Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
淨土大經解演義
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Tập 135
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm năm mươi hai, hàng thứ tư từ dưới đếm lên.
Xem từ câu “thọ trì Như Lai thậm thâm pháp tạng” (thọ trì pháp tạng rất sâu của Như Lai). Đối với câu kinh văn này, cụ Niệm Tổ nói: “Thử hữu nhị giải, nhất Tịnh Ảnh Sớ viết: Minh tu thắng giải Như Lai Tạng Tánh, thị Như Lai thậm thâm pháp tạng. Ám chướng ký trừ, minh hiện kỷ tâm, cố viết thọ trì. Thị dĩ minh tâm vi thọ trì thậm thâm pháp tạng” (Câu này có hai cách giải thích. Một là như Tịnh Ảnh Sớ đã giảng: “Tu cho hiểu rành rẽ Như Lai Tạng Tánh là pháp tạng rất sâu của Như Lai. Ám chướng đã trừ, tâm của chính mình hiện rõ, nên gọi là thọ trì”. Thuyết này cho rằng minh tâm là “thọ trì pháp tạng rất sâu”).
“Pháp tạng”: Trước hết, phải hiểu rõ ràng “thậm thâm pháp tạng” là gì! Pháp là Phật pháp, Tạng (藏) là chỗ có lưu giữ Phật pháp. Nơi nào có Phật pháp, cất chứa Phật pháp? Nhất là nói “Như Lai thậm thâm pháp tạng” thì phải là Phật pháp rốt ráo viên mãn mới được gọi là “thậm thâm pháp tạng”. Nói theo Sự, tôi nghĩ các đồng học nhất định cũng biết Phật pháp rốt ráo viên mãn [là gì]. Cổ đại đức nói Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh là pháp căn bản của hết thảy Phật pháp. Hết thảy Phật pháp không pháp nào chẳng lưu xuất từ kinh Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm giống như biển cả, Phật pháp như sông ngòi, những con sông ấy đều chẳng tách rời biển cả.
Tịnh Ảnh Sớ là [tác phẩm chú giải kinh Vô Lượng Thọ] của pháp sư Huệ Viễn đời Tùy, Ngài giải thích câu kinh văn này như sau: “Minh tu thắng giải Như Lai Tạng Tánh” (tu cho hiểu rành rẽ sự thù thắng của Như Lai Tạng Tánh). Vì hết thảy các pháp của Như Lai đều lưu xuất từ Như Lai Tạng Tánh. Như Lai Tạng Tánh chính là tự tánh, còn gọi là Pháp Tánh, đấy chính là pháp tạng rất sâu của Như Lai. “Ám chướng ký trừ, minh hiện kỷ tâm” (Ám chướng đã trừ, tâm của chính mình hiện rõ): Đây là chân tâm của chính mình, điều này được gọi là “thọ trì”. Ám (闇) là mê hoặc, là phiền não, vô minh phiền não. Chướng (障) cũng là phiền não, [“ám chướng”] tức là Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng. Nếu chúng ta dùng hai chữ ấy để nói hai thứ chướng ngại ở đây, thì Chướng là Sở Tri Chướng, Ám là Phiền Não Chướng, tức vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Những thứ ấy đều bị diệt trừ, đều buông xuống, đều chẳng còn, người ấy là gì? Pháp Thân Bồ Tát, đã minh tâm kiến tánh. Ám chướng chưa trừ thì là lục đạo phàm phu. Sau khi đã diệt trừ, [lời Sớ] bèn viết tiếp: “Minh hiện kỷ tâm”, nghĩa là tâm của chính mình liền hiển hiện, điều đó được gọi là “thọ trì”. Vì vậy, ý nghĩa trong đoạn này là: Coi minh tâm là thọ trì tạng pháp rất sâu. Minh tâm là kiến tánh, thấy bản tánh của chính mình. Trong Thiền Tông thường nói: Buông vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xuống, sẽ thấy bản tánh của chính mình. Tông Môn gọi chuyện này là “đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh”. Đó là “thọ trì thậm thâm pháp tạng”. Thật vậy, chẳng giả!
Một người sau khi đã khai ngộ, đối với hết thảy các pháp do đức Thế Tôn đã nói trong bốn mươi chín năm, hễ tiếp xúc liền hiểu rõ toàn bộ. Đúng như trong bài Kệ Khai Kinh đã nói: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, ai có thể làm được? Pháp Thân Bồ Tát có thể làm được, thật sự hiểu nghĩa chân thật của Như Lai, nhưng những kẻ trong mười pháp giới vẫn chẳng làm được! Tứ thánh pháp giới càng lên cao càng tiếp cận, nhưng vẫn luôn cách biệt một tầng, vì chưa kiến tánh. Sau khi kiến tánh, trí huệ và đức tướng đều thuộc về Tánh Đức vốn sẵn có trong tự tánh. Chưa kiến tánh, trí huệ và đức tướng của chúng ta là Tu Đức, do quý vị tu được, tu từ tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi mà đạt được. Cũng có thể tu rất giống Phật, Bồ Tát, nhưng do vô minh phiền não chưa phá, nên còn kém một bậc. Những đạo lý này chúng ta đều hiểu rất rõ ràng, cũng hiểu phương pháp tu học, nhưng chẳng thật sự hành. Rất mong thật sự hành, nhưng nói chung là làm chẳng giống, nguyên nhân ở chỗ nào? Tập khí phiền não quá nặng. Các khoa học gia nói đến tiềm ý thức (tiềm thức, subconcious), họ chia ý thức thành hai loại. Một loại là rõ rệt, tức hiển ý thức (consciousness), chúng ta nhận biết [loại này]. Chúng ta khởi tâm động niệm, nghĩ tới điều gì đó. Đấy là ý thức rất rõ rệt. Tiềm ý thức thì chính mình chẳng biết, nhưng nó thường khởi tác dụng. Ví như chính mình chẳng suy nghĩ, bỗng dưng có một ấn tượng hiện tiền. Ấn tượng quá sâu, chẳng nghĩ tới mà nó cũng hiện tiền. Nhiều người thuở trước sống trong thời đại chiến tranh, ý niệm và ký ức rất sâu, đêm thường nằm mộng thấy đang ở trong thời xảy ra chiến tranh, gần như là Đệ Nhị Thế Chiến vẫn chưa kết thúc. Chẳng nghĩ tới nó, [mà nó vẫn hiển hiện], đó là gì? Thuộc về tiềm ý thức, nó khởi tác dụng, rất đáng sợ!