/ 600
651

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 132

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm bốn mươi chín, dòng thứ bảy từ dưới đếm lên, xem từ “khai hóa hiển thị Chân Thật chi Tế”, xem từ chỗ ấy.

Tiểu đoạn này giảng về hạnh lợi tha của Bồ Tát. Phần trước giảng về tự lợi, đoạn này giảng về lợi tha. Trong đoạn Diệu Hạnh Hiển Thật của phần lợi tha, câu này là chủ yếu. Bồ Tát giúp đỡ chúng sanh, quan trọng nhất là giúp chúng sanh khai ngộ, giúp chúng sanh thành Phật, “Chân Thật chi tế” là thành Phật. Nay chúng ta nói “khai hóa hiển thị”“thân hành, ngôn giáo”, “khai hóa” là ngôn giáo, “hiển thị” là thân hành. Không chỉ là phải giảng giải, mà còn phải nêu gương cho người khác thấy. Nêu gương gì? Chân Thật Tế chính là dáng vẻ của Phật, nêu dáng vẻ của Phật cho mọi người thấy, bảo ban mọi người: “Hết thảy chúng sanh vốn là Phật”. Các đồng học học Phật nhất định phải thừa nhận câu này, chúng ta vốn đều là Phật, vì sao biến thành nông nỗi này? Chênh lệch với Phật lớn như thế? Kinh Hoa Nghiêm nói rất hay: “Chỉ vì vọng tưởng, chấp trước, nên không thể chứng đắc”, chúng ta liền hiểu rõ: Sở dĩ chúng ta biến thành phàm phu là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chúng ta phải quay về địa vị Phật, quay về làm Phật. Chỉ cần buông vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xuống là được. Nói rất đơn giản, một câu nói là đã có thể nói xong, nhưng thực hiện nhất định khó khăn. Chúng ta xem phần chú giải tiếp theo, ngày hôm qua đã học hai câu đầu: “Khai hóa giả, tức Pháp Hoa kinh chi khai Phật tri kiến. Hiển thị giả, tức thị Phật tri kiến” (Khai hóa là “khai Phật tri kiến” trong kinh Pháp Hoa. “Hiển thị” là “thị Phật tri kiến”). Trong kinh Pháp Hoa, sau đó còn có hai câu nữa: “Ngộ Phật tri kiến”, khai, thị, ngộ, nhập. Câu cuối cùng là “nhập Phật tri kiến”, câu cuối cùng là chứng quả, quý vị thật sự thành Phật. Ba câu trước, mỗi câu sau sâu hơn câu trước. Đầu tiên là giảng cho quý vị hòng quý vị hiểu, biết có chuyện như thế: “Hết thảy chúng sanh vốn là Phật”. Bồ Tát nêu gương cho chúng ta thấy, tấm gương ấy được nói trong bộ kinh này.

Thuở tại thế, Thích Ca Mâu Ni Phật suốt đời nêu gương cho chúng ta thấy, tấm gương ấy chính là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Đức Phật hoàn toàn biểu hiện trong cuộc sống, biểu hiện trong giáo học. Công việc của đức Phật là giáo học, bốn mươi chín năm giống hệt như một ngày. Chúng ta biết: Sau khi ngộ, ngộ là gì? Thật sự hiểu, thật sự minh bạch. Sau khi hiểu, phải nhập cảnh giới này, phải nghiêm túc học tập, học sao cho giống hệt như đức Phật. Ở đây, các vị Bồ Tát dự hội, kinh nói là một vạn hai ngàn người; trên thực tế, nhục nhãn của chúng ta chẳng thấy vô lượng vô biên Bồ Tát đều tới tham dự pháp hội này, đến trang nghiêm đạo tràng. Các đồng học trong đạo tràng trình độ không đều, phàm phu chẳng thấy các Ngài, nhưng Nhị Thừa có thể thấy. Nhị Thừa là Thanh Văn và Duyên Giác. Hàng Sơ Quả trong chúng Thanh Văn có thể thấy, bậc Tu Đà Hoàn như vậy rất nhiều. Một ngàn hai trăm năm mươi lăm [vị Thanh Văn đều] là đại Bồ Tát tái lai, các Ngài đến biểu diễn pháp. Tiểu Thừa thì Tứ Quả lẫn Tứ Hướng đều có, Đại Thừa thì có các Bồ Tát thuộc những địa vị Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng đều hiện diện. Có thể thấy pháp hội này vô cùng trang nghiêm. Chữ Tế trong “chân thật chi tế” chính là “cứu cánh biên tế” (究竟邊際: bờ mé rốt ráo). Trên thực tế, “chân thật chi tế” chính là Phật tri Phật kiến. Tri kiến của Phật chẳng có ngằn mé. Đối với chuyện này, kinh điển Đại Thừa có đến mấy chục danh từ đều để nói về chuyện này. Nếu giải thích theo cách hiện thời, sẽ là “chư pháp Thật Tướng” (Thật Tướng của các pháp). Tướng chân thật ấy chính là chân tướng của hết thảy các pháp, quý vị đều hiểu, đều rõ ràng, đó là Phật tri Phật kiến. Chân tướng là gì? Chân tướng là giả tướng, tướng là giả, Thể là không, vạn pháp đều là Không. “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, đó là Phật tri Phật kiến. Chúng ta đã mê, hoàn toàn chẳng biết chân tướng sự thật, ngỡ nó là thật sự có, nên trong các cảnh giới bèn khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, đó là tri kiến phàm phu. Trong cảnh giới, Phật tri Phật kiến liễu giải, nên Ngài chẳng khởi tâm động niệm, chẳng phân biệt, chấp trước, như như bất động trong cảnh giới. Đó là Chân Thật Tế.

/ 600