/ 600
593

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 126

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang, Trịnh Lộc và Đức Phong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang một trăm bốn mươi lăm, dòng thứ năm, xem từ câu cuối cùng.

  “Tịnh Ảnh sư ý vi” (ý của ngài Tịnh Ảnh), xem từ chỗ này, “tất đổ chư Phật thị hạnh môn, khởi thử hạnh môn, y thâm Thiền Định. Bất đãi khởi tâm động niệm, trực tùng tam-muội pháp môn chi lực khởi hạnh, cố tu trụ ư thậm thâm Thiền Định” (“ắt thấy chư Phật” là hạnh môn, khởi lên hạnh môn ấy, nương vào sức Thiền Định sâu. Chẳng đợi khởi tâm động niệm, mà thẳng thừng từ sức của tam-muội pháp môn để khởi hạnh, cho nên cần trụ trong Thiền Định rất sâu). Hôm trước chúng ta đã học tới đây. Câu này có ý nghĩa hết sức quan trọng, tuy nói là những vị Pháp Thân đại sĩ tham dự pháp hội Vô Lượng Thọ của đức Thế Tôn, nhưng các Ngài chẳng phải là phàm nhân. Nói thông thường, một vạn hai ngàn người ấy đều là Phật, Thiên Thai đại sư gọi họ là Phần Chứng Tức Phật, kinh Kim Cang gọi họ là “chư Phật Như Lai”. Chúng ta xem bộ [Kim Cang Kinh] Giảng Nghĩa của cư sĩ Giang Vị Nông, ông ta đã giải thích chữ “chư Phật” trong kinh [Kim Cang] chỉ bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ. Do có bốn mươi mốt địa vị nên gọi là Chư, những vị ấy đều là Phật, thường gọi là Phần Chứng Tức Phật. Trong hội Hoa Nghiêm, chúng ta đã học chuyện này rất nhiều, những vị ấy không chỉ là Kiến Tư và Trần Sa phiền não đều đoạn, mà vô minh cũng đoạn, vô minh là khởi tâm động niệm. Nói cách khác, lục căn của họ tiếp xúc cảnh giới sáu trần, thật sự chẳng khởi tâm, không động niệm, há chẳng phải là đã thành Phật ư? Đại Thừa tại Trung Quốc thường nói [những vị ấy] là “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, một vạn hai ngàn người ấy đều đã minh tâm kiến tánh.

  “Tịnh Ảnh” là chùa Tịnh Ảnh, chẳng phải là tên pháp sư, mà là tên ngôi chùa Ngài trụ. Do tôn trọng Ngài, dùng tên chùa để thay thế, nên gọi là “Tịnh Ảnh sư”. Ngài có pháp danh là Huệ Viễn, có tên hoàn toàn giống với tổ sư đời thứ nhất của Tịnh Tông là Huệ Viễn đại sư. Trong lịch sử [Phật giáo Trung Hoa], Ngài được gọi là Tiểu Huệ Viễn. Huệ Viễn đại sư ở Đông Lâm Niệm Phật Đường tại Lô Sơn vào thời Đông Tấn được gọi là Đại Huệ Viễn, còn vị này thuộc vào đời Tùy - Đường, được gọi là Tiểu Huệ Viễn. Ngài có chú giải kinh Vô Lượng Thọ, trong chú giải của Ngài có ý nghĩa được giảng theo cách như thế này “tất đổ chư Phật” (ắt thấy chư Phật) là hạnh môn. Trong cảnh giới ấy, mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai người ấy đều trông thấy, đều nhìn thấy. Khởi lên hạnh môn này, nương vào Thiền Định sâu, nhưng chẳng được phép khởi tâm động niệm trong ấy, vì sao? Khởi tâm động niệm là vô minh. Người ta đã phá vô minh, chẳng còn nữa. Họ trụ nơi đâu? Trong Nhất Chân pháp giới. Nếu khởi tâm động niệm, trụ xứ của họ là tứ thánh pháp giới, chẳng phải là Nhất Chân pháp giới. Tứ thánh pháp giới còn gọi là cõi Phương Tiện Hữu Dư. Nhất Chân pháp giới là cõi Thật Báo Trang Nghiêm, đó là cõi Thật Báo Trang Nghiêm của Phật, mà cũng là cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chính mình. Giống như chúng ta trong hiện thời, nay chúng ta là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước một phẩm cũng chưa phá. Nói cách khác, trọn đủ vô lượng vô biên tập khí phiền não, nay chúng ta đang ở nơi đâu? Trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư của Thích Ca Mâu Ni Phật. Lục đạo luân hồi là cõi Phàm Thánh Đồng Cư của Thích Ca Mâu Ni Phật. Chúng ta sống ở nơi đây, cũng là cõi Phàm Thánh Đồng Cư của chính mình, nhất định phải hiểu điều này. Quý vị thấy “sanh Phật bất nhị”, nghĩa là chúng sanh và Phật chẳng khác nhau. Bản thân chúng ta ở trong giai đoạn nào, liền trụ trong Phật Báo Độ ấy, có nghĩa là thuộc loại Báo Độ nào của Phật, nhất định phải biết điều này!

  Một vạn hai ngàn vị Bồ Tát ấy đã đoạn hết vô minh, chẳng khởi tâm, không động niệm, đó là “thậm thâm Thiền Định”. Trong phần trước, tôi đã thưa trình cùng quý vị, Thiền Định này là tự tánh vốn định. Khi Lục Tổ Huệ Năng đại sư của Thiền Tông kiến tánh, lão nhân gia đã nói: “Nào ngờ tự tánh vốn chẳng dao động”, đã nói câu ấy. Câu ấy nói về tự tánh vốn định, chẳng do tu được. Tự tánh vốn bất động; bất động là chẳng khởi tâm, không động niệm. Khởi tâm động niệm còn chẳng có, lấy đâu ra phân biệt, chấp trước? Khởi tâm động niệm là vô minh phiền não, phân biệt là đại phiền não, chấp trước là phiền não nghiêm trọng nhất. Quý vị thấy: Có chấp trước thì mới có lục đạo luân hồi. Chẳng có chấp trước, sẽ chẳng thấy luân hồi. Luân hồi là giả, chẳng thật. Phân biệt cũng chẳng thật. Nếu buông phân biệt xuống, chẳng có phân biệt, mười pháp giới đều chẳng có, cũng có nghĩa là cõi Phương Tiện Hữu Dư của chư Phật bèn chẳng có. Vĩnh Gia đại sư đã nói: “Giác rồi ba cõi rỗng toang hoang”, đại thiên thế giới chẳng có. Chúng ta phải hiểu rõ ràng, rành rẽ Lý và Sự. Tu hành là tu gì? Học sao cho trong cảnh giới chẳng động niệm, đó là cao minh nhất. Học chẳng khởi tâm, không động niệm, vĩnh viễn giữ cho tâm chính mình thanh tịnh, bình đẳng, giác, đó là công phu, quý vị bèn thành Phật.

/ 600