/ 600
520

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 130

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm bốn mươi tám, dòng thứ sáu đếm từ dưới lên, xem từ câu thứ hai:

  “Chân Giải phục tấn nhất giải viết: Nhược y Căn Bản Giáo, đản thuyết nhất tự, diệc vi đắc Phật biện tài, truyền Như Lai như thật ngôn cố. Bất đản thử Bồ Tát nhĩ, phàm phu thuyết diệc đồng chư Phật biện tài. Tán dương Phật huệ công đức, khai hóa thập phương hữu duyên nhi dĩ” (Sách Chân Giải lại còn giải thích rộng thêm như sau: “Nếu nương theo Căn Bản Giáo, chỉ nói một chữ cũng là đắc Phật biện tài vì truyền lời chân thật của Như Lai vậy. Không chỉ những Bồ Tát này được như thế, mà lời của phàm phu nói cũng giống như biện tài của chư Phật. Tán dương công đức Phật huệ chỉ nhằm để khai hóa kẻ hữu duyên trong mười phương mà thôi”). Ngày hôm qua chúng ta học đến câu này. Trong ấy có ý nghĩa rất sâu, rất đáng cho chúng ta học tập. Nương vào Căn Bản Giáo: Căn bản là tự tánh, hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều lưu lộ từ tự tánh, cuối cùng vẫn là trở về tự tánh. Đó là pháp căn bản, giống như Hiền Thủ quốc sư đã nói trong Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán. “Đản thuyết nhất tự” (chỉ nói một chữ): Chúng ta nêu ra một chữ, nêu ra một chữ Phật; trên thực tế, một chính là hết thảy, hết thảy chính là một. Bất cứ chữ nào cũng đều được, bất cứ pháp gì cũng đều được, vì sao? Nó chẳng lìa tự tánh. Chúng ta là phàm phu, chưa đạt đến tầng cấp này, chẳng đạt đến cảnh giới cao như thế. Dùng tỷ dụ để nói, chúng ta sẽ dễ tiếp nhận hơn. Phật có nghĩa là gì? Kinh điển đã dạy: [Phật có] ý nghĩa giác ngộ. Dựa vào đâu để giác ngộ? Trí huệ. Có ý nghĩa hoàn toàn giống như Giới, Định, Huệ đã nói trong các phần trước. Huệ sẵn có trong tự tánh, Định thì sao? Giới luật thì sao? Đều là sẵn có trong tự tánh. Lìa khỏi tự tánh thì tìm đâu ra Giới, Định, Huệ? Do đó, chúng ta phải biết: Giới, Định, Huệ là Tánh Đức, tự tánh vốn sẵn có trí huệ và đức tướng, trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã nói rất nhiều.

  Trong hết thảy các pháp chân, vọng, tà, chánh, Lý, Sự, nhân, quả, đều có thể giác liễu minh đạt, đều giác ngộ, đều hiểu rõ, đều thông đạt, chẳng bị chướng ngại. Do đó, trong Phật môn có một câu: “Pháp nào chẳng phải là Phật pháp?” Đức Phật dạy: “Hết thảy chúng sanh vốn là Phật”, ý nghĩa bao hàm trong từ ngữ “hết thảy chúng sanh” rất rộng. Người bình phàm chúng ta có thể biết đến toàn là người, [nên thường nghĩ] dường như hết thảy chúng sanh đều là người. Hết thảy mọi người vốn là Phật, súc sanh có phải là Phật hay không? Ngạ quỷ có phải là Phật hay không? Quỷ thần có phải là Phật hay không? Hoa, cỏ, cây cối có phải là Phật hay không? Núi, sông, đại địa có phải là Phật hay không? Gió, mây, mưa, tuyết, các hiện tượng tự nhiên có phải là Phật hay không? Tất cả đều là! Vì sao? Chúng do các duyên hòa hợp mà sanh ra, nên được gọi là “chúng sanh”. Vì thế, “chúng sanh” không chỉ là nói về nhân loại chúng ta. Nói theo khoa học hiện thời, theo cách phân loại của khoa học, hết thảy vạn sự vạn vật được chia thành ba loại lớn: động vật, thực vật, khoáng vật. Phật pháp phân chia càng tỉ mỉ hơn, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới. Chánh báo là chính mình, y báo là hoàn cảnh. Trong hoàn cảnh có hoàn cảnh nhân sự, có hoàn cảnh giữa chúng ta và hết thảy động vật, hoàn cảnh cùng hết thảy thực vật, hoàn cảnh cùng hết thảy khoáng vật, núi, sông, đại địa, cho đến với các hiện tượng tự nhiên. Tiến hơn bước nữa, các nhà khoa học cho biết, hết thảy sanh vật trong các chiều không gian khác biệt đều là hoàn cảnh của chúng ta. Đức Phật phân loại [cặn kẽ] hơn các nhà khoa học rất nhiều, phân loại khá tỉ mỉ.

  Trong “hết thảy [các thứ ấy]”, hết thảy vốn là Phật, chẳng có gì không phải là Phật. Một đóa hoa, một chiếc lá vốn là Phật, một hạt bụi, một hạt cát vốn là Phật. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tình và vô tình, cùng viên thành Chủng Trí”. Quý vị thấy một chữ Phật biểu thị [toàn bộ những điều ấy]. Phải là người nào? Phải là người thông đạt; người chẳng thông đạt sẽ không được. Người thông đạt tùy tiện lấy bất cứ pháp nào đều đắc biện tài của Phật. Điều này là thật, chẳng giả tí nào! Nếu phàm phu chúng ta mê mất tự tánh, không chỉ chẳng biết chính mình vốn là Phật, mà còn quyết định chẳng thể nào nhận biết hết thảy vạn sự vạn vật vốn là Phật. Chắc chắn họ sẽ không thể tin tưởng, một đóa hoa, một chiếc lá, làm sao có thể là Phật cho được? Họ chẳng hiểu rõ. Trong mắt Phật, [vạn sự vạn vật] đều là Phật. Trong tầm mắt của phàm phu, nhà Phật lại có một câu: “Có pháp nào là Phật pháp?” Quý vị thấy đối với người giác ngộ, có pháp nào chẳng phải là Phật pháp? Nói theo bọn phàm phu chúng ta, có pháp nào là Phật pháp? Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh cũng không phải là Phật pháp; kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ chúng ta đang học ở đây cũng không phải là Phật pháp. Vì sao? Mê chứ chẳng giác! Phật có nghĩa là “giác”. Đã giác thì hết thảy đều là [Phật pháp], chẳng giác thì hết thảy đều chẳng phải [là Phật pháp]. Phật pháp nói rất tuyệt diệu! Chúng ta phải biết đạo lý và chân tướng sự thật này, cũng như “đắc Phật biện tài” đang được nói ở đây đều là thật, chẳng giả!

/ 600