/ 600
524

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 128

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm bốn mươi bảy, hàng thứ hai, xem từ câu thứ hai:

“Hựu Chân Giải viết: Nhất niệm chi khoảnh, châu biến vô lượng Phật độ giả, sở đáo Nhất Thừa thanh tịnh vô lượng thọ thế giới cố, kết quy Niệm Phật tam-muội dã” (Sách Chân Giải lại nói: “Trong khoảng một niệm trọn khắp vô lượng cõi Phật, do đã đạt đến thế giới Nhất Thừa thanh tịnh vô lượng thọ, bèn kết quy Niệm Phật tam-muội”). Đây là một đoạn trong sách Vô Lượng Thọ Kinh Chân Giải nhằm giải thích câu “ư nhất niệm khoảnh, biến du nhất thiết Phật độ” (trong khoảng một niệm, dạo khắp hết thảy các cõi Phật). Nói “trong khoảng một niệm” thì thời gian này rất ngắn ngủi, tạm bợ, trong phần trước chúng ta đã học, [các vị Bồ Tát tham dự pháp hội Vô Lượng Thọ] có thần thông năng lực như thế này, “dạo khắp vô lượng cõi Phật”. Kinh nói “hết thảy các cõi Phật” tức là vô lượng vô biên các cõi Phật. “Sở đáo Nhất Thừa thanh tịnh vô lượng thọ thế giới” (đạt đến thế giới Nhất Thừa thanh tịnh, vô lượng thọ). Nói theo thực tế, y báo và chánh báo của hết thảy các cõi Phật đều bình đẳng, chẳng khác gì Tây Phương Cực Lạc thế giới. Chỗ thù thắng của thế giới Tây Phương so với những cõi Phật khác là do nguyện lực của A Di Đà Phật chẳng thể nghĩ bàn. Nguyện lực ấy đã phát ra khi Ngài tu nhân, trong phần sau chúng ta sẽ đọc đến. Khi chư Phật hành Bồ Tát đạo, đã phát nguyện khác với một đại nguyện chung[1], [đại nguyện chung ấy] tức là Tứ Hoằng Thệ Nguyện thường được nhắc đến trong kinh giáo. Tứ Hoằng Thệ Nguyện là tổng cương lãnh, mỗi vị Phật đều có, nhưng tế hạnh sẽ khác nhau. Chúng ta có thể nói là A Di Đà Phật đã phát ra các nguyện đạt tới viên mãn rốt ráo, vô cùng vi tế, chẳng tìm thấy khiếm khuyết nào! Nguyện to tát, bi tâm khẩn thiết, nguyện dùng phương pháp bình đẳng phổ độ hết thảy chúng sanh, đối với các thứ căn tánh bất đồng đều có thể dùng một phương pháp xảo diệu để độ, phương pháp ấy là danh hiệu sáu chữ “Nam-mô A Di Đà Phật”, thật sự chẳng thể nghĩ bàn! Đó là chỗ đặc biệt thù thắng của Di Đà Tịnh Độ. Nếu không có nguyện lực của A Di Đà Phật gia trì, thần thông của các Bồ Tát tuy cũng to lớn, nhưng chẳng viên mãn, chắc chắn chẳng viên mãn. “Châu biến” cũng là vô lượng. [Nếu như] trong vô lượng mà cũng có số lượng [thì đó là vô lượng hữu hạn], trong vô lượng chẳng có số lượng thì mới là vô lượng thật sự. Trong kinh Đại Thừa, chúng ta thường thấy khu vực giáo hóa của một đức Phật [tối thiểu] là một tam thiên đại thiên thế giới, đó là một đại thiên thế giới. [Có vị Phật, khu vực giáo hóa là] hai, ba đại thiên thế giới, có vị là mười mấy đại thiên thế giới. Quý vị thấy các Ngài làm Phật, duyên giáo hóa chúng sanh khác nhau, đúng là “do gặp duyên khác biệt”. Chỉ riêng A Di Đà Phật kết thiện duyên với tất cả chúng sanh trong khắp pháp giới hư không giới, thật sự làm được. Vì lẽ đó, quốc độ của Phật Di Đà vô lượng vô biên, chẳng có cùng tận, chỗ nào cũng đều là [quốc độ của Ngài]. Cõi nước Cực Lạc ở đâu? Ở ngay nơi đây cũng là [Cực Lạc], chẳng có ngoại lệ! Vấn đề là chúng ta chẳng thấy! Chẳng thấy là do bản thân chúng ta có nghiệp chướng [ngăn trở]. Nếu chúng ta diệt trừ nghiệp chướng, [nơi đây] sẽ lập tức là [Cực Lạc]. Lại còn “một chính là hết thảy, hết thảy chính là một”, đây là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. Vì thế, nói đạt đến Nhất Thừa, Nhất Thừa là nhất Phật Thừa, chẳng phải là Bồ Tát Thừa. “Thanh tịnh vô lượng thọ thế giới” là nói đến quả, chứng đắc bằng cách nào? Niệm Phật tam-muội.

