/ 600
546

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

淨土大經解演義

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Tập 136

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm năm mươi bốn, xem từ hàng thứ ba.

   “Hưng đại bi, tùng thử cú trực chí chửng tế phụ hà, giai độ bỉ ngạn thập cú, biểu chư đại sĩ đồng thể đại bi, vô duyên đại từ chi đức hạnh” (Cả mười câu từ câu “hưng đại bi” cho đến câu cứu vớt, gánh vác cho họ đều vượt lên bờ kia” đều nói về đức hạnh đồng thể đại bi, vô duyên đại từ của các vị Ðại Sĩ). Trước hết là giới thiệu ý nghĩa trọng yếu trong khoa mục nhỏ này. Tâm từ bi của các vị Bồ Tát, Pháp Thân đại sĩ dự hội lưu lộ. Đồng thể đại bi, vô duyên đại từ là nhìn Bồ Tát từ góc độ của lũ phàm phu chúng ta. Nếu nhìn từ phía bản thân các vị Bồ Tát, hai câu này chẳng có ý nghĩa chi cả! Vì sao? Các Ngài xác thực là đã chứng đắc “khắp pháp giới hư không giới và chính mình là một Thể”. Kinh Phật diễn tả điều này là “phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân”. Pháp là hết thảy vạn pháp. Câu nói cuối cùng [trong năm câu do] Huệ Năng đại sư [đã thốt ra khi] khai ngộ là: “Nào ngờ tự tánh, có thể sanh ra vạn pháp”. Đó chính là “hết thảy các pháp trong khắp pháp giới hư không giới và chính mình đều do cùng một thể tánh hiển hiện”. Sách Hoàn Nguyên Quán nói tự tánh thanh tịnh viên minh thể, hiển nhất Thể, khởi nhị Dụng, thị tam biến (phô bày ba thứ trọn khắp). Lời văn tuy không dài, nhưng đã viết rất rõ ràng, rất minh bạch. Đây là một chủ đề đang được tất cả các khoa học gia và triết gia trên thế giới điều tra, cho đến nay, vẫn chưa thể đạt đến kết luận dứt khoát, nhưng kinh đã nói rành mạch, nói rõ ràng. Các Ngài chứng đắc như thế nào? Đức Phật dạy: Chính quý vị vốn sẵn có trí huệ và năng lực ấy. Chẳng phải là tưởng tượng, chẳng phải là chúng ta nhất định phải tưởng như vậy, hoặc nhất định phải niệm như thế, chẳng phải vậy, nó vốn sẵn là như vậy! Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật dạy chúng ta: Vì sao nay chúng ta và chư Phật Như Lai sai khác to lớn như vậy? Vốn là một Thể, thế mà có sai khác to lớn ngần ấy, đức Phật cho biết: “Chỉ vì vọng tưởng và chấp trước, nên không thể chứng đắc”, một lời đã nói toạc ra! Do vậy, chúng ta hiểu: Chỉ cần chúng ta buông vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xuống, quý vị vốn sẵn là Phật, giác ngộ vạn sự vạn vật trong vũ trụ và ta thật sự là một Thể.

