/ 600
657

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 129

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải trang một trăm bốn mươi tám, dòng thứ tư, xem từ câu thứ ba:

“Hựu Tịnh Ảnh Sớ vị Như Lai đắc Tứ Vô Ngại Trí. Như Lai do vô ngại chi trí, hưng vô ngại chi tứ biện” (Lại nữa, Tịnh Ảnh Sớ nói Như Lai đắc Tứ Vô Ngại Trí. Do trí vô ngại, Như Lai hưng khởi bốn món vô ngại biện tài). Trong bản chú giải này, ngài Huệ Viễn đã nói rất hay, Ngài nói Như Lai đắc bốn thứ trí huệ vô ngại. Từ trí huệ vô ngại, sanh khởi bốn thứ vô ngại biện tài. Do điều này có thể biết: Phương tiện trọng yếu nhất trong hạnh lợi tha là vô ngại biện tài. Chúng ta cũng đều mong có thể tu thành năng lực như vậy, nhưng vô ngại biện tài là trí huệ khởi tác dụng, mỗi người đều vốn sẵn có, chẳng khác gì chư Phật Như Lai! Nay vì sao chúng ta khác biệt Phật to lớn dường ấy? Đức Phật dạy: Nguyên nhân là do chúng ta mê mất tự tánh, cũng là như kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Chỉ vì vọng tưởng, chấp trước, nên không thể chứng đắc”. Quý vị thấy một câu nói này của đức Phật đã nói toạc căn bệnh của chúng ta. Vì sao chúng ta đánh mất trí huệ và đức tướng? Do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Nói cách khác, nếu chúng ta có thể buông vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xuống, trí huệ và đức tướng vốn sẵn có trong tự tánh liền hiện tiền. Đó là lý luận, buông xuống là được rồi! Chúng sanh và Phật sai biệt ngay trong một niệm; thật sự buông xuống một niệm, trí huệ liền hiện tiền. Chúng ta phải ghi nhớ, đức Phật nói “vọng tưởng, phân biệt, chấp trước”; tuy [trong câu kinh Hoa Nghiêm vừa dẫn trên đây] Ngài chỉ nói “vọng tưởng, chấp trước”, nhưng đó là do Ngài đã tỉnh lược “phân biệt”. Chấp trước là Kiến Tư phiền não, phân biệt là Trần Sa phiền não, vọng tưởng là Vô Minh phiền não. Trong giáo pháp Đại Thừa, chúng ta đã học những điều này rất nhiều và cũng đều rất quen thuộc. Buông Kiến Tư phiền não xuống, liền chứng quả A La Hán. Buông Trần Sa phiền não xuống là Bồ Tát. Phá Vô Minh phiền não bèn thành Phật, kinh nói [người như vậy] là Pháp Thân đại sĩ, đã thành Phật. Trong Kim Cang Giảng Nghĩa, cư sĩ Giang Vị Nông đã giới thiệu [từ ngữ] “chư Phật Như Lai” [được dùng trong kinh Kim Cang] chính là bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ như kinh Hoa Nghiêm đã nói. Do có bốn mươi mốt tầng cấp khác biệt, nên gọi là “chư”. Pháp Thân đại sĩ là Như Lai, là Phật.

Nói theo lý luận, phàm phu thành Phật trong một niệm, kinh nói là “nhất niệm khoảnh”. Chúng ta không buông xuống được; vì sao chẳng buông xuống được? Chẳng có trí huệ, nên quý vị chẳng thấy thấu suốt. Trong cuộc sống hằng ngày, dù học tập Phật pháp Đại Thừa, chúng ta luôn dùng vọng tâm, chẳng dùng chân tâm. Vọng tâm được Tướng Tông (Duy Thức học) gọi là “tám thức, năm mươi mốt Tâm Sở”. Không riêng gì chúng ta dùng tâm này, mà hai mươi tám tầng trời, cho đến Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật (Phật trong mười pháp giới) cũng dùng cái tâm này. Nếu chúng ta có thể “chuyển tám thức thành bốn trí” như Tướng Tông đã nói, thì được! Chẳng dùng tám thức, mà dùng bốn trí. Bốn trí là gì? Bình Đẳng Tánh Trí, Diệu Quan Sát Trí, Đại Viên Kính Trí, và Thành Sở Tác Trí; đó là bốn trí. Kinh này nói Như Lai do trí vô ngại, nên mới có thể phát khởi bốn thứ vô ngại biện tài. Vì vậy, cảnh giới được nói ở đây chẳng phải là cảnh giới của phàm nhân. Chuyển tám thức thành bốn trí thì mới có bốn thứ năng lực ấy, giáo hóa trọn khắp hết thảy chúng sanh trong mười pháp giới.

Chúng ta học Phật thì học Phật chẳng phải là lôi kinh điển ra tụng niệm, làm như vậy chẳng có tác dụng to lớn gì, chỉ có thể nói là tốt hơn không niệm. Vì sao? Khi niệm, bèn gieo chủng tử vào trong A Lại Da, chủng tử ấy tốt đẹp. Muốn thành tựu, ắt cần phải trọn đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên thì mới có thể thành tựu trong một đời này. Nếu thiện căn, phước đức, nhân duyên chẳng đủ, lại tu dần dần. Tu chẳng phải là thành tựu ngay trong một đời, vẫn phải là đời đời kiếp kiếp tích lũy thiện căn, phước đức, nhân duyên, chừng nào [những thứ ấy] chín muồi thì sẽ thành tựu. Vì lẽ đó, trí huệ là trọng yếu. Trí huệ do đâu mà có? Do Thiền Định mà có. Trong phần trước, chúng ta đã đọc thấy: Bồ Tát nhằm tự lợi, tu Thiền Định rất sâu, Định có thể sanh ra Huệ. Làm sao để có Định? Định do trì giới mà có, lại truy ngược lên trước. Do điều này có thể biết, Phật pháp chẳng có gì khác, Tam Học Giới, Định, Huệ mà thôi! Giới là phương tiện, là phương pháp, Định là mấu chốt, Trí Huệ là mục tiêu. Chúng ta dùng phương pháp trì giới để đạt tới tâm thanh tịnh, điều này trọng yếu. Có những kẻ trì giới dường như vô cùng nghiêm ngặt, cẩn thận, nhưng chẳng đắc Định. Vì sao? Giới hạnh của chính mình khá lắm, Ngũ Giới và Thập Thiện đều tu rất tốt đẹp, nhưng thấy người khác chẳng trì giới bèn sanh phiền não, khinh mạn người khác! Chư vị nghĩ xem, người thật sự biết tu Thiền Định sẽ đắc gì? Đắc tâm thanh tịnh, đắc Định; còn một vị tu giới luật, người trì giới, đắc gì? Người ấy đắc kiêu căng, ngạo mạn, coi thường kẻ khác, đạt được những điều ấy, đắc phiền não! Quý vị thấy đó, không trì giới thì chẳng có phiền não, trì giới bèn đắc phiền não, sai mất rồi! Chẳng trì giới thì còn cung kính người khác. Hễ trì giới bèn chẳng có chút xíu tâm cung kính nào đối với người khác, [luôn nghĩ] những kẻ đó chẳng bằng ta. Có phải là Thích Ca Mâu Ni Phật đã dạy sai hay không? Đức Phật dạy chẳng sai, mà là bản thân chúng ta dụng tâm sai quấy, chẳng biết dụng tâm!

/ 600