  Lão cư sĩ nói “thử thuyết thậm diệu”, [nghĩa là] thuyết này rất hay, “dĩ niệm Phật cố, đắc sanh Cực Lạc, tức khả thừa A Di Đà Như Lai Nhất Thừa nguyện hải trung đệ thập nhất nguyện chi gia bị lực” (do niệm Phật mà được sanh về Cực Lạc, liền có thể nương vào sức gia bị của nguyện thứ mười một trong biển nguyện Nhất Thừa của A Di Đà Như Lai). Nguyện thứ mười một là “cúng khắp chư Phật”, do nguyện này, “nhi xuất hiện như thị bất khả tư nghị thần thông diệu dụng, ư nhất niệm khoảnh, biến du Phật độ” (bèn xuất hiện thần thông diệu dụng chẳng thể nghĩ bàn như thế, trong khoảng một niệm, dạo khắp các cõi Phật). Trong phần trước, chúng tôi đã chỉ ra, một người sống trong thế gian chẳng thể thiếu phước báo. Trong kinh, chúng ta thấy chư Phật Như Lai, có những vị Phật giáo hóa quốc độ rất to lớn, phước báo to lớn. Cũng có vị quốc độ giáo hóa rất nhỏ, [chỉ là] một đại thiên thế giới, phước mỏng! Vì sao phước có dầy, mỏng? Do lúc tu nhân tích lũy công đức khác nhau! Giống như nay chúng ta sanh vào nhân gian, sống cùng một thời gian, được làm thân người trong khu vực này, sống chung với nhau, “dẫn nghiệp” như nhau, đó là do cái nhân lành trong đời quá khứ đã tu Ngũ Giới, Thập Thiện; nhưng “mãn nghiệp” khác nhau! Mãn nghiệp là gì? Trong đời quá khứ, mỗi người tu phước huệ khác nhau, có người phú quý, có kẻ nghèo hèn, khác nhau, chẳng phải là ông trời thiếu công bằng, mà do chúng ta mỗi người tu khác nhau. Do vậy, nói chung, trong khắp pháp giới hư không giới, y báo và chánh báo của tất cả hết thảy chúng sanh, không có gì chẳng phải là tự làm, tự chịu! Thật sự lãnh hội sẽ hiểu rõ ràng, chẳng còn oán trời hờn người! Đời quá khứ [chính mình] đã thiếu sót, chẳng nghiêm túc tu tập, nay đã hiểu rõ, nay nghiêm túc tu thì có còn kịp hay không? Vẫn kịp, vĩnh viễn còn kịp! Nay chúng ta mong mỏi của cải, hãy tu, tu nơi cái nhân. Tu Tài Bố Thí, chắc chắn có của cải. Chúng ta mong thông minh và trí huệ, phải tu Pháp Bố Thí. Mong khỏe mạnh, trường thọ, phải tu Vô Úy Bố Thí, chẳng có gì không đạt được! Sẽ đạt được rất nhanh, chỉ cần quý vị thật sự làm. Mọi người đều tu, nhưng đạt được kết quả khác nhau, là do nguyên nhân nào? Tín tâm khác nhau, nguyện lực khác nhau. Có người tu mà bán tín bán nghi: “Có đúng hay không? Thử xem!”, nên sẽ đạt được đôi chút. Có người chẳng hoài nghi tí nào, vừa tu bèn được đại phú, đại quý. Dụng tâm khác nhau! Tâm ấy là niệm, ý niệm khác nhau trong mỗi niệm!  

/ 600