/ 600
469

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

淨土大經解演義

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Tập 133

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm năm mươi, xem từ dòng cuối cùng.

“Siêu quá thế gian chư sở hữu pháp” (vượt trỗi các pháp vốn có trong thế gian). Trong hạnh lợi tha của Bồ Tát, vừa mở đầu liền nói: “Đắc Phật biện tài, trụ Phổ Hiền hạnh, khai hóa hiển thị chân thật chi tế” (Đắc biện tài của Phật, trụ trong hạnh Phổ Hiền, khai hóa, hiển bày Chân Thật Tế). Ở đây, chúng ta lại tiếp tục xem tới câu “siêu quá thế gian chư sở hữu pháp”. Mấy câu này là một đoạn ngắn.“Diệu hạnh hiển Thật”: Nơi phần nói về Tứ Đức trong Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, điều thứ nhất là “tùy duyên diệu hạnh”, mấy câu này đều thuộc về đức ấy. Đặc biệt là trong câu này, Bồ Tát ứng hóa trên thế gian, nên dùng thân gì để độ được, liền hiện thân nấy, nên dùng phương pháp gì để giúp đỡ chúng sanh, bèn dùng phương pháp ấy. Chẳng có phương pháp nhất định, mà cũng chẳng có hình tướng nhất định, thảy đều là “thuận theo tâm chúng sanh, ứng theo khả năng lãnh hội của họ” như kinh Lăng Nghiêm đã nói, đúng là “đắc đại tự tại”.

Hoàng lão cư sĩ đã trích dẫn lời giải thích của mấy vị tổ sư đại đức. Trước hết, cụ trích dẫn Tịnh Ảnh Sớ. Pháp sư Huệ Viễn đời Tùy đã giải thích câu này như sau: “Vị quá Phần Đoạn, Biến Dịch thế gian nhất thiết pháp giả” (ý nói vượt qua Phần Đoạn, Biến Dịch, hết thảy các pháp thế gian). “Quá” (過) là vượt qua. Vì Phần Đoạn sanh tử và Biến Dịch sanh tử bao quát mười pháp giới, trong mười pháp giới có lục đạo. Hai thứ sanh tử ấy lục đạo đều có, cũng tức là Biến Dịch và Phần Đoạn thảy đều có. Phần Đoạn (分段) là từng đoạn một, loài người chúng ta từ lúc sanh ra cho đến tử vong, khoảng thời gian ấy gọi là một đoạn (giai đoạn). Biến Dịch (變易) là gì? Biến hóa mỗi ngày, loài người chúng ta sanh, già, bệnh, chết. Chẳng phải là bỗng dưng già, mà là mỗi ngày một già hơn, biến hóa mỗi ngày, đó là Biến Dịch. Trong bốn thánh pháp giới, tức là các giai tầng cao trong mười pháp giới, bốn thánh pháp giới là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, và Phật chẳng có Phần Đoạn sanh tử, nhưng có Biến Dịch. Vì thế, nói Phần Đoạn và Biến Dịch, bèn gồm trọn mười pháp giới trong ấy. Chư vị phải biết: Vượt thoát mười pháp giới, nếu sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm, Biến Dịch chẳng còn nữa, Biến Dịch sanh tử cũng đoạn; trong cõi ấy là vĩnh hằng bất biến, do nguyên nhân gì? Vì các Ngài chẳng dùng Thức. Đức Phật bảo chúng ta: Hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Chỉ cần còn có duy thức, sẽ còn có Biến Dịch sanh tử. Các Ngài chẳng có thức, đã chuyển thức thành trí, [tức là] chuyển tám thức thành bốn trí, Biến Dịch sanh tử sẽ chẳng còn nữa. Vì thế, hai thứ sanh tử đều chẳng có; đó là thành Phật, minh tâm kiến tánh. Đã thành Phật thì hai thứ sanh tử đều chẳng còn! Theo kinh Hoa Nghiêm, đó là từ Sơ Trụ trở lên, thuộc vào bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ. Những vị Bồ Tát ấy trí huệ và đức tướng chân thật, trí huệ và đức tướng hoàn toàn hiện tiền.

