp thuận, nhận lời mời. Vì các Ngài đều trụ trong núi, rừng, ven sông, đêm nghỉ dưới cội cây, nên chẳng cần nơi chốn riêng biệt, bất luận chỗ nào cũng đều được. Đó là phương thức giáo học của đức Thế Tôn trong thuở ấy. Chúng tôi cảm thấy phương thức này hết sức tự tại, chẳng phiền nhiễu người khác chút nào! Người lễ thỉnh rất tự tại, chẳng có bất cứ gánh nặng gì. Khi đức Phật nhận lời mời cũng tự tại. Chúng ta nói là ứng xử với các Ngài cũng rất tự tại, chẳng làm phiền người khác. Đây là nguyên tắc giáo học cơ bản của đức Phật, đức Phật chẳng khiến cho người nào khởi phiền não. Vì thế, nói đến điền địa thì điền địa chính là chỗ Ngài giảng kinh, thuyết pháp, chẳng cần bất cứ dụng cụ gia đình nào! Đức Phật trải một chút cỏ tươi rồi ngồi trên đó, các học trò cũng là như thế, ngồi trên cỏ vây quanh bốn phía đức Phật. Chẳng như hiện thời có giảng đường, có bàn ghế, có lắm thiết bị như vậy, lắm thứ bắt buộc phải có, thời ấy chẳng có. Vì thế, chúng ta liễu giải trạng huống khi ấy. Đó chính là ý nghĩa của chữ Sát.

“Bảo sát” (寶剎): Bảo (寶) là hình dung sự giáo học và thuyết pháp của đức Phật, nên gọi là Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo. Tam Bảo trọn đủ, ba thứ này đều hết sức khó có. Phật là thầy, là người có thể thuyết pháp, Tăng là học trò, bao gồm thính chúng tại gia. Ý nghĩa gốc của chữ Tăng là đoàn thể. Bốn người trở lên, cùng học tập một chỗ thì gọi là Tăng Chúng, bất luận tại gia hay xuất gia, chư vị nhất định phải biết điều này. Do vậy, Tăng đoàn là đoàn thể học tập giáo pháp của Thích Ca Mâu Ni Phật, nên gọi là Tăng đoàn. Không nhất định là tại gia hay xuất gia, nam chúng hay nữ chúng đều gọi là Tăng đoàn. Nếu gọi là tỳ-kheo Tăng đoàn thì khác, nhất định phải là nói về xuất gia nam chúng. Không nói cố định thì tại gia hay xuất gia đều gọi là Tăng đoàn. Điều kiện nhất định của một Tăng đoàn là trì giới, nhất định là Lục Hòa. Nếu chẳng trì giới, chẳng có Lục Hòa, chẳng tính là Tăng đoàn, giống như hiện thời đạo tràng quy mô to đến mấy, đều chẳng thể gọi là Tăng đoàn. Đối với hàm nghĩa của những danh từ thuật ngữ trong Phật môn, chúng ta phải nhận biết chánh xác!

Nay đức Phật muốn giới thiệu cùng mọi người Tây Phương Cực Lạc thế giới, tuyên giảng kinh Vô Lượng Thọ, nên Ngài đặc biệt hoan hỷ. Trong phần trước, chúng ta đã thấy Ngài vô cùng hoan hỷ. Hoan hỷ là do cơ duyên chín muồi, vô lượng chúng sanh sẽ do lần giảng diễn này mà đạt đến lợi ích thù thắng khôn sánh, trong một đời này có thể vĩnh viễn thoát ly lục đạo luân hồi, thoát ly mười pháp giới. Lại còn đúng như Mật Tông đã nói “tức thân thành Phật” (thành Phật ngay trong thân này), điều này chẳng giả tí nào! Trong phần trước, chúng ta đã đọc rất nhiều. Dẫu là hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, sẽ như nguyện hai mươi đã nói: “Giai tác A Duy Việt Trí Bồ Tát” (đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát). Tiêu chuẩn của A Duy Việt Trí Bồ Tát, tiêu chuẩn thấp nhất, chính là như Thiền Tông Trung Hoa đã nói “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, tiêu chuẩn ấy! Vì thế, A Duy Việt Trí Bồ Tát vượt trỗi mười pháp giới. Ngài ở nơi đâu? Trụ trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm của Phật. Cõi Thật Báo Trang Nghiêm của Phật cũng là cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chính mình, chư vị phải biết điều này. Đức Phật có bốn cõi, mỗi người chúng ta đều có bốn cõi. Bốn cõi hiển hiện như thế nào? Đều do ý niệm của chính mình hiển hiện, nói cách này mọi người sẽ dễ hiểu. Kinh Phật có nói: “Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”, cũng có nghĩa là bốn cõi sanh từ tâm tưởng. Trong tâm quý vị có Vô Minh phiền não, có Trần Sa phiền não, có Kiến Tư phiền não, tâm quý vị có ba thứ phiền não ấy, cõi Phàm Thánh Đồng Cư trong tự tánh của quý vị liền hiện tiền. Như quả địa cầu hiện thời là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, khởi tâm động niệm, ba loại phiền não ấy thảy đều trọn đủ. Trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư cũng có người rất hạnh phúc, rất sung sướng, có người rất đau khổ, chịu tội, do nguyên nhân nào? Mỗi người có nghiệp lực khác nhau. Người tâm thiện, hành vi thiện, ở trong cõi Đồng Cư bèn có hạnh phúc, mỹ mãn, sung sướng, cảnh giới ấy hiện tiền. Nếu tâm hạnh người ấy chẳng lành, tiêu chuẩn thiện là Thập Thiện Nghiệp Đạo, [do tâm hạnh của người ấy] trái nghịch Thập Thiện Nghiệp Đạo, sẽ hiện thành cõi nước bất thiện, có lắm nỗi đau khổ, như kinh đã nói “tám nỗi khổ xen nhau nung nấu”, có hiện tượng ấy xuất hiện. Nếu nghiêm trọng thì trong cõi Đồng Cư sẽ hiện gì? Hiện ra ba ác đạo là ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục.

/ 600