Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
淨土大經解演義
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Tập 139
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm năm mươi chín, hàng cuối cùng:
“Hựu như minh kính, ảnh sướng biểu lý” (lại như gương sáng, chiếu suốt trong ngoài), “Ảnh giả, quang ảnh dã. Sướng giả, thông đạt dã. Hải Đông Cảnh Hưng viết” (Ảnh (影) là bóng của ánh sáng, Sướng (暢) là thông đạt. Ngài Hải Đông Cảnh Hưng nói), pháp sư Cảnh Hưng [nói], “kính quang ngoại chiếu, danh vi ảnh biểu, tức đồng Phật thân quang minh ngoại thư. Ngoại chiếu chi quang hiển ảnh, sướng tại kính nội, diệc đồng sở phóng quang hoàn diệu nguy nhan, cố vân biểu lý” (ánh sáng của gương chiếu ra ngoài gọi là “ảnh biểu”, giống như thân Phật có quang minh tỏa ra ngoài. Ánh sáng chiếu ra ngoài lại hiện rõ hình ảnh trong gương, cũng giống như quang minh đã phóng ra bèn soi ngược lại, khiến cho vẻ mặt rạng rỡ. Do vậy, bảo là “biểu lý”). Chúng ta xem đoạn này.
Đây là câu kinh văn thứ hai: “Hựu như minh kính, ảnh sướng biểu lý, hiện đại quang minh, sổ thiên bách biến” (lại cũng như gương sáng, chiếu suốt trong ngoài, hiện quang minh lớn, biến hiện ra mấy trăm ngàn thứ). Đây là tỷ dụ, tỷ dụ chuyện đức Phật phóng quang. Trong kinh Đại Thừa, thông thường đức Phật phóng quang đều nhằm biểu thị pháp, biểu thị những nội dung được giảng trong lần này, từ sự phóng quang [thính chúng] sẽ có thể cảm nhận được. “Ảnh sướng biểu lý”: Ảnh (影) là hình bóng của ánh sáng, Sướng (暢) là thông đạt, chẳng bị chướng ngại. Hải Đông (海東) là Nhật Bản. Pháp sư Cảnh Hưng (憬興) của Nhật Bản[1] có chú giải kinh Vô Lượng Thọ. “Kính quang ngoại chiếu”: Đây là nói tỷ dụ, ánh sáng từ trong gương chiếu hắt ra, bèn gọi là “ảnh biểu” (影表). “Tức đồng Phật thân quang minh ngoại thư” (giống như thân Phật có quang minh tỏa ra ngoài): Đức Phật phóng quang, có khi là đỉnh đầu phóng quang, có khi phóng quang từ bạch hào. Bạch hào ở giữa hai chân mày, bạch hào phóng quang. Có khi là diện môn phóng quang, có khi toàn thân phóng quang. Trong đoạn kinh văn này, chẳng nói là bộ phận nào, nhưng “oai quang hách dịch” (oai quang rạng ngời, tràn trề) thì phải là quang minh nơi toàn thân, điều này hết sức đặc thù. “Ngoại chiếu chi quang hiển ảnh” (Ánh sáng chiếu ra ngoài soi rõ hình ảnh), ảnh ở chỗ nào? Ảnh ở trong gương.“Sướng tại kính nội” (hiện rõ trong gương), “diệc đồng sở phóng chi quang” (cũng giống như quang minh đã phóng ra), ý nghĩa này được nói rõ trong câu kế tiếp: Ánh sáng không chỉ chiếu ra ngoài, mà còn tự chiếu chính mình. Đó là “quang minh biến chiếu” (quang minh chiếu trọn khắp). Chiếu ra ngoài là “ảnh biểu”, chiếu chính mình là “biểu lý”, trong lẫn ngoài đều chiếu.
“Tịnh Ảnh Sớ viết” (Tịnh Ảnh Sớ giảng), bản chú giải này là của Trung Hoa, tức Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Sớ của pháp sư Huệ Viễn đời Tùy, trong ấy cũng nói theo cách này: “Kính quang ngoại chiếu, danh vi ảnh biểu. Ngoại chiếu chi quang, minh hiển kính nội, danh vi ảnh lý. Phật thân như thị, quang minh ngoại chiếu sở phóng chi biểu, hiển diệu Phật thân, danh ảnh biểu lý” (Ánh sáng từ gương chiếu ra ngoài, gọi là Ảnh Biểu. Quang minh chiếu ra ngoài rồi lại hiện rõ trong gương gọi là Ảnh Lý. Thân Phật giống như vậy, quang minh chiếu ra ngoài là Biểu, chiếu rạng ngời thân Phật là Ảnh Biểu Lý). Tiếp đó, lão cư sĩ bảo: “Án thượng lưỡng thuyết” (Xét theo hai thuyết trên đây), đó là cách giảng của các vị tổ sư đại đức Trung Hoa và Nhật Bản từ xưa, “Phật thân nội ngoại ánh triệt” (thân Phật trong ngoài rạng ngời), phóng quang lần này rất đặc thù, toàn thân phóng quang, trong ngoài sáng ngời, “dụ như minh tịnh chi kính” (ví như tấm gương sáng sạch), dùng gì? Dùng tấm gương sáng ngời sạch làu hết mức để tỷ dụ. “Do kính phóng quang ngoại chiếu” (từ kính tỏa ánh sáng chiếu ra ngoài), đó là “ảnh biểu”. “Sở phóng quang minh hoàn chiếu kính nội” (quang minh đã tỏa ra lại chiếu ngược vào kính), đó là “ảnh lý” (影裡).