/ 600
1.126

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 127

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm bốn mươi sáu, xem từ hàng thứ tư.

“Ư nhất niệm khoảnh, biến du nhất thiết Phật độ” (Trong khoảng một niệm, dạo khắp hết thảy các cõi Phật), câu này là kinh văn. Kế đó là lời giải thích: “Nhất niệm, chỉ cực đoản xúc chi thời khắc, đản kỳ thời hạn, chư thuyết bất nhất” (Chữ “một niệm” chỉ thời khắc hết sức ngắn ngủi, nhưng thời hạn ấy có nhiều thuyết [giải thích] khác nhau). Chữ “nhất niệm” được kinh nói đến rất nhiều, nhưng giải thích khác nhau. Chúng ta biết thuở đức Phật tại thế, Ngài giảng kinh, thuyết pháp có nguyên tắc. Nguyên tắc chung là “chẳng rời khỏi Nhị Đế”, Nhị Đế là Chân Đế và Tục Đế. Cái gọi là Chân Đế chính là nương theo cảnh giới do Phật đã chứng để nói, đó là Chân Đế. Loại thứ hai (Tục Đế) là tùy thuận bọn chúng sanh chúng ta, thuận theo cõi tục, nên gọi là Tục Đế, nghĩa là thuận theo kiến thức thông thường của chúng ta để nói, rất dễ hiểu, chúng ta vừa nghe bèn hiểu ngay. “Nhất niệm khoảnh” (trong khoảng một niệm) thì quả thật cũng có Chân Đế và Tục Đế, nên sẽ có các cách nói khác nhau. Tục Đế là lục đạo, mười pháp giới. Nói cách khác, nếu chúng ta giảng [Tục Đế] theo mỗi pháp giới thì tối thiểu có mười cách giảng. Đối với mười cách giảng ấy, chẳng thể nói cách nào sai, mà cũng chẳng thể nói cách nào hoàn toàn đúng; chúng ta phải hiểu đạo lý này! Một niệm, nếu dựa theo cuộc đối thoại giữa Di Lặc Bồ Tát cùng Thích Ca Mâu Ni Phật, hãy nên biết [những điều được nói trong cuộc đối thoại ấy] là Chân Đế, thời gian một niệm dài bao lâu? Là một phần trong một ngàn sáu trăm triệu phần của một giây, cũng tức là một phần ngàn sáu trăm triệu giây. Đúng là thời khắc vô cùng ngắn ngủi, kinh Phật dạy như vậy. Những cách giải thích khác cũng đều xuất phát từ kinh Phật. “Như Nhân Vương Bát Nhã”, [nghĩa là] theo như kinh Nhân Vương Bát Nhã giảng, “dĩ cửu thập sát-na vi nhất niệm” (coi chín mươi sát-na là một niệm), tức là một niệm có chín mươi sát-na. “Nhất niệm trung chi sát-na, kinh cửu bách sanh diệt” (trong một sát-na của một niệm, trải qua chín trăm lần sanh diệt), kinh Nhân Vương nói như vậy. Kinh Nhân Vương chẳng phải chỉ có một bản dịch[1]. Theo bản chúng ta thường đọc là Nhân Vương Bát Nhã Ba La Mật Kinh có cách nói như thế này: Trong một cái khảy ngón tay có chín mươi sát-na, trong một sát-na có chín trăm lần sanh diệt. Theo cách nói này, chín mươi sát-na là một niệm, trong một niệm có chín trăm lần sanh diệt, tức là một niệm có chín mươi sát-na. Cách này không nói theo [thời gian] khảy ngón tay, [trong các] kinh [khác] cũng nói theo cách khảy ngón tay. Lại nữa, trong quyển thượng của bộ Vãng Sanh Luận Chú, “dĩ bách nhất sanh diệt vi nhất sát-na” (coi một trăm lần sanh diệt là một sát-na), trong một sát-na có một trăm lần sanh diệt. “Lục thập sát-na danh vi nhất niệm” (Sáu mươi sát-na được gọi là một niệm), [khoảng thời gian] ấy được gọi là “niệm khoảnh”. “Lưỡng giả quân dĩ nhất niệm trung cụ đa sát-na dã, đản Trí Độ Luận dĩ nhất đàn chỉ khoảnh hữu lục thập niệm, Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký thập bát” (hai thuyết này đều coi một niệm gồm nhiều sát-na, nhưng Trí Độ Luận nói trong khoảng thời gian khảy ngón tay có sáu mươi niệm. Quyển thứ mười tám sách Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký), tức là quyển thứ mười tám, “vị sát-na tư vân niệm khoảnh, nhất đàn chỉ khoảnh hữu lục thập sát-na” (nói một sát-na được gọi là “niệm khoảnh”, trong khoảng một cái khảy ngón tay có sáu mươi sát-na). Hai bộ luận này đều coi một niệm là một sát-na. Do đó, đối với chuyện này, kinh luận có nhiều cách giảng, đó là giảng giải thuận theo thế tục.

/ 600