  Trong kinh, đức Phật thường nói: “Ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp chẳng có tâm”, tâm và pháp là một, chẳng hai. Tâm là tự tánh, có thể hiện, có thể sanh. Pháp là vạn pháp, là cái được sanh, được hiện. Trong Phật pháp nói tới y báo và chánh báo, chánh báo là chính mình, ngoài chính mình ra đều gọi là y báo. Vì vậy, trong y báo có hoàn cảnh nhân sự, có hoàn cảnh vật chất, còn có hoàn cảnh hiện tượng tự nhiên, tức là bao quát toàn thể vũ trụ. Cổ nhân nói hai câu: “Lớn mà chẳng ra ngoài, bé mà chẳng ở trong”, nói lên ý nghĩa gì? Lớn mà chẳng ra ngoài là chẳng có ngằn mé, lớn vô cùng. Trong khoa học hiện đại, các nhà khoa học cho biết phần vũ trụ nhân loại biết đến thật ra chỉ là một phần mười, hãy còn chín phần mười chúng ta không biết. Cũng có nhà khoa học nói: Chín mươi phần trăm vũ trụ ta không thấy, nay chúng ta dùng dụng cụ khoa học có thể thăm dò mười phần trăm, vì sao? Họ vẫn chẳng biết do nguyên nhân nào! Thế nhưng trong kinh Phật đã có nói, câu nào trong kinh Phật? Trở về tự tánh. Bồ Tát tu hành đạt đến Đẳng Giác Bồ Tát, đó là địa vị Bồ Tát cao nhất. Đẳng Giác Bồ Tát nếu lên cao hơn một cấp, sẽ hồi quy tự tánh, là Diệu Giác. Cũng có thể nói Ngài đã đoạn sạch tập khí vô thỉ vô minh, hoàn toàn chẳng có; do vậy, chẳng còn thấy cõi Thật Báo. Nay chúng ta kể như đã hiểu rõ, cõi Thật Báo do đâu mà có? Cõi Thật Báo do tập khí vô thỉ vô minh biến hiện; khi tập khí đã đoạn, cõi ấy cũng chẳng tồn tại, tức là do “phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, nên cõi Thật Báo cũng là hư vọng. Mười pháp giới hư vọng thì chúng ta dễ hiểu, nhưng cõi Thật Báo Nhất Chân pháp giới cũng là hư vọng [thì khó hiểu], thứ gì là chân thật? Chân thật là Thường Tịch Quang, Thường Tịch Quang thì thứ gì cũng đều chẳng có, chẳng có hiện tượng vật chất, mà hiện tượng tinh thần cũng chẳng có!

  Trong kinh giáo Đại Thừa, đức Phật dạy: Tất cả các hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần đều sanh từ A Lại Da, A Lại Da [sanh khởi] ba tế tướng. Ba tế tướng ấy được sanh khởi theo thứ tự, nhưng chúng có tốc độ quá nhanh, nên chúng ta cũng có thể nói là chúng phát sanh đồng thời. “Một niệm bất giác, bèn có vô minh”, vô minh ở đây chính là A Lại Da. Đối với Nghiệp Tướng của A Lại Da thì Nghiệp Tướng là do một niệm bất giác. Giác tâm bất động, Huệ Năng đại sư đã nói: “Nào ngờ tự tánh, vốn chẳng dao động”, đó là Thường Tịch Quang, bất động. Đột nhiên có một niệm ấy phát sanh, niệm ấy được gọi là vọng niệm, vô minh ấy được gọi là vô thỉ (無始). Vô thỉ là chẳng có khởi đầu, thật sự chẳng có khởi đầu. Đức Phật bảo cho chúng ta biết hiện tượng ấy thật sự là gì? Là vọng tưởng, vọng (妄) là chẳng thật, nên tưởng ấy được gọi là vọng tưởng. Nếu thật sự có niệm dấy lên, sẽ chẳng gọi là vọng tưởng. Vì thế, phải hiểu ý nghĩa của chữ Vọng do đức Phật đã nói, nó chẳng thật, Tướng có, Thể không. Chúng ta quan sát những sự thật trước mắt, đều thừa nhận các hiện tượng vật chất trước mắt chúng ta, ngỡ chúng là thật, nhưng đức Phật dạy chúng là giả, chẳng thật, “phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, chúng ta không hiểu. Hiện thời, các nhà Lượng Tử Lực Học cho biết: Vật chất chẳng thật. Họ dùng phương pháp khoa học để thấy hiện tượng vật chất là gì? Là ý niệm. Ý niệm chẳng phải là niệm ư? Niệm tích lũy liên tục, sanh ra huyễn tướng. Vì sao có các loại vật chất khác nhau? Do tần số [dao động] khác nhau, chúng ta sẽ thấy các hiện tượng khác nhau. Tần số chậm, quý vị sẽ thấy là chất rắn, tần số mau hơn sẽ biến thành chất lỏng. Như hoa, cỏ, cây cối, da dẻ, huyết dịch trên thân chúng ta đều thuộc loại có tần số mau hơn một chút. Mau hơn nữa sẽ biến thành thể hơi, thành các thể hơi lưu động trong không khí. Lại nhanh hơn nữa, sẽ biến thành sóng điện, ánh sáng, hoặc sóng điện từ. Vì thế, bất cứ vật chất gì cũng đều có thể quy hồi hiện tượng dao động. Nó (hiện tượng dao động) là hiện tượng nguyên thủy nhất, trong ấy, quý vị chẳng thấy vật chất.

/ 600