/ 600
473

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

淨土大經解演義

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Tập 137

 

  Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm năm mươi lăm, xem từ hàng thứ năm:

  “Ư chư chúng sanh, thị nhược tự kỷ” (đối với các chúng sanh, coi như chính mình), hai câu này là kinh văn. Kế đó là lời chú giải: “Biểu đồng thể chi bi. Nhân sở bảo ái, mạc quá tự thân, linh thị chúng sanh như đồng tự kỷ, cố năng cứu độ quần sanh tâm bất tạm xả” (biểu thị lòng đồng thể đại bi. Cái được người đời yêu mến nhất không gì bằng thân mình. Vì xem chúng sanh như thân mình, nên có thể chẳng tạm bỏ cái tâm cứu độ quần sanh). Chúng ta xem câu này, đây là tâm thái lợi tha của Bồ Tát, chúng ta phải nên học tập. Thấy hết thảy chúng sanh và chính mình là cùng một Thể, cùng một tự tánh, cùng một Pháp Thân, cùng một thanh tịnh viên minh thể, sự thừa nhận này vô cùng trọng yếu. Vì sao? Đấy chính là “Phật tri Phật kiến” như kinh Pháp Hoa đã nói. Thật vậy, chẳng giả, tất cả hết thảy hiện tướng (hình tướng được biến hiện) trong khắp pháp giới hư không giới chẳng thật, giả trất, chỉ có sự thừa nhận này là thật. Nếu quý vị đã thật sự nhận biết, xin chúc mừng quý vị, quý vị đã minh tâm kiến tánh, đã thành Phật.

  Nay chúng ta tập khí phiền não rất nặng, xác thực là biết chính mình đang thuộc địa vị phàm phu, có giải ngộ, nhưng chẳng chứng ngộ, đã biết cách tu hành như thế nào, nhưng công phu chẳng đắc lực, vì sao không đắc lực? Không buông phiền não tập khí xuống được! Câu này nói dễ dàng, làm thật khó khăn! Vì chẳng buông tự tư tự lợi xuống được, chẳng buông tiếng tăm, lợi dưỡng xuống được, chẳng buông lòng tham luyến ngũ dục, lục trần xuống được, chẳng buông tham, sân, si, mạn xuống được. Tu hành thời cổ  dễ hơn hiện thời, vì sao? Căn cội luân lý, đạo đức, nhân quả đã được vun trồng sâu chắc từ bé, có thể nói: Người nào trong xã hội cũng đều là người tốt. Vì sao? Giáo dục thuở ấy là giáo dục vun bồi căn cội, ai nấy đều được học. Chuyện này chẳng dính dáng gì đến biết chữ hay không, mà cũng chẳng dính dáng đến chuyện có đi học hay không! Từ lúc được sanh ra, cha mẹ, người lớn trong nhà luôn biểu diễn trước mặt quý vị những điều ngay thẳng, chẳng có gì sai trái. Vì thế, từ nhỏ đã được học kỹ lưỡng. Xã hội thuần phác, chẳng có nhiều thứ dụ dỗ, mê hoặc như trong hiện tại, đều rất thật thà, đều khiến cho [mọi người] thành thật, bền vững, nên tu hành dễ dàng. Trong xã hội hiện thời, tu hành hết sức khó khăn, trong tâm có tham, sân, si, mạn, nghi. Đây là những cội rễ phiền não tập khí nghiêm trọng hơn bất cứ những điều nào khác, Phật pháp sánh ví những phiền não ấy như năm cái rễ của địa ngục. Tham, sân, si, mạn, nghi là năm cội rễ của địa ngục. Trong tập khí thì có oán, hận, não, nộ, phiền. Bên ngoài thì có tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ dụ dỗ, mê hoặc. Nói gộp lại, sẽ là “ma chưởng” (bàn tay ma), quý vị có thể nhảy ra khỏi [bàn tay ma ấy] hay chăng? Nếu chúng ta chẳng học tập kinh giáo hằng ngày, thời thời khắc khắc đề cao cảnh giác, một chút công phu bé tẹo ngần ấy còn chẳng thể giữ được, nói chi đến tăng tấn? Vì thế, nhận biết đồng thể đại bi vô cùng quan trọng! Chúng sanh và ta có cùng một Thể. Biết là một Thể, điều này được gọi là luân lý, tức là luân lý trong nhà Phật. Đạo gia cũng nói: “Trời đất và ta cùng một căn, vạn vật và ta cùng một Thể”, đó là luân lý của Đạo gia.

