/ 600
554

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 131

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong

 

  Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm bốn mươi tám, xem từ hàng cuối cùng:

“Thiện năng phân biệt chúng sanh ngữ ngôn” (khéo có thể phân biệt ngôn ngữ của chúng sanh). Trong các bản dịch gốc, câu kinh văn này trích từ bản Đường dịch; kinh văn trong bản Ngụy dịch ghi là “nhập chúng ngôn âm, khai hóa nhất thiết” (hiểu ngôn âm của đại chúng, nhằm khai hóa hết thảy). Ý nghĩa như nhau, nhưng văn tự được phiên dịch khác nhau. Chúng ta đọc phần chú giải dưới đó: “Tịnh Ảnh Sớ viết: Nhập vị giải dã, vị giải chúng sanh chủng chủng ngôn âm, dụng chi khởi thuyết. Hội Sớ dẫn Mật Tích kinh vân: Thử tam thiên đại thiên thế giới hữu bát thập tứ ức bách thiên cai chúng sanh chi loại, ngôn từ các dị, kế thị nhất thiết giai quy nhất nghĩa chí chân chi huệ, Bồ Tát ứng thù xướng dị ngôn, thuyết pháp khai hóa. Mật Tích kinh phục vân: Thử Bồ Tát năng nhập chủng chủng ngôn âm, năng thuyết pháp khai hóa” (Tịnh Ảnh Sớ giảng: “Nhập có nghĩa là hiểu; hiểu biết các ngôn âm của chúng sanh, dùng đó để khởi lên các lời nói”. Hội Sớ dẫn lời kinh Mật Tích như sau: “Tam thiên đại thiên thế giới này có tám mươi bốn trăm ngàn cai loại chúng sanh, ngôn từ đều khác biệt” (Cai là một trăm triệu). Xét ra, hết thảy đều quy về trí huệ nhất nghĩa chí chân. Bồ Tát thuận theo các loại chúng sanh sai khác mà nói những lời khác nhau để thuyết pháp, khai hóa. Kinh Mật Tích cũng chép: Bồ Tát này có thể nhập các thứ ngôn âm, nên có thể thuyết pháp, khai hóa”). Chúng ta xem đến chỗ này.

  Đây là [câu kinh văn được ghi trong] bản dịch của ngài Khang Tăng Khải: “Nhập chúng ngôn âm, khai hóa nhất thiết”. Tịnh Ảnh Sớ là tác phẩm chú giải bản Ngụy dịch. Bản chú giải này được lưu thông rất rộng tại Trung Quốc, người đọc rất nhiều. Tịnh Ảnh là ngài Tiểu Huệ Viễn, tức là pháp sư Huệ Viễn đời Tùy. Ngài chú giải chữ Nhập (入), Nhập có nghĩa là Giải (解), tức là lý giải. Không chỉ lý giải, mà còn lý giải ở một mức độ khá sâu, nên dùng chữ Nhập, chẳng dùng chữ Giải. Ý nghĩa là “vị giải chúng sanh chủng chủng ngôn âm, dụng chi khởi thuyết” (có nghĩa là hiểu các thứ ngôn ngữ, âm thanh của chúng sanh, dùng điều đó để khởi lên các lời nói). Câu này nói theo cách hiện thời sẽ là “thiên tài ngôn ngữ”, trong Phật pháp gọi là Vô Ngại Biện Tài. Người ấy có thể hiểu ngôn âm, ngôn ngữ của hết thảy chúng sanh. Người ấy đã có thể hiểu, lại còn có thể sử dụng ngôn ngữ giống hệt như họ để thuyết pháp, chỉ dạy họ, giúp họ khai ngộ. Chữ Nhập này có ý nghĩa sâu xa! Nếu chẳng tinh thông ngôn ngữ cùng loại với chúng sanh, làm sao quý vị có thể dạy họ cho được? Bồ Tát chẳng thể thiếu năng lực ấy. Nếu thiếu, sẽ chẳng thể phổ độ chúng sanh. Chúng sanh có bao nhiêu? Quá nhiều! Đúng là vô lượng vô biên, chẳng có cùng tận!

   Trong đoạn kinh Mật Tích được sách Hội Sớ trích dẫn, đã nói đến khu vực giáo hóa của Thích Ca Mâu Ni Phật, ở ngoài khu vực giáo hóa của Phật Thích Ca bèn chẳng nói đến, chỉ nói một khu vực giáo hóa này. Khu vực giáo hóa này là một tam thiên đại thiên thế giới. Tam thiên đại thiên thế giới (Trisāhasra Mahāsāhasra Lokadhātu), thưa cùng chư vị, là một đại thiên thế giới. Vì sao nói một đại thiên thế giới là tam thiên? Nó được kết hợp bởi tiểu thiên (Sāhasra Cūḍika Lokadhātu), trung thiên (Dvisāhasra Madhyama Lokadhātu), và đại thiên thành một đại thiên thế giới, những điều này trong phần trước đã có nói rồi. Lấy núi Tu Di (Sumeru) làm trung tâm, vây quanh núi Tu Di là bốn đại bộ châu, mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, đó là một đơn vị thế giới (tiểu thiên thế giới). Trước kia, rất nhiều người trong chúng ta hiểu lầm, tôi cũng chẳng phải là ngoại lệ, đều nghĩ Thái Dương Hệ là một đơn vị thế giới. Sau này, gặp lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, cụ là một người học khoa học, dạy môn vô tuyến điện trong nhà trường, cụ dạy môn ấy. Cụ cũng tu trì Phật pháp rất tốt đẹp, có thể nói là “thông Tông, thông Giáo, Hiển, Mật viên dung”, chẳng phải là một vị cư sĩ bình phàm. Chúng tôi thường nói cụ phải thuộc vào đẳng cấp Bồ Tát. Cụ bảo tôi: “Đức Phật nói một đơn vị thế giới, trên thực tế là một hệ Ngân Hà như trong khoa học hiện tại đã nói”. Tôi nghe cụ nói lời ấy, suy nghĩ cũng thấy rất có lý, vì sao? Trung tâm của một đơn vị thế giới là núi Tu Di, quý vị thấy mặt trời cũng xoay quanh lưng chừng núi Tu Di. Thái Dương Hệ đúng là xoay quanh bên ngoài hệ Ngân Hà. Trung tâm của hệ Ngân Hà là Lỗ Đen (Black Hole), các khoa học gia hiện thời cho biết [trung tâm của hệ Ngân Hà] là một lỗ đen rất lớn.

/ 600