  Tiếp đó, cụ Hoàng trích dẫn ba lời chú giải đều của [các vị đại đức] Nhật Bản. Sách Hợp Tán do pháp sư Quán Triệt (觀徹) người Nhật soạn, đây chính là tác phẩm chú giải kinh Vô Lượng Thọ. “Hợp Tán vân: Siêu quá Phần Đoạn, Biến Dịch nhị tử, an trụ xuất thế Nhị Không chi trí, thử tức thành tựu Trí Đoạn nhị đức dã” (Sách Hợp Tán viết: “Vượt qua hai thứ sanh tử Phần Đoạn và Biến Dịch, an trụ trong hai Không Trí xuất thế. Đấy chính là thành tựu Trí Đức và Đoạn Đức”). Lời chú giải này tỉ mỉ hơn bản trước. Câu đầu giảng “vượt qua Phần Đoạn, Biến Dịch sanh tử” giống như Viễn Công đã nói, nhưng phần sau lại còn nói thêm: An trụ trong hai Không Trí xuất thế, đấy chính là thành tựu Trí Đức và Đoạn Đức; giảng cặn kẽ hơn cách trước. “Trí” là trí huệ Bát Nhã trong tự tánh, minh tâm kiến tánh. Trí huệ ấy hiện tiền, đó là Trí Đức. Đoạn Đức là hai thứ sanh tử đều đã đoạn; đó là Đoạn Đức.

  Chúng ta lại xem Hội Sớ; sách này của pháp sư Tuấn Đế (峻諦) người Nhật: “Tam giới hư vọng, giai bất thường trụ, tổng danh thế gian” (ba cõi hư vọng, đều chẳng thường trụ, gọi chung là “thế gian”). “Tam giới” (三界) là nói về lục đạo, chẳng bao gồm tứ thánh pháp giới. Trong lục đạo có Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới, đó là tam giới. Tam giới hư vọng, trong kinh thường nói là “đều chẳng thường trụ”. Nói thật ra, nó sanh diệt trong từng sát-na. Không chỉ lục đạo là như thế, mà bốn thánh pháp giới cũng chẳng phải là ngoại lệ, cũng chẳng phải là thường trụ, nên [cả mười pháp giới] đều có thể gọi là “thế gian”. “Chúng sanh, quốc độ, tạng phủ vạn sai, thị danh chư sở hữu pháp” (Chúng sanh, cõi nước, hoàn cảnh tốt xấu muôn vàn sai khác, đó gọi là “chư sở hữu pháp”), đây là lời giải thích câu kinh trong phần sau [của đoạn Diệu Hạnh Hiển Thật, tức câu] “siêu quá thế gian chư sở hữu pháp”. Chúng sanh và cõi nước, trong tam giới cũng rất phức tạp. Đối với tam giới, trong phần trước, chúng ta đã thấy khu vực giáo hóa của Thích Ca Mâu Ni Phật là một tam thiên đại thiên thế giới, gọi chung là “tam giới”, kể cả tam giới đang được nói đến ở chỗ này. Một khu vực lớn ngần ấy bao gồm Sa Bà thế giới tam thiên đại thiên thế giới, như Hoàng lão cư sĩ đã nói thì tổng cộng là mười ức hệ Ngân Hà; đối với một nơi to lớn như thế, nhìn từ tam giới, địa cầu vô cùng bé nhỏ! Trong mười ức hệ Ngân Hà, địa cầu thấm vào đâu? Vô cùng nhỏ bé! Trong các tinh cầu, có nơi rất tốt đẹp, cũng có nơi rất tệ, giống như địa cầu của chúng ta hiện thời rất tệ. Hiện tại, xã hội động loạn, tai nạn trên địa cầu nhiều ngần ấy, ở đây, những điều ấy được [sư Tuấn Đế] diễn tả là “tạng phủ vạn sai” (臧否萬差). “Tạng” (臧) là hoàn cảnh tốt đẹp, tức là hoàn cảnh cư trụ trên tinh cầu ấy tốt đẹp. Đời sống trên quả địa cầu này đã từng tốt đẹp. Cổ thư Trung Quốc đã ghi chép thời “thịnh trị đại đồng” được Khổng Tử tán thán, người thời nào vậy? Trong các thời của Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, thì các thời đại Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn là thời thịnh trị đại đồng. Thời vua Vũ vẫn còn khá; kể từ sau khi vua Vũ truyền ngôi cho con, Hạ Khải lên ngôi Thiên Tử trở đi, cho đến thời Văn Vương, Vũ Vương, Châu Công, Khổng phu tử đánh giá những thời đại ấy là thời “thịnh trị tiểu khang”. Nhìn vào lịch sử Trung Quốc, đời Hán có “Văn Cảnh chi trị”, tức thời thịnh trị của Hán Văn Đế và Hán Cảnh Đế, đời Đường có thời thịnh trị Trinh Quán và Khai Nguyên, đều là thời thịnh trị. Nhà Thanh có các đời vua Khang Hy và Càn Long, đều có thể coi như thời thịnh trị trong lịch sử, nhưng đều thuộc loại tiểu khang, chẳng phải là đại đồng.

/ 600