  Kế đó, [cụ Hoàng] nói: “Nhân sở bảo ái, mạc quá tự thân”, [nghĩa là cái được] con người yêu mến nhất là thân thể của chính mình. Nay thấy hết thảy chúng sanh và chính mình là một Thể, chẳng khác gì nhau! Thân thể chúng ta chẳng khỏe mạnh, không thoải mái, chắc chắn là thời thời khắc khắc luôn nghĩ tới, thời thời khắc khắc mong được chữa lành, khôi phục sức khỏe nhanh hơn một chút. Trong xã hội hiện thời, bao nhiêu người đánh mất sức khỏe, nhất là sức khỏe nơi phương diện tinh thần. Đánh mất như thế nào? Do mê hoặc tự tánh bèn đánh mất. Phật, Bồ Tát từ bi, đến giúp đỡ chúng ta, giúp chúng ta trị lành, dùng phương pháp gì? Giáo học, phá mê khai ngộ, đó là cứu độ hết thảy chúng sanh. Đã giác ngộ thì đều là Phật, đều là Bồ Tát, hễ mê hoặc thì là chúng sanh. Chúng sanh khó thành Phật dường ấy, vấn đề ở chỗ chẳng thể triệt để buông tiếng tăm, lợi dưỡng xuống, khởi tâm động niệm chẳng lìa khỏi tiếng tăm, lợi dưỡng. Có thể nhạt hơn người khác một chút thì được, nhưng mức độ đậm nhạt hết sức bất ổn định! Nhìn bề ngoài có vẻ khá nhạt nhẽo, nhưng hễ danh lợi vừa hiện tiền, ngay lập tức nẩy sanh biến hóa, chẳng thể giữ được! Do nguyên nhân nào? Nay chúng tôi kể như đã hiểu: Do chẳng có căn cội! Chúng ta tu hành mà chẳng có căn cội, nên mới có hiện tượng này. Làm sao để có thể giống như bị vua Ca Lợi cắt chặt thân thể mà vẫn chẳng động tâm thì mới có thể thành tựu. Chẳng có mảy may hoài nghi, chẳng có mảy may ích kỷ, chẳng có mảy may ganh tỵ nào! Vì sao? Hết thảy chúng sanh và ta là một, không hai, người khác là chính mình. Người khác chiếm được một chút tiện nghi của ta, ta chẳng oán hận, mà mang lòng hoan hỷ. Đó là Bồ Tát, chẳng phải là phàm nhân. Người khác hủy báng, tổn hại, hãm hại ta, ta vẫn hoan hỷ, chẳng có mảy may oán hận, vì sao? [Những người ấy đến giúp ta] nâng cao [cảnh giới] của chính mình, đến khảo nghiệm chính mình. Đúng là một Thể, ta mong giúp họ tăng cao cảnh giới, họ cũng thường tăng cao cảnh giới của ta, bất luận là hữu ý hay vô ý. Có khi làm quá lố, nhưng nếu quý vị là người tu hành thật sự, sẽ chẳng cảm thấy kẻ đó quá lố, mà còn cảm thấy kẻ ấy làm chưa đủ. Do đó, trong cảnh giới, chân, vọng, tà, chánh, đúng, sai, thiện, ác, thảy đều chẳng tồn tại, một bầu thanh tịnh, bình đẳng, giác, chân tâm hoàn toàn hiển lộ. Nếu vẫn là chưa buông tự tư tự lợi xuống, chưa buông tiếng tăm, lợi dưỡng xuống, cái này nhìn cũng không quen, cái kia nhìn cũng chẳng quen, vậy là tu uổng công mất rồi, mảy may tăng trưởng hay tiến bộ đều chẳng có! Trên thế gian, tối đa là quý vị tăng trưởng một chút học vấn do hỏi han, ghi nhớ, nhưng sau đó, phải thòng thêm một câu “chẳng đáng làm thầy người khác”. Quý vị học được một chút kiến thức Phật pháp thông thường bề ngoài, chẳng học được Phật pháp thật sự! Lục Tổ Huệ Năng đại sư đã nói rất hay: “Phật pháp thật sự chẳng liên quan đến văn tự, ngôn thuyết”. Nói theo cách hiện thời, [học Phật] hoàn toàn là chuyển biến tâm thái, quay tâm thái trở về. Tổ tiên đã nói rất hay: “Con người tánh vốn lành”, trở về cái Bổn Thiện là tu hành thật sự, công phu ấy được gọi là thật sự đắc lực.

/ 600