Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
淨土大經解演義
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Tập 138
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm năm mươi bảy, “Thứ Biệt Tự” (kế đến là Biệt Tự), xem từ chỗ này.
“Hạ nhất phẩm vi Biệt Tự, diệc vi Phát Khởi Tự. Tự trung Như Lai hiện thụy, phóng quang, A Nan hỷ duyệt thỉnh vấn, Thế Tôn chánh đáp sở nghi, diễn xuất nhất bộ quảng đại, viên mãn, giản dị, trực tiệp, phương tiện, cứu cánh, đệ nhất hy hữu, nan phùng pháp bảo Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh. Đại Giáo Duyên Khởi đệ tam” (Phẩm tiếp theo đây là Biệt Tự, cũng là Phát Khởi Tự. Trong phần này, Như Lai hiện tướng lành, phóng quang, A Nan hoan hỷ thưa hỏi, Thế Tôn đáp thẳng vào điều nghi, diễn xuất một bộ pháp bảo quảng đại, viên mãn, đơn giản, dễ dàng, nhanh tắt, phương tiện rốt ráo, hy hữu bậc nhất, khó được gặp gỡ là kinh Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác. Đại Giáo Duyên Khởi, phẩm thứ ba).
Mấy câu mào đầu này của cụ Niệm Tổ nhằm nêu bày nhân duyên thù thắng của bộ kinh này, quả thật là hy hữu khó gặp khôn sánh. Học Phật phải thâm nhập Kinh Tạng. Kinh Tạng ở đây chẳng phải là nói đến Đại Tạng Kinh. Ý nghĩa thật sự của “thâm nhập Kinh Tạng” là minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ. Chúng ta biết đức Thế Tôn thuở tại thế, giảng kinh, giáo học không gì chẳng phải là ứng cơ thuyết pháp (thuyết pháp thuận theo căn cơ). Nói cách khác, một người chẳng thể học rất nhiều kinh điển và pháp môn. Quý vị có nghi hoặc, hướng về đức Thế Tôn thỉnh giáo, Ngài chỉ dạy quý vị một phương pháp, quý vị có thể tu tốt đẹp phương pháp ấy, sẽ đạt được toàn bộ hết thảy các pháp, đó mới gọi là “thâm nhập Kinh Tạng”. Bất luận là bộ kinh điển nào, pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp. Vì thế, một bộ kinh thông, hết thảy các kinh đều thông. Nếu quý vị nói “hết thảy các kinh đều thông, hãy còn có một hai bộ chưa thông”, đó là giả!
Trong Ấn Quang Đại Sư Văn Sao, có rất nhiều ví dụ như vậy. Năm xưa, tôi mới học Phật, thầy chỉ định công khóa ấy cho tôi tự học tập. [Theo Văn Sao], từng có một người tu Thiền, đổ công sức tu tập chẳng ít năm, trong bộ Ngũ Đăng Hội Nguyên của Thiền Tông có một ngàn bảy trăm công án, nói theo cách hiện thời, đó là những gương khai ngộ, [bộ sách ấy chép] gương khai ngộ của hơn một ngàn bảy trăm người, phương pháp mỗi người mỗi khác. Người ấy rất thích Thiền, tốn vài chục năm [nghiên cứu], viết thư gởi Ấn Quang đại sư, nói gần như một ngàn bảy trăm công án ông ta đều tham thấu triệt, đều hiểu rõ, chỉ có vài công án hãy còn vướng mắc. Ấn Quang đại sư viết thư trả lời: Đặc biệt là những thứ trong Tông Môn, hễ một ngộ thì hết thảy ngộ. Nếu trong một ngàn bảy trăm công án mà ông tham thấu triệt, hiểu rõ một công án, sẽ hiểu được toàn bộ. Ông nói ông gần như đều hiểu trọn, nhưng còn một hai công án chẳng tham thấu triệt, tức là ông hoàn toàn chẳng hiểu công án nào cả! Người ấy sau đó chẳng còn học Thiền, buông Thiền xuống, theo Ấn Quang đại sư niệm A Di Đà Phật. Giả trất, khi thật sự kiến tánh, há còn có thứ gì chẳng hiểu? Chẳng có lẽ ấy! Nay chúng ta hiểu lý này, vì sao? Hết thảy các pháp chẳng lìa tự tánh. Chỉ cần quý vị kiến tánh, bất luận quý vị đã học rồi hay chưa, dẫu là Phật giáo, hay là các tôn giáo khác, thậm chí tất cả học thuật thế gian như khoa học kỹ thuật hiện thời, chẳng có một điều nào quý vị không biết. Nếu có điều gì quý vị chẳng biết, tức là quý vị chưa kiến tánh, kiến tánh chẳng phải là giống như vậy. Chư vị chớ nên không biết chuyện này.
Vì sao? Người thế gian mê mất tự tánh rất sâu, nhưng trọn chẳng biết. Họ cũng chẳng phải là cố ý lừa gạt người khác. Trong Phật pháp có một danh từ là Tăng Thượng Mạn. Sự ngạo mạn ấy chẳng phải là thật sự mong gạt người! Kẻ ấy chưa chứng đắc, nhưng cứ tưởng chính mình đã chứng đắc. Chẳng ngộ nhập kinh giáo, cứ tưởng chính mình đã ngộ nhập. Năm xưa, tôi còn gặp một người, người ấy là vợ của một người bạn thân thiết của tôi. Người bạn ấy còn kể như là cấp trên của chúng tôi, nhưng không trực tiếp cai quản chúng tôi, ông ta là một vị tướng quân trong cơ quan của tôi. Vợ ông ta cũng học Phật. Tôi vừa học Phật, bà ta rất hoan hỷ. Có một hôm mời tôi đến nhà bà ta, kiên quyết nói bà đã chứng đắc quả A La Hán. Tôi nói cách nào bà ta cũng lắc đầu: “Tôi đã thật sự chứng đắc, chẳng giả”. Đến cuối cùng, tôi hết cách, liền bảo bà ta: Đối với sáu thứ năng lực, Sơ Quả Tu Đà Hoàn khôi phục hai thứ, còn A La Hán thì cả sáu thứ đều khôi phục, [các năng lực ấy] được gọi là Lục Thần Thông, hay Lục Thông. Tôi nói: Sơ Quả Tu Đà Hoàn có năng lực là Thiên Nhãn Thông và Thiên Nhĩ Thông. Thiên Nhãn Thông là gì? Bà ta sẽ có thể thấy [những vật] ở ngoài vách tường. Nhà bà ta ở cạnh một con sông nhỏ, hai bên là một con đường. Tôi nói: Chúng ta ngồi ở chỗ này, vừa khéo chỗ bà ta ngồi đối diện cửa lớn, chẳng có cửa sổ. Tôi nói: “Người bên ngoài làm này nọ, bà có thể thấy hay không?” Bà ta đáp: “Chẳng thấy”. Tôi nói: “Vậy là giả, chẳng thật! Cách một bức tường mà bà đã chẳng có năng lực nhìn xuyên qua, lấy đâu ra Thiên Nhãn Thông?” Tôi nói A La Hán có Thiên Nhãn Thông, Thiên Nhĩ Thông, Tha Tâm Thông, Túc Mạng Thông, Thần Túc Thông, Lậu Tận Thông, đó là A La Hán thật sự. Nói như vậy, bà ta mới phục. Vì thế, chẳng phải là bà ta lừa gạt chúng tôi mà là hiểu lầm.